Tạo thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Đại biểu Trần Thị Vượng phát biểu. |
Theo đại biểu Trần Thị Vượng, đối với dự thảo Nghị quyết “Quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh” có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025 là rất ngắn. Các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao nếu không nâng được hạng sao trong năm 2024, 2025 thì sẽ không có cơ hội thụ hưởng chính sách; đồng thời không phải sản phẩm nào đã đạt 3 sao năm 2023 mà trong năm 2024, 2025 đều có thể nâng được hạng sao.
Có nhiều sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, thị trường tiêu thụ, tuy nhiên để nâng được hạng sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà chủ thể cần có nguồn lực, thời gian để nâng cấp sản phẩm và những sản phẩm này rất cần có sự hỗ trợ của chính sách. Vì vậy, đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách này; ngắn nhất là đến hết năm 2026 hoặc lâu hơn nữa. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ một phần lãi suất cho các chủ thể khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản phẩm OCOP.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong xây dựng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, theo đại biểu Trần Thị Vượng, các huyện, xã, thị trấn cần rà soát, đánh giá xác định các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất, tiêu thụ nông sản của địa phương; xác định rõ số lượng, danh mục các sản phẩm cần xây dựng, đối tượng, nguồn lực thực hiện... Qua đó, có kế hoạch và các cơ chế ưu tiên (vốn, đất đai, công nghệ…), đưa chỉ tiêu và giải pháp cụ thể về phát triển sản phẩm OCOP vào kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm và giai đoạn của tỉnh, huyện, TP và các xã, thị trấn.
Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện, TP phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể để thực hiện phát triển vùng nguyên liệu, làm các hồ sơ thủ tục theo quy định, quy trình sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP.
UBND các cấp cần hỗ trợ, khuyến khích phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, chủ thể sản xuất xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP ở lĩnh vực làng nghề, dịch vụ nông thôn, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Các ngành của tỉnh hỗ trợ các chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu... Hỗ trợ ứng dụng chuyển đối số để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP; nâng cấp, hoàn thiện cả về tem nhãn, mẫu mã bao bì sản phẩm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP.
Nhóm PV Nội chính
Ý kiến bạn đọc (0)