Cải cách TTHC tư pháp: Tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp
Toàn ngành Tư pháp đang thực hiện 189 TTHC, trong đó có 114 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp. Thời gian qua, Sở thường xuyên rà soát, công khai và mẫu hóa TTHC theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch. Từ tháng 10/2022, 16 thủ tục liên quan đến lĩnh vực lý lịch tư pháp, công chứng, thừa phát lại, luật sư, giám định tư pháp, hòa giải thương mại được cắt giảm thời gian giải quyết.
Đặc biệt, các thủ tục liên quan đến lao động và DN nước ngoài có thời gian cắt giảm nhiều. Cụ thể là giảm thời gian giải quyết từ 10 ngày xuống còn 7 ngày đối với các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; cấp lại giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài.
Các thủ tục cấp lại giấy đăng ký hoạt động trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được giảm thời gian giải quyết từ 5 ngày xuống 3 ngày. Thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam như bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp đã được tích hợp tiếp nhận, xử lý đồng thời. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nâng cao sự hài lòng của các cá nhân, tổ chức; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Sở Tư pháp tổ chức hội nghị đối thoại về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp cho các DN. |
Chị Nguyễn Thị Thu Phương (SN 1988) ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) sau khi hoàn tất các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho biết: “Chuyên viên trực giải quyết thủ tục nhanh chóng, hỗ trợ chu đáo, tận tình. Do được giảm thời gian giải quyết nên tôi không bị nhỡ chuyến đi công tác trong thời gian tới. Truy cập vào địa chỉ stp.bacgiang.gov.vn, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những video hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ kết hôn, khai sinh, khai tử trực tuyến; cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Hầu hết các video đều ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, được chia sẻ rộng rãi trên các trang, nhóm mạng xã hội trong và ngoài ngành Tư pháp”.
Năm 2022, các bộ, ngành tăng tốc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Với vai trò nòng cốt, Sở Tư pháp đã triển khai liên thông dữ liệu giữa hệ thống thông tin một cửa điện tử với phần mềm đăng ký kết hôn, khai tử thuộc hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, cán bộ tư pháp từ tỉnh đến cơ sở đã bảo đảm các phần việc, tỷ lệ hồ sơ liên thông theo đúng quy định.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Tư pháp tiếp nhận và giải quyết gần 22 nghìn TTHC. Trong đó, 100% hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn; hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến đạt gần 58%; trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích đạt hơn 40%. |
Qua nắm bắt, Sở Tư pháp còn tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, đối thoại nhằm hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho DN như: Hỗ trợ trực tiếp khi nhận hồ sơ; gửi, nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, kê khai hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến; tư vấn qua điện thoại; tuyên truyền trên tờ rơi, tờ gấp… Nổi bật là Sở biên soạn danh mục gồm 472 thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách DN thường xuyên sử dụng, áp dụng. Ông Trương Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Vimark, KCN Đình Trám (Việt Yên) cho biết: “Trước kia khi cần tìm hiểu thủ tục nào chúng tôi đều phải mất nhiều thời gian tra cứu thủ công hoặc hỏi trực tiếp cơ quan có thẩm quyền. Khi có cuốn danh mục này sẽ dễ dàng tìm kiếm, biết thủ tục nào còn hiệu lực, thủ tục nào đã hết hiệu lực. Vừa qua, Công ty cần thực hiện một số thủ tục liên quan đến lĩnh vực lao động, giao thông vận tải... cán bộ chuyên môn tra cứu danh mục và được hướng dẫn cụ thể, đúng quy định của pháp luật, qua đó tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, chi phí cho Công ty”.
Theo bà Trương Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, năm 2023, Sở tiếp tục rà soát, đề xuất 100% TTHC thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm ít nhất 80% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến qua dịch vụ công. Nâng cao chất lượng phục vụ tại bộ phận một cửa, ít nhất 90% người dân tham gia đánh giá ở mức hài lòng. Để triển khai hiệu quả, nhiều giải pháp cụ thể được đưa ra, trong đó quan tâm tuyên truyền, tạo chuyển biến tích cực về tinh thần, thái độ làm việc, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.
Nghiêm túc thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; bảo đảm đầy đủ các quy định về cải cách TTHC. Chất lượng giải quyết được đánh giá thông qua phát phiếu hoặc trên phần mềm. Cùng đó, quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm việc phù hợp với chức năng nhiệm vụ, gắn trách nhiệm người đứng đầu. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tốt yêu cầu công việc; lấy sự hài lòng của người dân, DN và kết quả cải cách TTHC làm thước đo mức độ hoàn thành của công chức, viên chức.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)