Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang: Ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Cúc. |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Cúc, sau 2 năm thực hiện Kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2020-2025 của tỉnh, mục tiêu huy động trẻ em ra lớp và huy động trẻ em trong các cơ sở GDMN ngoài công lập chưa đạt kế hoạch đề ra.
Do thiếu giáo viên và lớp học nên các trường MN công lập ưu tiên bố trí những lớp mẫu giáo; cơ bản các trường MN công lập không huy động nhóm trẻ, do đó tỷ lệ huy động các bé ở độ tuổi nhà trẻ ra cơ sở GDMN toàn tỉnh hiện mới đạt 16,65%, thấp nhất khu vực miền núi phía Bắc, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc.
Việt Yên là huyện trọng điểm công nghiệp với hơn 170 nghìn công nhân làm việc trong các khu, cụm công nghiệp. Công nhân có nhu cầu về nhà ở chiếm khoảng 52% (tương đương 88.400 người), công nhân đang thuê trọ trong các khu dân cư khoảng 30% (tương đương 51.000 người). Điều này đang gây áp lực rất lớn đến giải quyết các vấn đề xã hội liên quan, trong đó có nhu cầu GDMN, nhóm trẻ.
Việt Yên hiện có 28 trường MN (19 trường công lập, 9 trường tư thục) và 39 cơ sơ MN độc lập tư thục; 442 lớp mẫu giáo (375 lớp công lập, 67 lớp tư thục); 120 nhóm trẻ (13 nhóm trẻ công lập, 107 nhóm trẻ tư thục); trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 32,5%; trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 100%. Tỷ lệ trường MN đạt chuẩn là 85,7% (4 trường tư thục mới thành lập chưa đủ thời gian đánh giá), tỷ lệ trường MN đạt chuẩn mức độ 2 là 42,9%, dẫn đầu toàn tỉnh.
Đáng chú ý, tỷ lệ giáo viên trong các trường công lập là 1,8 giáo viên/lớp, còn thiếu 158 giáo viên so với quy định; 19 trường MN công lập mới được UBND tỉnh bố trí biên chế giáo viên mẫu giáo, chưa bố trí được biên chế giáo viên nhà trẻ nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều lệ trường MN và Luật Giáo dục năm 2019.
Hiện mới có 13/19 trường MN công lập bố trí được nhóm trẻ và số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp công lập chỉ có 265 cháu (ngoài công lập là 2.562 trẻ), trong khi nhu cầu gửi trẻ của người dân, đặc biệt là công nhân rất cao.
Một bộ phận công nhân không có khả năng gửi trẻ trong các cơ sở MN ngoài công lập do học phí cao, ngoài ra còn phải đóng góp kinh phí mua đồ dùng, đồ chơi. Việc tổ chức các lớp học MN, nhóm trẻ theo giờ hành chính hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của công nhân vì một bộ phận phải làm tăng ca, tăng kíp. Các nhóm trẻ xã hội hóa hoạt động không ổn định và nguy cơ giải thể rất cao. Đặc biệt là nguy cơ mất nguồn nhân lực khi công nhân phải mang con về quê gửi để bảo đảm điều kiện học hành.
Nghị quyết 110 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân với mục tiêu đến năm 2025 giải quyết khoảng 80% số công nhân có nhu cầu về nhà ở tại các khu, cụm công nghiệp. Như vậy, riêng Việt Yên ước tính có khoảng 70 nghìn người, trong đó sẽ có nhiều gia đình công nhân và tất yếu phát sinh nhu cầu về GDMN, nhóm trẻ. Điều này đòi hỏi phải có sự chủ động chuẩn bị trước một bước các điều kiện liên quan.
Tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Cúc đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo một số nội dung như: Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP dự báo nhu cầu học sinh mẫu giáo, nhóm trẻ trong 5, 10 năm tới. Từ đó đánh giá công tác quy hoạch, định hướng phát triển GDMN trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp.
Quan tâm quy hoạch, định hướng phát triển đối với các trường MN dân lập/tư thục, hệ thống nhóm trẻ/lớp mẫu giáo/lớp mầm non độc lập gắn với quy hoạch tổng thể chung về GDMN đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ.
Chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển GDMN theo quy định của Đảng và Nhà nước. Tăng cường các giải pháp khác của tỉnh để hỗ trợ cho cơ sở GDMN dân lập, tư thục duy trì hoạt động trong thời gian tới.
Chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình GDMN và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025”. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, tham mưu tuyển dụng, bổ sung giáo viên MN còn thiếu để bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định với tinh thần “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
PV XDĐ-NC
Ý kiến bạn đọc (0)