Chuông gió
Dẫu nhiều năm nay làng quê chìm trong cơn say đô thị hóa, có nhiều thứ mới mẻ đáng mừng mà cũng đáng lo đấy, song tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau thì vẫn luôn ấm áp, sẻ chia đầy chặt.
Minh họa: ĐINH HƯƠNG. |
Tôi nằm ủ ê hưởng thụ, mặc cho chú mèo già cứ giậm chân lên người như trêu ghẹo. Mẹ từ ngoài vườn bước vào, cầm nắm rau tập tàng và nải chuối vàng ươm trên tay, vội khoe:
- Bác Hội vừa đem cho chuối vườn nhà chín cây đây này.
- Nhà bác hay nhà mình mới sửa tường rào đấy hả mẹ?
- Bố con mới xây sửa kín lại, vì mấy con chó nhà bác cứ sang nghịch phá vườn rau đấy. Một mình ông ấy lụi cụi cả tuần mới xong.
- Có anh Hải, em Vinh ở nhà thì bố mẹ nhàn biết mấy. Con phận gái lấy chồng là thành con người ta rồi, phải không bố?
- Anh mày có chắc còn nhớ đường về nhà…
Đang vui vẻ ngắm nghía các tác phẩm mới thu được trong chuyến thực tế mấy hôm trước, nghe nhắc đến anh Hải, giọng bố bỗng đanh lại. Ông thở dài đánh thượt, đem cất xếp máy ảnh, ống kính vào túi rồi bỏ sang nhà bác Tứ chơi cờ. Mẹ giao nắm rau vào tay tôi rồi lẳng lặng xuống bếp. Bà nhóm lửa, nhắc nồi nước to đun cho cả nhà tắm. Tôi không dám nói gì thêm vì sợ mẹ buồn. Nhắc đến anh như chạm vào một vết thương vô hình đã ghim sâu trong lòng bố nhiều năm, và mẹ lại khóc một mình.
Đêm trở mùa. Gió lùa tán cây sấu nơi góc sân, lá cờ bố treo bên chái nhà bay từng hồi phần phật. Chuông gió treo trước hè reo vang, lâu lắm tôi mới lại nghe âm điệu leng keng réo rắt này. Nhớ khi đem treo chiếc chuông gió này, anh Hải hân hoan nói nhiều về lợi ích của nó. Tôi nghe mà chỉ nhớ nhất mỗi câu là, “âm thanh xôn xao của chuông gió tượng trưng cho cõi sống và sự hồi sinh”. Nghĩ đến anh, tôi cứ trở mình thao thức. Giường bên kia bố như cũng khó ngủ, chiếc radio được vặn nhỏ hết cỡ phát hết chương trình này chuyển sang chuyên mục khác mà vẫn chưa thấy tắt. Hồi lâu, bố nói với sang:
- Duyên à, mai lấy chiếc chuông gió xuống nhé. Nghe nó kêu thấy sốt ruột quá.
Gà chưa gáy sáng đã thấy mẹ lục đục ra khỏi chăn, nhắc nồi cất rượu. Chiếc chuông gió rộn reo một hồi rồi im hẳn. Trong cơn ngái ngủ, tôi chắc mẩm mẹ đã lấy xuống và cất nó rồi. Tôi đoán hẳn tối qua khi bố dặn tôi, mẹ cũng chưa ngủ được.
* * *
Tôi ngồi trên bãi cát, đủn những ngón chân xuống đó để mặc cho gió quật tóc rát mặt. Từ trên ban công căn nhà 5 tầng vừa là nhà ở, vừa kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ cho khách du lịch, anh Hải vẫy gọi tôi trở vào. Gọi vậy nhưng rồi anh lại lững thững đi xuống bờ biển ngồi cạnh tôi và Vinh, đưa tay vẽ vời trên cát.
- Chị Tuyên ra chỗ nấu nước mắm hay sao ạ?
- Ừ, để anh gọi chị về, lấy ít đồ hải sản hấp bia cho mấy đứa ăn nha.
- Tôm nhé, ghẹ nữa… - Vinh nhanh nhảu
Mấy anh em sải bước dọc những con sóng tung bọt trắng xóa. Tôi không nhớ đã bao lần mình và Vinh tranh thủ những dịp nghỉ lễ, lấy cớ đi công chuyện lén giấu bố xuống thăm anh như thế. Ban đầu anh cũng sợ bố biết, lo cho chúng tôi, nhưng lâu dần anh chẳng bận tâm nhiều nữa. Anh bảo, mỗi lần được gặp hai đứa, anh thấy đường về nhà đang dần ngắn lại.
- Gần mười năm rồi, anh vẫn chưa đủ tự tin để trở về sao? - tôi bâng quơ hỏi
- Anh tin bố đã dần hiểu, cảm thông và chấp nhận sự lựa chọn của anh. Nhưng ủng hộ thì chưa.
- Không có anh, em lúc nào cũng là “ngôi sao” trong nhà đấy - Vinh hài hước trêu.
Hai anh em đuổi bắt nhau, lộn nhào trên bãi cát. Tôi không biết tình yêu của chị Tuyên dành cho anh lớn đến đâu, song tôi quý trọng chị vì cách cư xử, thương yêu rất đỗi chân thành, dung dị. Thương chị bao năm làm vợ mà chưa được thừa nhận là dâu con. Nhiều lần tôi cố giải thích, rằng bố không chấp nhận chị và từ mặt anh Hải bởi sự lựa chọn của anh khi ấy đã làm bố bẽ bàng, vì anh đã phụ lòng bố. Suy cho cùng, thì bố mới là người khổ tâm trước nhất. Chị Tuyên nghe, mắt sóng sánh nước, nhưng chị luôn giấu cảm xúc trong giọng cười giòn tan, nhẫn nại chờ đợi chứ chẳng một lời than thở.
- Lựa chọn của anh chị, là do anh Hải liều lĩnh, hay là chị dũng cảm? - tôi tò mò hỏi.
- Là anh ấy liều, em ạ. Ai đời học đại học đàng hoàng, có nơi nhận về khi còn chưa tốt nghiệp, con đường thăng tiến thênh thang mà không đi, lại đi theo cô… hàng nước mắm. Lấy chị, anh ấy có nhà mà chẳng dám về. Nhiều khi nhìn anh cặm cụi lo từng mẻ nước mắm, những chiều ngồi đăm chiêu nhìn sóng biển, chị thương đến thắt lòng. Nếu không gặp chị, thì giờ anh đã có thể trở thành người như bố mong đợi, gia đình chẳng khuyết thiếu yêu thương như thế này.
Bố đứng dậy, im lặng dắt theo bé Huy đến gần ban thờ, đốt ba cây nhang, bố thắp trước, quay qua đưa cho anh một nén, cho bé Huy một nén. Tối đó, bố lặng lẽ treo chiếc chuông gió lên trước hè. Tiếng chuông gió réo rắt trong đêm nghe thật vui tai! |
Tôi nhớ cái ngày bố liệng cả mâm cơm tung tóe và đuổi anh đi khi quyết định từ bỏ mọi thứ để đến với chị của anh được đưa ra. Ông gào lên bất lực, rằng không ngờ mọi thứ tưởng như đã an bài, một cuộc sống rạng rỡ mà ông cố công vun vén cho đứa con tài hoa lại bị chính tay nó gạt phắt. Tôi phần nào hiểu được tâm tư của bố.
Nhiều năm vật lộn với cuộc sống nghèo khó, chính ông cũng phải gác lại ước mơ nhiếp ảnh của mình mà chăm chỉ học hành, chen chân làm người nhà nước, những mong sự ổn định để lo cho gia đình. Mãi đến khi về hưu bố mới cho phép mình quay lại với đam mê được rong ruổi và sáng tạo của riêng mình. Bố cũng từng muốn tôi học kinh tế nhưng ước mơ của tôi là trở thành nhà báo.
Ông không gò ép tôi cũng bởi suy nghĩ cố hữu, con gái thì sao cũng được. Bố kỳ vọng ở anh Hải, có lẽ cũng bởi định kiến đàn ông là trụ cột, phải có công danh sự nghiệp đàng hoàng, vững chắc. Nhưng rồi tôi cũng tin, mọi thứ con người chọn lựa đều có lý do của nó. Thế nên từ lâu tôi không còn thắc mắc, rằng một chàng kỹ sư nông nghiệp và một cô gái theo nghề truyền thống nấu nước mắm của gia đình, họ đã đồng lòng ra sao để vun vén hạnh phúc. Chỉ thấy cái nắng, cái gió mặn nồng nơi này đã cho anh mục tiêu sống rõ ràng hơn. Anh hứa, một ngày gần thôi, anh sẽ về xin bố tha lỗi.
* * *
Ngày cưới tôi, anh chị và bé Huy bất ngờ xuất hiện. Cả nhà đang rộn rã nói cười bỗng im phăng phắc. Bé Huy đến gần, dõng dạc cúi chào ông nội. Bố tôi sững người ra một lúc rồi choàng tay ôm thằng bé. Cái xiết ôm của hai ông cháu khiến ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
- Bố ơi, chúng con cầu mong được thứ lỗi! - anh Hải và chị Tuyên ngồi sụp xuống, nắm lấy đôi bàn tay bố.
- Ngày vui, các con đừng khóc!
Câu nói dịu dàng đó của bố có lẽ là món quà bất ngờ nhất mà tôi nhận được trong ngày vui của mình. Mẹ cười thành tiếng mà nước mắt lăn trào ra hai bên má.
Nói đoạn, bố nhanh chân vào trong buồng lấy ra cuốn album dày cộp. Cuốn album mà nhiều năm nay bố giữ gìn như báu vật. Không ít lần tôi thấy bố trầm tư khi lật giở chúng, nhưng chỉ cần lên tiếng hỏi thì ông liền gập lại, đem cất vào ngăn tủ riêng. Tôi chỉ nghĩ đó là những bức ảnh quý trong quãng thời gian cầm máy ảnh của mình mà bố rất trân trọng, nên ông không muốn chia sẻ chúng mà thôi.
Bố gọi Huy lại gần, bắt đầu giở từng trang album. Ơ kìa, đó toàn là ảnh của thằng bé Huy và vợ chồng anh Hải. Thì ra, nhiều lần bố sửa soạn đồ nghề, nói là đi “săn ảnh” với nhóm bạn già, nhưng thực tế là đi thăm con cháu. Thăm bằng cách đứng từ xa, zoom ống kính và thu vào tầm mắt những gì đang hiện hữu. Những hình ảnh dần hiện ra như thước phim quay chậm.
Hình này là lúc chị Tuyên khệ nệ mang bầu cùng anh Hải xếp gạch lên xe rùa khi xây nhà. Ảnh này là bé Huy đang vịn tường tập đi. Đây nữa, bức ảnh được chụp từ phía sau khi anh Hải và Huy ngồi trên bờ cát cùng hướng mắt ra biển. Cả hình lúc vợ chồng anh đèo nhau đi chào hàng nước mắm ở cửa hàng tạp hóa… Rất nhiều những bức ảnh bố góp nhặt trong gần 10 năm qua, theo dấu từng bước trưởng thành của anh.
Hóa ra, những lần tôi và Vinh lén đi thăm anh nữa, bố đều biết cả. Không biết sao mà có bức ảnh chúng tôi cùng nhau tản bộ dọc bờ biển kia chứ? Anh Hải xem xong cuốn album, ôm chầm lấy mẹ mà khóc như đứa trẻ. Nhấp ngụm trà, bố thủng thẳng bảo:
- Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi các con ạ. Làm cha mẹ, sẽ cứ mãi yêu thương và lo lắng cho con cái dù chúng có sai lầm hay lớn khôn thành đạt cỡ nào. Lo cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay thì mới thôi, nào có ai nỡ chối bỏ con mình.
Bố đứng dậy, im lặng dắt theo bé Huy đến gần ban thờ, đốt ba cây nhang, bố thắp trước, quay qua đưa cho anh một nén, cho bé Huy một nén.
Tối đó, bố lặng lẽ treo chiếc chuông gió lên trước hè. Tiếng chuông gió réo rắt trong đêm nghe thật vui tai!.
Truyện ngắn của Mai Đình
Ý kiến bạn đọc (0)