Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đóng góp nhiều ý kiến vào 2 dự thảo nghị quyết
Tại tổ thảo luận số 17, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang làm Tổ trưởng tổ thảo luận, gồm 3 Đoàn ĐBQH (An Giang, Bắc Giang, Hà Nam ).
Đồng chí Dương Văn Thái chủ trì tổ thảo luận. |
Các ĐBQH bày tỏ sự đồng tình với các tờ trình, dự thảo 2 nghị quyết do các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; kịp thời sửa đổi quy định của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm do trong quá trình triển khai thực hiện bộc lộ một số bất cập.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm như quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ thời gian không điều hành công tác là từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ và đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do tại sau lại quy định thời gian 6 tháng mà không phải là 9 tháng hay 12 tháng.
Góp ý vào nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 8, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm của từ “vận động”; đại biểu cũng băn khoăn với nội dung quy định tại khoản 4 Điều 8 và đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc có nên đưa nội dung này vào dự thảo Nghị quyết hay không vì thực chất đây là xử lý vi phạm. Nếu cơ quan soạn thảo vẫn quy định nội dung này tại Điều 8 thì cần sửa lại tên gọi của điều luật là: “ Các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm”. Góp ý vào hiệu lực thi hành (Điều 22), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị, Nghị quyết quy định hiệu lực thi hành ngay sau khi được Quốc hội thông qua để bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại buổi thảo luận. |
Cùng góp ý vào dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng việc liệt kê các nội dung tại Điểm d Khoản 2 Điều 6 như dự thảo vẫn còn thiếu và đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ quy định chung kết quả kiểm tra, giám sát của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Góp ý kiến vào Điều 12 và Điều 13 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Văn Tuấn nhận thấy quy định như dự thảo tại Khoản 1 Điều 12 chưa thống nhất với nội dung quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 13. Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điểm d Khoản 1 Điều 13 bổ sung thêm cụm từ “mà không xin từ chức” vào sau cụm từ “tín nhiệm thấp”, cụ thể là: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” mà không xin từ chức. Quy định lại như vậy sẽ thống nhất với Khoản 1 Điều 12.
Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Văn Lâm và đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm, tại dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá. Tuy nhiên, cần tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho TP Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực như: Quy hoạch xây dựng; báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án phòng cháy, chữa cháy…..
Kết thúc phiên thảo luận, đồng chí Dương Văn Thái đánh giá cao các ý kiến góp ý vào dự thảo các Nghị quyết và giao Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ nội dung gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiến Hòa
Ý kiến bạn đọc (0)