Chiến tranh Lạnh- một khúc quanh tất yếu của lịch sử- Kỳ 1: Những tiền đề lịch sử
Từ “10 ngày rung chuyển thế giới”
Không cần phải đợi đến tận năm 1947 - khi hiện hữu những bức tường ngăn Thủ đô Berlin của nước Đức thành hai phần và một thứ “Bức màn thép” vô hình chia cắt thế giới thành hai nửa cũng đã sập xuống - mối hiềm khích giữa phương Tây và chủ nghĩa cộng sản mới bắt đầu xuất hiện. Thực ra, 30 năm trước đó, ngọn lửa xung đột ý thức hệ đã được thổi bùng sau những diễn biến long trời lở đất của Đại cách mạng Tháng Mười Nga - hay “10 ngày rung chuyển thế giới”, như tên cuốn sách nổi tiếng của nhà văn - nhà báo Mỹ John Reed.
Lực lượng Xô Viết đánh tan từng đội quân Bạch vệ, đẩy quân đội các đế quốc phương Tây về nước, giành chiến thắng cuối cùng. |
Đó là lần đầu tiên, một nhà nước khẳng định quyền thống trị của liên minh công - nông được kiến tạo thành công ở thời cận đại. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại ấy đã lật nhào những lề thói cũ, làm đảo lộn toàn bộ trật tự xã hội cũ, xóa sạch các bất công về quyền sở hữu tư liệu sản xuất cũng như cách phân chia lợi nhuận thặng dư đã lên tới đỉnh điểm trong lòng chủ nghĩa tư bản, đồng thời cũng quét sạch những tàn dư quân chủ phong kiến.
Không cường quốc phương Tây nào chấp nhận cuộc cách mạng đó. Họ lo ngại ngọn lửa cách mạng hừng hực ấy sẽ cháy bùng từ Đông sang Tây, làm dấy lên những đòi hỏi và nhu cầu cách mạng ở xã hội của chính quốc gia họ. Bởi vì, vào lúc đó, người lao động ở bất cứ đâu cũng bị bóc lột tàn tệ. Bởi vì, không chỉ những hoàng tộc có quan hệ xa gần với hoàng gia Romanov nước Nga trên khắp cựu lục địa chấn động, mà mọi tầng lớp đặc quyền (quý tộc, hàng giáo phẩm, đại tài phiệt) ở mọi nơi cũng vô cùng lo lắng cho sự an nguy cùng quyền lợi của chính mình.
Đó là lý do để ngay khi nước Nga Xô Viết non trẻ ra đời, hàng đoàn quân ngoại quốc bao vây và tiến đánh họ từ bốn phía, hỗ trợ cho những nỗ lực giành lại quyền bính của các tướng Bạch vệ. Cuối năm 1917, một kế hoạch hành động trấn áp Hồng quân Bolsevik đã được thống nhất: Quân đội Pháp sẽ tấn công Ukraine và bán đảo Crimea; quân đội Anh sẽ tiến vào phía bắc Nga, cùng các vùng sông Đông, Kuban, Kavkaz…; lính Mỹ và lính Nhật sẽ công kích từ Thái Bình Dương vào Viễn Đông và Siberia.
Đến cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước
Tháng 12-1917, nghĩa là gần như lập tức sau tiếng pháo chiến hạm Rạng Đông nã vào Cung điện Mùa Đông, liên quân Pháp - Romania đánh chiếm Bessarabia (vùng phía Đông Moldavia hiện tại). Đầu năm 1918, liên quân Anh - Pháp - Mỹ đổ bộ lên các cảng Murmansk và Arkhangelsk ở phía cực Bắc nước Nga, lật đổ chính quyền Xô Viết, tiến về hướng Moskva và Petrograd. Nhật Bản và Mỹ chiếm cảng Vladivostock. Anh kéo quân xuống Turkmenistan và Ngoại Caucase. Nước Đức, dù đã ký hòa ước với nước Nga Xô Viết, vẫn đưa quân vào một vùng rộng lớn, từ Baltic tới Ukraine qua Belarus. Tháng 8-1918, quân Anh - Pháp đến cảng Odessa và Sevastopol trên bờ Biển Đen.
27 năm đã trôi qua. Những ký ức về Chiến tranh Lạnh đã chìm sâu vào dĩ vãng, kể từ khi Liên bang Xô Viết vĩ đại - Thành trì của chủ nghĩa xã hội trên thế giới sụp đổ. Thế nhưng, hiện tại, khi thế giới phẳng đi một cách chóng mặt và đa cực trở thành một xu thế tất yếu của tiến trình tái sắp xếp trật tự, khi bóng dáng của những cuộc chiến tranh Lạnh khác đã bắt đầu thấp thoáng, những ký ức cũ lại sống dậy, với rất nhiều bài học để chiêm nghiệm. |
Theo chân các đoàn viễn chinh này, quân Bạch vệ của các tướng Denikin, Yudenich, Kolchak, Vranghel… cũng nhanh chóng tận dụng thời cơ, khuếch trương thanh thế. Đến cuối năm 1918, nước cộng hòa Xô Viết non trẻ lâm vào tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”. Nước Nga phải chiến đấu trong vòng vây của 14 vạn quân thuộc 11 quốc gia cùng gần 1 triệu quân Bạch vệ các nhóm, mất tới ¾ lãnh thổ với rất nhiều trung tâm nguyên liệu, nhiên liệu và lương thực. Nền kinh tế gần như sụp đổ. Nạn đói lan tràn. Các lực lượng chống đối liên tục nổi lên. Các Xô Viết nối nhau bị lật đổ.
Thế nhưng cuối cùng, bằng những biện pháp linh hoạt và kiên quyết nhằm ổn định tình hình an ninh ở hậu phương (kể cả “Khủng bố đỏ”), bằng sự thay đổi chính sách kinh tế cho phù hợp với thời chiến và đặc biệt là bằng sự thành lập Hồng quân chú trọng vào chất lượng chính trị, kỷ luật song song bù lại cho giá trị tác chiến, nước Nga Xô Viết đã nhanh chóng thay đổi được tình thế, chặn đứng đà tiến của Bạch vệ cũng như các lực lượng quân đội ngoại quốc. Trong hai năm 1919 - 1920, thế cờ từng bước bị lật ngược. Hồng quân đánh tan từng đội quân Bạch vệ, đẩy quân đội các đế quốc phương Tây về nước, giành chiến thắng cuối cùng.
Bên cạnh sự lãnh đạo đúng đắn và hiệu quả của Đảng Bolshevik do Vladimir Ilich Lenin đứng đầu, khai thác và phát huy toàn bộ sức mạnh của nước cộng hòa non trẻ phục vụ cho chiến thắng, còn phải kể đến chuyện các lực lượng Bạch vệ cũng chia rẽ và xung đột lẫn nhau về tư tưởng cũng như quyền lợi. Và đặc biệt, sự hiện diện của các đoàn quân nước ngoài trên lãnh thổ nước Nga nhằm hậu thuẫn cho Bạch vệ khiến chính họ trở thành những kẻ phản quốc. Không người dân Nga chân chính nào chấp nhận được điều đó. Lòng tự hào dân tộc Nga bị tổn thương. Đại đa số nhân dân đứng về phía Hồng quân như một điều tất yếu.
Và đó chính là điểm khởi đầu cho mối hiềm khích giữa nước Nga với phương Tây trong lịch sử cận đại, hằn sâu đến tận bây giờ.
Tới tận nội chiến Tây Ban Nha
Có một khúc quanh nữa cần phải được nhắc tới, trong dòng chảy những va chạm không dứt giữa phương Tây tư bản chủ nghĩa (TBCN) và ngọn cờ của CNXH trên thế giới: Cuộc nội chiến Tây Ban Nha (từ 17-6-1936 đến 1-4-1939).
Đó là cuộc đối đầu thử nghiệm đầu tiên - một kiểu tiền đề cho những điểm nóng cục bộ trong suốt chiều dài Chiến tranh Lạnh sau này, giữa một bên là phe bảo hoàng của tướng Franco, được cả các nước TBCN lẫn phe Phát-xít hậu thuẫn, với một bên là phe Cộng hòa chiến đấu với sự ủng hộ của Liên Xô.
Sự chênh lệch quá lớn về tiềm lực kinh tế, quân sự cũng như viện trợ nước ngoài, cuối cùng cũng đã tạo nên một kết quả không thể khác. Sau ba năm, phe Cộng hòa thất bại. Phong trào cách mạng Tây Ban Nha bị dìm trong biển máu và Tây Ban Nha cũng trở thành một nước phát-xít. Phương Tây muốn thế. Họ không muốn Liên Xô, dù vẫn còn là một quốc gia kém phát triển so với họ, khuếch trương được tầm ảnh hưởng của mình ra bất cứ khu vực nào trên thế giới.
Nếu nước Mỹ thời kỳ này vẫn còn tỏ ra tương đối biệt lập, thì đế quốc Anh, với Thủ tướng Winston Churchill luôn tỏ ra thù địch với chủ nghĩa cộng sản. Người sau này lên kế hoạch đối đầu với Liên Xô ngay khi dư âm chiến thắng phát-xít Đức còn chưa dứt, từ năm 1917 cũng đã khẳng định: “Phải bóp nát mầm mống chủ nghĩa cộng sản từ trong trứng!”.
Nghĩa là, một thứ niềm tin chiến lược nào đó, thực ra chưa từng hiện hữu. Giữa hai ý thức hệ, đã luôn luôn tồn tại những nghi ngại, đề phòng, những nỗ lực kiềm chế lẫn nhau. Điều đó sẽ còn trở nên rõ ràng hơn trước thềm Đại chiến thế giới lần thứ hai, để rồi tiếp nối cuộc chiến ấy chính là “Bức màn sắt” của 45 năm Chiến tranh Lạnh.
(Còn nữa)
Đông Thiên
Ý kiến bạn đọc (0)