Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) góp ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
BẮC GIANG - Sáng 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Tham gia đóng góp ý kiến liên quan đến một số nội dung quy định về tài sản, tài chính công đoàn, đại biểu Leo Thị Lịch, Đoàn Bắc Giang bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao việc duy trì kinh phí công đoàn 2% (tại Điều 29).
Đại biểu cho rằng từ thực tiễn tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ cho thấy nguồn thu kinh phí công đoàn cùng các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức công đoàn xây dựng được nguồn lực đủ mạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, giảm gánh nặng cho ngân sách trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.
Đại biểu Leo Thị Lịch đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). |
Về phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Điều 31), dự thảo Luật hiện có sự điều chỉnh, không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; bỏ quy định tỷ lệ 75%/25% phân chia kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn trong dự thảo Luật là phù hợp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Đó là luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc. Những vấn đề thực tiễn biến động thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.
Việc dự thảo bỏ quy định về phân phối kinh phí công đoàn giữa công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (được quy định tại khoản 3 Điều 31 dự thảo cũ) dẫn đến vấn đề phân phối kinh phí công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không rõ ràng, không rõ cơ quan nào có thẩm quyền quy định. Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị: Cần có quy định có tính nguyên tắc việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để làm cơ sở thực hiện. Đối với việc phân phối tài chính công đoàn tại các cấp công đoàn, giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện như thực tiễn lâu nay công đoàn vẫn đang thực hiện.
Góp ý quy định về tài sản công đoàn (Điều 32) đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm “tài sản thuộc sở hữu của công đoàn” thành “tài sản của công đoàn” tại khoản 1; bổ sung quy định việc quản lý sử dụng tài sản công đoàn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại khoản 2. Việc sửa đổi các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 32 là phù hợp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, việc xác định “tài sản của công đoàn” vừa tránh nguy cơ có thể có ý kiến suy diễn Nhà nước “quốc hữu hóa” tài sản công đoàn vừa nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Để đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công đoàn, việc quản lý sử dụng tài sản công đoàn cần thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Ý kiến bạn đọc (0)