Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang: Giải quyết những vướng mắc trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế
Ông Nguyễn Văn Bình thảo luận. |
Ông Nguyễn Văn Bình nêu: Hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc và vật tư y tế thông thường do Sở Y tế có kết quả đấu thầu tập trung thời gian thực hiện 2 năm (1.740 danh mục, giá trị trúng thầu 1.433 tỷ); các cơ sở y tế chủ động mua sắm các mặt hàng không có trong kết quả đấu thầu tập trung.
Những tháng qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có xảy ra nhưng chỉ ở một số ít các đơn vị và với một số mặt hàng đặc thù.
Thời gian tới, dự báo khả năng cung ứng thuốc theo kết quả đã trúng thầu bị ảnh hưởng không nhỏ do vướng mắc trong cơ chế chính sách về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, dẫn đến mất nhiều thời gian xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Nguồn cung trên thị trường khan hiếm, tăng giá. Nhu cầu sử dụng một số thuốc tăng cao nên có những đơn vị sắp hết số lượng thuốc đã trúng thầu.
Để khắc phục, ông Nguyễn Văn Bình đề xuất: Tiếp tục thực hiện các văn bản của UBND tỉnh như Quyết định 44/2022/QĐ-UBND ngày 20/10/2022 (trong đó có quy định việc thẩm định giá nhà nước đối với trang thiết bị y tế), Công văn 3981/UBND-KTTH ngày 16/8/2022 hướng dẫn thực hiện mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các đơn vị.
Sở Y tế liên tục rà soát, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền để có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp ý sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo các đơn vị khẩn trương mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm cho công tác khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ thẩm định các gói thầu theo thẩm quyền.
Triển khai tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán invitro tập trung cấp địa phương năm 2023-2024.
Kiến nghị Bộ Y tế sớm thay thế, sửa đổi Thông tư 14/2020/TT-BYT, Thông tư 15/2019/TT-BYT; kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định 98/2021/NĐ-CP để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Bộ Y tế khẩn trương có hướng dẫn sử dụng các thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19 mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho các đối tượng bệnh nhân khác và thanh toán BHYT cho các bệnh nhân BHYT.
UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quyết định mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các cơ sở y tế. Sở Tài chính đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá nhà nước đối với các gói thầu của các cơ sở y tế.
Ngoài nội dung trên, ông Nguyễn Văn Bình phản ánh tình trạng viên chức y tế thôi việc có xu hướng tăng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao. Từ 1/1/2020 đến 15/11/2022, ngành Y tế Bắc Giang có tổng số 114 công chức, viên chức thôi việc (gồm: 2 công chức, 112 viên chức), trong đó số bác sĩ là 56.
Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ tiền lương thấp, chưa phù hợp với tính chất, áp lực công việc, nhất là chế độ lương đối với bác sĩ; chưa tương xứng với thời gian, kinh phí để đào tạo, hành nghề. Ngoài thời gian tập sự theo quy định của Chính phủ, nhân viên y tế còn phải thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, thời gian từ 9 tháng - 18 tháng.
Trước thực trạng này, đề nghị tỉnh quan tâm bố trí sắp xếp nhân lực phù hợp với đề án vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, năng lực của nhân viên; các cơ sở y tế tạo môi trường làm việc tốt để nhân viên tâm huyết, làm việc lâu dài tại đơn vị.
Quy hoạch, đào tạo, phát triển, bổ nhiệm nhân viên có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn vào các chức vụ phù hợp; khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân viên trẻ phát triển.
Cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật mới; tích cực phát triển các kỹ thuật mới, chuyên ngành mới để cho nhân viên phát huy năng lực. Đồng thời kiến nghị cấp trên điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp trực, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế; chế độ tiền lương đối với đội ngũ bác sĩ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y cho tuyến cơ sở...
PV XDĐ-NC
Ý kiến bạn đọc (0)