Đề nghị giảm thủ tục hành chính trong thành lập, kiện toàn lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu. |
Đóng góp vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tuấn cơ bản nhất trí với Tờ trình. Việc xây dựng, ban hành Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị sửa, bổ sung một số quy định liên quan nhằm giảm bớt thủ tục hành chính trong thành lập, kiện toàn lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Trình tự, thủ tục xác định số lượng tổ, số lượng người tham gia các tổ, bầu tổ viên, chức danh, công nhận chức danh, thành lập tổ bảo vệ ANTT (được quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều 13) là khá rườm rà. Trong đó, các quy định tại khoản 3, khoản 4 về tổ chức họp thôn, tổ dân phố để bầu tổ viên vừa không phù hợp với thực tế, vừa thiếu thống nhất với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Vì vậy, đề nghị sửa lại các khoản 3, khoản 4, Điều 13 của dự thảo Luật theo hướng: Không tổ chức họp thôn, tổ dân phố để bầu các tổ viên tổ bảo vệ ANTT; thay vào đó, chỉ cần giao cho Trưởng thôn phối hợp với Ban công tác mặt trận thôn thống nhất lập danh sách đề nghị Công an cấp xã thẩm định, trình UBND cấp xã công nhận.
Về cơ chế xã hội hóa trong huy động các nguồn lực bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, tại khoản 1, Điều 16 quy định: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách địa phương bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác. Đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách T.Ư hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách trung ương.
Đại biểu cũng cho biết: Theo quy định trên thì kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chủ yếu là do ngân sách địa phương bảo đảm. Điều này không khả thi, nhất là đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, trong khi nhu cầu về số lượng tổ và số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT tại các thôn, tổ dân phố có thể ngày càng tăng do yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ANTT.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 16 nêu trên theo hướng: Kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm một phần và một phần được bảo đảm từ nguồn tài chính huy động hợp pháp khác. Qua đó nhằm từng bước góp phần giảm bớt gánh nặng NSNN do số lượng những người đang được chưởng lương, phụ cấp và hỗ trợ khác từ NSNN hiện nay rất lớn.
Đề nghị quy định cụ thể hơn về “nguồn tài chính huy động hợp pháp khác” (như nêu tại khoản 1, Điều 16 trong dự thảo Luật) gồm những nguồn nào và được huy động, quản lý, sử dụng thế nào ?
Nghiên cứu luật hóa việc thành lập Quỹ hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở - do cấp xã trực tiếp huy động, quản lý, sử dụng. Việc chi bồi dưỡng, hỗ trợ cho những người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố sẽ chủ yếu từ Quỹ này. NSNN chỉ hỗ trợ cho những nơi khó khăn. Qua đó, nhằm thúc đẩy xã hội hoá trong huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở, giảm gánh nặng cho NSNN.
Đồng thời làm cho mỗi thành viên tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố nêu cao hơn tinh thần trách nhiệm khi biết rằng chế độ, chính sách mà mình được hưởng do các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng đóng góp, hỗ trợ. Mặt khác, cơ chế này cũng phù hợp với tính chất của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Dương Nhung
Ý kiến bạn đọc (0)