Cần xác định có tính bao quát một số nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Mở đầu tham luận, đại biểu Trần Văn Tuấn bày tỏ cơ bản nhất trí với Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự thảo Luật trình tại Kỳ họp.
Chú thích |
Đại biểu Trần Văn Tuấn nhất trí bổ sung đối tượng là “tổ chức” vào khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật), bảo đảm tránh bỏ sót đối tượng người tiêu dùng cần được bảo vệ.
Theo phương án Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV có giải thích: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Như vậy, theo đại biểu Trần Văn Tuấn, so với quy định hiện hành thì nội hàm “người tiêu dùng” theo dự thảo Luật chỉ gồm các cá nhân, loại bỏ đối tượng là “tổ chức”. Đây là một điểm sửa đổi lớn so với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau về việc loại bỏ hay không loại bỏ đối tượng là “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng. Đại biểu Trần Văn Tuấn đồng ý với loại ý kiến thứ nhất, đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả đối tượng là “tổ chức” vì 4 lý do (như trong Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật). Trong đó có lý do: Việc mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại. Đây cũng là nội dung đại biểu Trần Văn Tuấn và nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tại Kỳ họp thứ 4 và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu; tránh bỏ sót đối tượng người tiêu dùng cần được bảo vệ.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cũng đề nghị cần xác định mang tính bao quát một số nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tránh việc liệt kê cụ thể mà vẫn bỏ sót đối tượng này.
Tại Khoản 1, Điều 8 của Dự thảo Luật xác định “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp”.
Đồng thời, dựa trên những bất lợi về “tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp” để xác định có 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, gồm: Người cao tuổi theo quy định của pháp luật người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định của pháp luật người khuyết tật; Trẻ em theo quy định của pháp luật trẻ em; Người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật; Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật (Như vậy, so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp 4, đã tăng thêm 2 nhóm). Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến đặt ra là: Có còn sót đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương nào nữa không? Sao không bổ sung thêm đối tượng này, đối tượng kia? (ví như có ý kiến đề nghị cần xem xét đối tượng là phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hay cần quy định rõ đối tượng là phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi là con đẻ hay cả con nuôi…).
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, việc xác định 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trong dự thảo Luật mang tính liệt kê một số đối tượng cụ thể, có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nên dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp đối với các đối tượng.
Vì vậy đề nghị cần sửa đổi, biên tập lại khoản 1, Điều 8 trong dự thảo Luật theo hướng thay vì liệt kê 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể như trên, cần xác định mang tính bao quát một số nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương (gồm 4 nhóm). Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hoá các đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, với những chính sách phù hợp. Cụ thể, đề nghị sửa lại Khoản 1, Điều 8 như sau: “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp, gồm: (a). Những người có nhận thức, hiểu biết hạn chế; (b) Những người bị bệnh tật, khuyết tật; (c) Những người nghèo, người có thu nhập thấp; (d) Những người sinh sống ở những nơi điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều khó khăn”.
Một nội dung khác được đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị là cần xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên (Điều 47) trong việc nhận lại sản phẩm, hàng hoá do người tiêu dùng trả lại.
Tại điểm đ, khoản 1, Điều 47 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên có trách nhiệm “Cho phép người tiêu dùng trả lại sản phẩm, hàng hóa trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng với điều kiện sản phẩm, hàng hóa còn nguyên bao bì, nhãn hàng hóa, tem (nếu có), còn hạn sử dụng”.
Tôi cho rằng dùng từ “cho phép” như trong dự thảo nêu trên là không chính xác, dễ gây hiểu sai, dẫn đến biến “trách nhiệm” nhận lại thành việc tổ chức, cá nhân có “quyền” nhận lại hoặc không nhận lại sản phẩm, hàng hoá do người tiêu dùng trả lại. Vì vậy, cần sửa lại điểm đ, khoản 1, Điều 47 như sau: “Nhận lại sản phẩm, hàng hóa do người tiêu dùng trả lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng với điều kiện sản phẩm, hàng hóa còn nguyên bao bì, nhãn hàng hóa, tem (nếu có), còn hạn sử dụng”.
Ý kiến bạn đọc (0)