Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước nguy cơ dịch bệnh
BẮC GIANG - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh xuất hiện trên cây trồng, vật nuôi thời gian gần đây, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm
và Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đầu vụ đông năm nay, thời tiết ấm, nhiệt độ cao hơn cùng kỳ các năm trước. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng sâu bệnh phát sinh, lây lan gây hại rau màu như: Bệnh héo xanh, sương mai, héo vàng, lở cổ rễ, rỉ sắt do nấm và một số loài chích hút, tập đoàn sâu ăn lá. Bên cạnh đó, các đối tượng sâu bệnh gây hại khác như: Sâu keo mùa thu, sâu đục bắp hại ngô đã phát sinh tại nhiều khu vực, nếu không được phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang kiểm dịch trên đàn lợn tại địa bàn thị xã Việt Yên trước khi bán ra tỉnh ngoài. |
Ông Phạm Công Tuấn, thôn Đông Khánh, xã Tư Mại (Yên Dũng) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi sản xuất 6 mẫu khoai tây, hiện đang trong giai đoạn cây con đến phân cành. Tuần trước thăm đồng phát hiện bệnh héo xanh, bọ trĩ và rệp, tôi đã chủ động phun thuốc phòng trừ, hạn chế tưới nước, nhổ bỏ cây bị bệnh để tránh lây lan. Các loại thuốc được sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng nồng độ, liều lượng)”.
Đối với vật nuôi, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện hơn 1,4 nghìn ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 48 tỉnh, TP với tổng số lợn buộc tiêu hủy hơn 81 nghìn con, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh cúm gia cầm cũng xảy ra tại 9 tỉnh và buộc phải tiêu hủy gần 97 nghìn con. Bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 20 tỉnh, phải tiêu hủy 161 con gia súc. ...
Tại Bắc Giang, kết quả giám sát vi rút DTLCP mới đây tại một số chợ buôn bán thịt đã phát hiện 5 mẫu dương tính, đây là nguy cơ xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm thời gian tới. Ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận định, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, DTLCP, cúm gia cầm có nguy cơ xâm nhiễm và phát sinh trên địa bàn tỉnh do thời tiết chuyển mùa, nhiều vật nuôi mới tái đàn và nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh.
Trong tỉnh, các hộ chăn nuôi đang tập trung phát triển sản xuất; nhiều vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin, sức đề kháng giảm, cộng với thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh từ tháng 12 gây ra các đợt rét đậm, rét hại nên sẽ ảnh hưởng đến vật nuôi.
Trước những nguy cơ trên, các trang trại, hợp tác xã (HTX), hộ chăn nuôi đã chủ động ứng phó với dịch bệnh. Hộ ông Nguyễn Văn Đoàn, thôn An Thái, xã Yên Lư (Yên Dũng) đang nuôi 1,2 nghìn con lợn thịt. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, xác định nếu để đàn lợn mắc bệnh sẽ thiệt hại lớn nên gia đình ông thường xuyên tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, phun khử khuẩn nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm vào đàn vật nuôi.
Không chủ quan
Sau bão số 3, người dân, HTX, doanh nghiệp tại các địa phương của tỉnh dần ổn định sản xuất. Trên địa bàn tỉnh đang duy trì 250 cơ sở sản xuất con giống gia súc, gia cầm và có khoảng 2,2 nghìn trang trại, hơn 150 nghìn hộ chăn nuôi bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm phục vụ nhu cầu những tháng cuối năm. Thời điểm này, tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng 900 nghìn con, đàn gia cầm 20 triệu con và đàn trâu, bò khoảng 130 nghìn con... Nhờ được chăm sóc bảo đảm an toàn dịch bệnh nên đàn vật nuôi đang phát triển tốt, chất lượng được nâng lên. Toàn tỉnh gieo trồng hơn 21,5 nghìn ha cây vụ đông, đạt 98% kế hoạch.
Thời điểm này, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 900 nghìn con, đàn gia cầm 20 triệu con và khoảng 130 nghìn con trâu, bò... Nhờ được chăm sóc bảo đảm các quy trình, kỹ thuật an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nên đàn vật nuôi phát triển tốt, chất lượng được nâng lên. Toàn tỉnh gieo trồng hơn 21,5 nghìn ha cây vụ đông, đạt 98% kế hoạch. |
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện thời tiết đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, cũng là thời điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lây lan, là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh tiếp tục phát sinh, gây hại trên cây trồng. Do đó, người dân và các địa phương không chủ quan, chủ động có giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hiện đơn vị đã tiếp nhận 10 nghìn lít hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia và phân bổ cho các địa phương tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường. Triển khai tiêm được 1,2 triệu liều vắc-xin cho lợn, 21 triệu liều vắc-xin gia cầm và đang chỉ đạo, hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống đói rét trên đàn vật nuôi.
Song hành với đó, các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ, gia cố, sửa chữa hệ thống đê điều, hồ, đập, công trình tiêu, thoát nước, bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, khuyến cáo người dân phòng trừ sâu, bệnh hại, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh gây hại trên rau màu để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Tuyên truyền nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và bảo đảm thời gian cách ly.
Cơ quan chuyên môn hướng dẫn, đôn đốc các hộ chăn nuôi, trang trại triển khai đồng bộ biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm, chú trọng công tác giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch ngay khi mới phát sinh. Phối hợp quản lý các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y. Kịp thời bao vây ổ dịch, tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng, điều tra dịch tễ đối với các trường hợp dương tính với DTLCP. Hướng dẫn người dân tái đàn trên nguyên tắc bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; không tái đàn khi chuồng trại, khu vực chăn nuôi chưa bảo đảm vệ sinh. Sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định, được cung cấp bởi những cơ sở có uy tín.
Ý kiến bạn đọc (0)