Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp và nông nghiệp
Các đại biểu dự trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải cùng điều hành phiên chất vấn.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Tại điểm cầu Bắc Giang có các đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp.
Cùng dự có đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số ban, ngành tỉnh.
Phiên chất vấn được tổ chức theo hình thức kết nối trực tuyến với 62 đoàn ĐBQH các tỉnh, TP trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Đây là phiên chất vấn thứ 4 được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các đoàn ĐBQH, cân nhắc các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua, việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn tại phiên họp này để chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị 2 đồng chí Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, trọng tâm để làm rõ những vấn đề mà các ĐBQH nêu, đồng thời đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả đối với từng vấn đề được chất vấn.
Sau một ngày làm việc, phiên họp đã có 54 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn. Ở nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp, các câu hỏi tập trung vào một số vấn đề chính như: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, những hạn chế trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực trạng và giải pháp nâng cao công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp...
ĐBQH Trần Văn Tuấn nêu câu hỏi chất vấn. |
Tại điểm cầu Bắc Giang, đại biểu Trần Văn Tuấn đặt câu hỏi: Trong các hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội, báo cáo thẩm định của Bộ Tư Pháp luôn là tài liệu quan trọng được các ủy ban của Quốc hội, các ĐBQH nghiên cứu, tham khảo kỹ khi chuẩn bị ý kiến thẩm tra, phát biểu.
Nhiều nội dung trong các báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp đã nêu rõ vấn đề không phù hợp của quy định với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật trình sang Quốc hội lại chưa được Chính phủ, Bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp thu với lý do giải trình chưa thuyết phục. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào, nhất là trách nhiệm thẩm định và trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo?
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Thời gian qua, công tác thẩm định đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng, tiếp tục phát huy cơ chế Hội đồng thẩm định. Các báo cáo thẩm định cơ bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đánh giá tốt và được các ĐBQH tham khảo kỹ trong quá trình thảo luận. Từ năm 2021 đến hết tháng 5/2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 533 dự án, dự thảo và 71 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có nhiều quy định mới với mục tiêu tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thường xuyên yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tuân thủ nghiêm quy trình; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình hợp lý các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Bộ Tư pháp đang tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Các đại biểu dự trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang. |
Trả lời về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản trong bối cảnh thị trường đầu ra bị thu hẹp, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Để khắc phục khó khăn, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Thực hiện tốt công tác cập nhật, phân tích, đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tăng cường quảng bá nông sản tại thị trường trong và ngoài nước; chỉ đạo sản xuất linh hoạt, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bảo đảm nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.
Cùng lĩnh vực nông nghiệp, một số ĐBQH còn cập đến các vấn đề như: Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa...
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao phần trả lời của 2 đồng chí Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT, đồng thời ghi nhận tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn của các ĐBQH đối với việc chuẩn bị các câu hỏi sát với thực tế đời sống, nguyện vọng của cử tri.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tư pháp vẫn còn những hạn chế, như: Chất lượng một số dự án luật chưa cao, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo hoặc quy định không rõ ràng, khó cho tổ chức thi hành; tuổi thọ của một số nghị định, thông tư ngắn, vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các ĐBQH; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra và tập trung vào một số vấn đề về công tác lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đấu giá tài sản; giám định tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận công chức pháp chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật...
Về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong các điều kiện khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, tập trung cao thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản; khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản...
Theo đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản 2023 - 2030. Rà soát, điều chỉnh, thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh. Xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các nghề khác; hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác thủy sản...
Tin, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)