Cơ sở khám, chữa bệnh y tế tư nhân: Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ
Hiện đại hóa quy trình KCB
Tháng 12/2020, Bệnh viện Đa khoa Anh Quất (Tân Yên) thành lập (tiền thân là Phòng khám Đa khoa Anh Quất) với quy mô 45 giường, đến tháng 9/2022 nâng lên là 150 giường bệnh.
Lấy số khám bệnh tự động tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hà Nội - Bắc Giang. |
Bệnh viện đẩy mạnh quy trình KCB hiện đại, người dân đến khám, điều trị được hướng dẫn tải ứng dụng “Anh Quất” trên điện thoại thông minh nên không lo mất kết quả KCB, quên lịch uống thuốc, có thể đặt hẹn lịch khám từ xa mà không phải lấy số thứ tự hoặc gọi xe cứu thương của bệnh viện khi cần.
Chị Đặng Thị Mai, 53 tuổi, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) vừa phẫu thuật đa nhân xơ tử cung, u nang buồng trứng cho hay: “Người bệnh đang đau đớn, mệt mỏi sợ nhất phải chờ đợi kéo dài. Khi đến đây, tôi được hướng dẫn làm thủ tục nhanh chóng, các bác sĩ tận tình, phòng ở sạch đẹp, có điều hòa, ti vi và mạng internet, nước sạch nên yên tâm”.
Theo ông Nguyễn Thế Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Anh Quất, không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện, gần đây người dân các huyện lân cận cũng đến KCB.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hà Nội - Bắc Giang có từ 450-500 lượt bệnh nhân có thẻ BHYT hoặc tự nguyện đến KCB. Ngoài ra, đơn vị quản lý khoảng 1,5 nghìn người điều trị ngoại trú bệnh mạn tính. Từ đầu năm 2021, bệnh viện triển khai lấy số khám bệnh tự động, phân luồng hướng di chuyển một chiều.
Theo lịch hẹn tái khám với bác sĩ, ngày 26/8, ông Thân Văn Sơn, 68 tuổi, xã Mỹ Hà (Lạng Giang) đến bệnh viện khám định kỳ bệnh tăng huyết áp. Sau khi qua khu vực bấm số tự động, ông đến bộ phận đăng ký khám quét mã thẻ BHYT, sau đó được nhân viên hướng dẫn ngồi chờ ở hàng ghế gần đó để chuẩn bị vào khám.
Ngay khi UBND tỉnh, Sở Y tế triển khai kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đơn vị lắp đầu đọc mã thẻ BHYT trên căn cước công dân, mã VssID trên điện thoại thông minh, triển khai hóa đơn điện tử và thu phí song song để rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính cho người bệnh.
Hằng tuần, bộ phận chăm sóc khách hàng lấy ý kiến của người dân để kịp thời điều chỉnh, nâng chất lượng, thái độ phục vụ.
Nâng kỹ thuật chuyên sâu
Để tạo đà cho y tế tư nhân phát triển, Bắc Giang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa y tế; Sở Y tế quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Từ năm 2017, Sở Y tế rút ngắn các khâu trung gian, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đăng ký hoạt động KCB từ 60 ngày xuống còn 40 ngày đối với bệnh viện và 30 ngày đối với phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
Hệ thống xét nghiệm hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Anh Quất (Tân Yên). |
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 phòng khám đa khoa thuộc địa bàn các huyện Việt Yên, Lạng Giang được cấp phép hoạt động. Xu hướng y tế tư nhân tiếp tục phát triển hoạt động song song với mạng lưới y tế công lập. Các cơ sở đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, có chính sách thu hút bác sĩ được đào tạo chính quy, có kinh nghiệm về công tác, triển khai kỹ thuật chuyên sâu.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, các bệnh viện, phòng khám mời bác sĩ đào tạo chính quy hoặc nhiều kinh nghiệm làm việc hoặc cố vấn chuyên môn. Trong số hơn 1,5 nghìn nhân lực đang làm việc tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân có 2 tiến sĩ, 5 bác sĩ chuyên khoa II, 168 bác sĩ chuyên khoa I, 17 thạc sĩ, 602 bác sĩ, y sĩ còn lại là điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh và cán bộ làm công việc khác.
Toàn tỉnh hiện có 656 cơ sở hành nghề y dược tư nhân được cấp phép hoạt động, trong đó Sở Y tế quản lý trực tiếp 40 cơ sở (gồm 11 bệnh viện, 29 phòng khám đa khoa); UBND các huyện, TP quản lý 616 cơ sở (phòng khám chuyên khoa, chẩn trị y học cổ truyền, kính thuốc, dịch vụ thẩm mỹ...). |
Gần đây, Bệnh viện Mắt quốc tế DND-Bắc Giang bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại để thực hiện phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể, điều trị tật khúc xạ bằng công nghệ laser, tạo hình thẩm mỹ vùng mắt - mặt.
Ở huyện Lục Ngạn, Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long cũng trang bị máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp CT, máy tán sỏi nội soi, 5 phòng mổ có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện đáp ứng quy chuẩn hiện đại.
Bệnh viện còn liên kết với các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và bệnh viện T.Ư kịp thời chẩn đoán từ xa, điều trị và phẫu thuật ca khó. Vì vậy, nhiều ca nặng được xử trí ngay tại cơ sở, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên.
Trong 8 tháng qua, các cơ sở tư nhân đã KCB cho hơn 1 triệu lượt người, chiếm hơn 50% tổng số lượt khám bệnh của toàn tỉnh. Hoạt động của hệ thống y tế tư nhân đã góp phần giải quyết bài toán quá tải ở bệnh viện công lập và giúp đa dạng hóa dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu.
Với phương châm tạo thuận lợi để các cơ sở hoạt động song không buông lỏng quản lý, theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở KCB tư nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa trong quản lý, điều hành và hoạt động KCB.
Thanh tra Sở và cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý đối với các cơ sở hành nghề chưa có giấy phép hoạt động, không đủ điều kiện kinh doanh, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, hướng tới mục tiêu để người dân được hưởng những lợi ích, dịch vụ tốt nhất về KCB.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)