Chủ doanh nghiệp, cựu học sinh chia sẻ: Đừng chọn trường, chọn nghề theo trào lưu
Nỗ lực với mục tiêu đã chọn
Suốt những năm học từ bậc THCS đến THPT, Vương Đình Ân (SN 2000) - cựu học sinh chuyên Toán K25, Trường THPT Chuyên Bắc Giang được nhiều thầy cô, bạn bè biết đến bởi đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tỉnh, thành phố môn Toán. Với giải Nhất quốc gia khi đang học lớp 12, nhiều trường đại học, học viện tuyển thẳng, dành cho Ân nhiều chế độ ưu đãi.
![]() |
Vương Đình Ân (người đứng) chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, chọn nghề với học sinhTrường THPT Chuyên Bắc Giang. |
Chia sẻ về quyết định của mình thời điểm ấy, Vương Đình Ân cho biết: “Đứng trước hai lựa chọn: Một là theo ngành sư phạm để có thể tiếp nối sự nghiệp giáo dục của mẹ và các thầy cô giáo ở Trường THPT Chuyên Bắc Giang hoặc là nghiên cứu khoa học khiến người trong cuộc như tôi phải suy tính khá lâu. Uớc mơ của tôi là được nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật, công nghệ. Cuối cùng tôi chọn ngành Khoa học máy tính thuộc Trường Đại Bách khoa Hà Nội”.
Trong môi trường mới có nhiều bạn từng đoạt giải quốc gia, Vương Đình Ân không ngừng cố gắng, từng bước khẳng định bản thân, là một trong những sinh viên xuất sắc được nhận học bổng phát triển tài năng của trường. Tháng 5/2019, Ân cùng đội tuyển sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giành giải Nhất tại Cuộc thi Olympic Toán học sinh viên, học sinh toàn quốc lần thứ 27. Cũng ở sân chơi này, Ân đoạt 2 Huy chương Vàng ở lĩnh vực đại số và giải tích.
Trao đổi với một số học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang từng đoạt nhiều giải thưởng được biết, các em đã nhận thức được việc không chạy theo trào lưu, xu hướng khi chọn ngành, nghề.Việc học là cả quá trình bền bỉ nhưng với Vương Đình Ân thì quan trọng nhất là cần có phương pháp tự học, tự nghiên cứu; nắm chắc kiến thức cơ bản rồi mới đến chuyên sâu và đặc biệt là phải học tốt tiếng Anh.
Là dân chuyên Toán song từ khi học THPT, Vương Đình Ân đã sớm ý thức chăm chút cho vốn ngoại ngữ của mình mỗi ngày nhiều thêm. Nhờ vậy anh có thể đọc sách, tài liệu của các chuyên gia trên thế giới. Ân cũng cho biết sau khi hoàn thành chương trình đại học, khi cảm thấy đã tích lũy được nhiều vốn sống, kiến thức rồi mới tính chuyện du học.
Thành công từ lối đi riêng
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lê Văn Hải (SN 1982), xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) quyết định chọn học hệ trung cấp Khoa Chăn nuôi thú y (Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang). Quyết định đó khiến nhiều người ngạc nhiên bởi với lực học khá, sức khỏe tốt, anh có thể đăng ký thi vào nhiều đại học chuyên ngành.
![]() |
Anh Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hải Thịnh Bắc Giang. Ảnh: Thế Đại |
Anh Hải bộc bạch: "Gia đình tôi thuần nông, điều kiện không mấy dư giả nên tôi chọn học hệ trung cấp và trường đại học trong tỉnh để giảm bớt chi phí ăn học, thuê nhà trọ. Thêm nữa, vùng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp nên tôi mong muốn được đem kiến thức của mình đánh thức vùng đất giàu tiềm năng này". Sau hai năm học, anh Hải tốt nghiệp và không khó để xin vào làm việc trong một số doanh nghiệp phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Có cơ hội đi nhiều nơi, cùng với vốn kiến thức được trang bị trong trường học, anh tích cực học hỏi, tích lũy vốn, kinh nghiệm, đến năm 2017 thì trở về quê thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Hải Thịnh Bắc Giang tại thôn Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa). Công ty của anh đưa vào thị trường các sản phẩm chế biến từ thịt (xúc xích, giò, dăm bông, thịt xông khói); trứng (gà, vịt), thịt lợn, gà (tươi)…
Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, anh Hải áp dụng quy trình công nghệ hiện đại khép kín từ sản xuất cám, xây dựng trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ, chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm được đóng gói trên dây chuyền tự động làm bằng các loại máy móc hiện đại nên được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng Công ty cung ứng từ 60-80 tấn thịt lợn, gà tươi và sản phẩm đã qua chế biến, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 80 lao động với mức lương từ 8-12 triệu đồng/tháng.
Chọn cách lập nghiệp riêng, không ngại công việc chăm sóc đàn lợn, gà như những người nông dân. Cho đến nay khi đã là chủ một doanh nghiệp lớn, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, Giám đốc Lê Văn Hải thấm thía bài học về việc chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Anh chia sẻ thêm, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, công việc nào, môi trường làm việc ở đâu cũng có nhiều áp lực, thậm chí là khắc nghiệt, chỉ một phút sơ sẩy, không tính toán kỹ có thể thiệt hại lớn. Bù lại, khi được làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích, được gia đình ủng hộ, giúp đỡ thì khó khăn sẽ là động lực để vượt qua tất cả.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)