Giám sát chuyên đề: Rõ kiến nghị, mốc thời gian thực hiện
BẮC GIANG - Nhiệm kỳ 2021-2026, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Các Ban HĐND tỉnh gồm: Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa- Xã hội, Pháp chế. Bình quân mỗi năm, các ban giám sát từ 1-2 chuyên đề. Bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: “Thường trực HĐND tỉnh định hướng các ban lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với lĩnh vực phụ trách, đồng thời thường xuyên quán triệt triển khai phương thức giám sát một cách linh hoạt, vừa bảo đảm đúng nguyên tắc theo quy định của pháp luật, vừa sát thực tiễn. Nhờ vậy, chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát ngày càng được nâng lên nhất là nội dung giám sát chuyên đề”.
Ông Đặng Hồng Chiến, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì giám sát công tác phòng, chống cháy nổ tại một cơ sở karaoke ở phường Nếnh, thị xã Việt Yên. Ảnh: Thu Phong. |
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, các ban HĐND tỉnh đã tổ chức 15 cuộc giám sát chuyên đề. Đối tượng giám sát được lựa chọn kỹ, có sự cân nhắc để bảo đảm không trùng lặp với các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát khác trên địa bàn. Tiêu chí lựa chọn thường là những vấn đề cụ thể tác động đến đời sống nhân dân, được cử tri quan tâm có gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật và thuộc lĩnh vực phụ trách của mỗi ban. Đơn cử như Ban Văn hóa - Xã hội giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về thông tin-truyền thông; giải quyết chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Ban Pháp chế giám sát việc chấp hành pháp luật trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thi hành án dân sự. Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát trong đầu tư và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở nông thôn; việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi chọn được nội dung phù hợp, việc xây dựng đề cương có ý nghĩa rất quan trọng, chỉ rõ những nội dung trọng tâm nhất mà đoàn giám sát quan tâm. Bà Phạm Thùy Trang, Phó trưởng Ban Pháp chế chia sẻ: “Mỗi chủ thể chịu sự giám sát có một đề cương riêng, hạn chế việc xây dựng một đề cương chung gửi tới các cơ quan, đơn vị. Có như vậy đoàn giám sát mới thu thập được nhiều thông tin, mang sắc thái riêng ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương”.
Quá trình giám sát, các ban kết hợp nghe báo cáo với khảo sát thực tế tại cơ sở và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để thẩm định và phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tế. Đây cũng là căn cứ để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước cấp trên giải trình, làm rõ trong chương trình làm việc với đoàn giám sát. |
Ngoài ra, trước khi bắt tay thực hiện giám sát, các thành viên trong đoàn thống nhất phương pháp tiến hành, chia tổ để tiết kiệm thời gian. Thành phần tham gia một buổi làm việc không quá đông, giúp thành viên đoàn có cơ hội phát biểu, thảo luận, tránh phiền hà cho các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức đón tiếp, bố trí điều kiện làm việc. Quá trình giám sát, các ban kết hợp nghe báo cáo với khảo sát thực tế tại cơ sở và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan để thẩm định và phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát và tình hình thực tế. Đây cũng là căn cứ để đoàn giám sát yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước cấp trên giải trình, làm rõ trong chương trình làm việc với đoàn giám sát.
Giám sát việc thực hiện kiến nghị
Sau mỗi đợt giám sát, các đoàn đều có văn bản đánh giá ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị phù hợp. Thời gian qua, các Ban HĐND tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị chuyên đề giám sát. Kiến nghị nhiều hay ít tùy thuộc vào tính chất nội dung của mỗi cuộc giám sát nhưng phải bảo đảm rõ ràng, có trọng tâm, đúng phạm vi trách nhiệm thực hiện của đối tượng chịu sự giám sát.
Đơn cử như sau khi giám sát về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan tư pháp, giai đoạn 2021-2023 do Ban Pháp chế chủ trì, nhận thấy có nhiều trường hợp người dân đi khiếu nại, tố cáo là do thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật nên dễ bị xúi giục, lôi kéo. Từ hạn chế này, đoàn giám sát đã kiến nghị các cơ quan tư pháp bố trí cán bộ có năng lực thực hiện tiếp công dân; quan tâm tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật cho người dân.
Tiếp thu nội dung này, các cơ quan tư pháp đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cùng thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự; đăng ký, quản lý cư trú; phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội trong cụm công nghiệp. Hay như qua đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội về việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu, quản lý, sử dụng các khoản thu trong nhà trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022, thực hiện kiến nghị của đoàn giám sát, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường thực hiện công khai, minh bạch các khoản thu.
Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các khoản thu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Yêu cầu hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở nếu để phát sinh những khoản thu không đúng quy định và sử dụng không hiệu quả, sai mục đích các khoản thu từ học sinh.
Đối với một số kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục, điều chỉnh ngay, các Ban HĐND tỉnh có ý kiến yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện. Ông Nguyễn Thế Toản, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách cho biết: “Thời gian qua, cùng với việc ban hành báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị chịu sự giám sát quan tâm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban. Cùng đó quy định mốc thời gian cụ thể để các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện. Cách làm này sẽ tạo áp lực và sự chủ động để các đơn vị chịu sự giám sát có kế hoạch thực hiện các kiến nghị bảo đảm hiệu quả”.
Ý kiến bạn đọc (0)