Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang góp ý vào dự thảo Luật CCCD (sửa đổi)
Đại biểu Trần Văn Tuấn:
Cần quản lý chặt chẽ việc thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin cá nhân
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận. |
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, hoàn thiện các quy định về thu thập, cập nhật các thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và CSDL căn cước, tránh việc thu thập, cập nhật những thông tin không cần thiết. Tại Điều 10 của dự thảo Luật quy định thông tin của công dân trong CSDLQG về dân cư gồm có 24 nhóm thông tin (tương ứng từ khoản 1 đến khoản 24). Đề nghị cân nhắc 2 nhóm thông tin: (1) Thông tin về quê quán (tại khoản 6) - việc cập nhật thông tin này vào CSDLQG về dân cư có thực sự cần thiết không?
Theo quy định tại khoản 8, Điều 4, Luật Hộ tịch 2014 về giải thích từ ngữ thì: “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thoả thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.
Giải thích này còn chung chung, mơ hồ, dẫn đến việc tùy ý trong thực hiện. Quê quán của mỗi người được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ, quê quán của cha, mẹ lại theo quê quán của ông, bà, quê quán của ông, bà theo quê quán của cụ, kỵ..., nhưng vấn đề là quê quán được hiểu thế nào cho đúng?
Chúng ta vẫn thường hiểu quê quán là “nguồn gốc, xuất xứ” của cha hoặc mẹ nhưng “nguồn gốc, xuất xứ” - đó là nơi sinh, hay là nơi sinh sống của cha, mẹ? hay nơi sinh trưởng, nơi anh em, họ hàng sinh sống lâu dài? Những vấn đề đó đều chưa có văn bản pháp luật nào quy định, định nghĩa cụ thể.
Hiện nay, về cơ bản, khi cấp đăng ký khai sinh, chính quyền cơ sở thường xác định quê quán của đứa trẻ sinh ra là nơi sinh của cha hoặc mẹ. Thực tế việc căn cứ vào nơi sinh của cha hoặc mẹ để xác định quê quán của mỗi người cũng có bất cập (ví dụ như trường hợp cha, mẹ được sinh ra không phải ở nơi sinh sống thường xuyên của ông, bà mà là ở nơi ông, bà đi công tác, đi du lịch, trong nước, nước ngoài).
Từ thực tế trên, đề nghị cân nhắc kỹ việc cập nhật thông tin “quê quán” vào CSDLQG về dân cư, nếu đưa vào như dự thảo Luật thì cần bổ sung quy định giải thích rõ ràng thế nào là quê quán. (2) Ngoài 23 nhóm thông tin cụ thể, theo khoản 24, Điều 10 quy định CSDLQG về dân cư còn có “thông tin khác” được chia sẻ từ CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành theo quy định của Chính phủ. Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, “thông tin khác” ở đây là thông tin gì cũng cần quy định ngay trong Luật, tránh việc đưa vào CSDLQG về dân cư những thông tin không thật cần thiết, dẫn đến khó kiểm soát.
Tương tự, tại Điều 16 của dự thảo Luật về thông tin trong CSDL căn cước cũng cần được rà soát, bảo đảm chỉ cập nhật những thông tin thật cần thiết của công dân. Theo quy định tại Điều này, những thông tin trong CSDL căn cước có 23 nhóm thông tin (gồm 17 nhóm theo quy định từ khoản 1 đến khoản 16 và khoản 22 của Điều 10 và 6 nhóm thông tin cụ thể khác), như vậy có quá nhiều và cần thiết không? Trong đó cần cân nhắc nhóm thông tin về ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích - thông tin này có thể rất cần thiết trong CSDLQG về dân cư nhưng trong CSDL căn cước thì cần có nghiên cứu, đánh giá thêm.
Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng CSDLQG về dân cư, CSDL căn cước và những thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử (Điều 11, 17, 33), tránh việc thông tin cá nhân có thể bị khai thác, sử dụng trái pháp luật; đánh giá, bổ sung việc thu hồi hoặc xử lý khác đối với thẻ căn cước khi công dân chết.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà:
Đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định xác định tài khoản định danh điện tử là căn cước điện tử
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận. |
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân (CCCD - sửa đổi) với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý kiến về căn cước điện tử. Tại khoản 13, Điều 3 dự thảo Luật về giải thích từ ngữ có quy định “Căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam, chứa thông tin của người đó trong CSDLQG về dân cư, CSDL căn cước và hệ thống định danh và xác thực điện tử”; Khoản 1, Điều 31 dự thảo Luật quy định “mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử là tài khoản định điện tử của công dân do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập”.
So với Luật CCCD năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung phạm vi điều chỉnh là căn cước điện tử; việc xác định tài khoản định danh điện tử là căn cước điện tử là chưa phù hợp, thiếu minh bạch, dẫn đến cách hiểu có sự đồng nhất giữa CCCD cấp cho 1 công dân với một tài khoản định danh để giao dịch trên môi trường điện tử.
Khoản 1, Điều 10, Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử quy định “tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử”.
Như vậy, tài khoản định danh điện tử là một loại tài khoản được cấp cho cá nhân/tổ chức cụ thể để tham gia giao dịch trên môi trường mạng như: Thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử, bên cạnh đó, các thông tin trong tài khoản định danh điện tử khi được tạo lập sẽ được đồng bộ với thông tin trong cơ sở dữ liệu khác trong đó gồm CSDLQG về dân cư, CSDL căn cước.
Cùng một tài khoản định danh điện tử thì lại có giá trị pháp lý khác nhau (tài khoản định danh điện tử của cá nhân được xác định là căn cước điện tử) là chưa phù hợp và chưa đảm bảo thống nhất trong cách quản lý đối với tài khoản cùng do một hệ thống tạo lập.
Tài khoản định danh điện tử được thiết lập thông qua hệ thống định danh điện tử (ứng dụng VNEID, trang thông tin định danh điện tử của Bộ Công an) trong đó có chứa thông tin được in trên thẻ CCCD và các thông tin được tích hợp khác vào tài khoản định danh điện tử. Như vậy, xét về thuật ngữ thì có thể hiểu căn cước điện tử là hình thức thể hiện khác của CCCD, trong đó thẻ CCCD hiện nay đã được gắn chíp điện tử để có thể khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước và các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác.
Các quy định liên quan đến tài khoản định danh điện tử quy định tại các khoản 11, 12, 13, 14 Điều 3 dự thảo Luật vừa được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, bắt đầu triển khai thực hiện và đã xuất hiện một số bất cập như: Để sử dụng được tài khoản định danh điện tử thì công dân cần có thiết bị điện thoại thông minh hoặc máy tính để tạo lập và sử dụng tài khoản, tuy nhiên việc này khó khả thi đối với nhiều vùng, miền cũng như các đối tượng khác nhau; hệ thống định danh và xác thực điện tử cũng mới bắt đầu được phát triển và đang hoàn thiện… Vì vậy chưa đủ thời gian để đánh giá về tính khả thi và hiệu quả thực hiện của quy định này.
Do đó, đại biểu cho rằng căn cước điện tử chỉ nên là phương thức thực hiện từ quản lý hành chính sang quản lý bằng phương thức điện tử, đề nghị không xác định tài khoản định danh điện tử là căn cước điện tử. Trường hợp vẫn quy định trong luật này thì đề nghị đánh giá thêm về tính khả thi; lộ trình cấp căn cước điện tử; đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nội dung này, bổ sung quy định về thủ tục cấp căn cước điện tử, ứng dụng của căn cước điện tử vào hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện giao dịch điện tử…
Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc (0)