Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang): Tập trung giải quyết ba vấn đề nóng thực tiễn đang đặt ra
5 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Lạm phát và nợ công ở hầu hết các quốc gia trên thế giới tăng ở mức đỉnh trong nhiều thập niên; nhiều ngân hàng, tập đoàn tài chính tại các quốc gia phát triển bị phá sản, thua lỗ lớn, mất thanh khoản; kinh tế thế giới trì trệ; trong nước, nguy cơ lạm phát luôn chực chờ, sức ép tăng lãi suất để bảo đảm giá trị VND và những tác động không tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tại hội trường. |
Tuy nhiên, nền kinh tế sau 5 tháng vẫn giữ được sự ổn định và bảo đảm các cân đối vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế đạt mức tốt hơn so với trung bình của thế giới, mặt bằng lãi suất giảm nhanh, giá trị tiền VND bảo đảm, lạm phát được kiềm chế và có xu hướng giảm, nợ công ở mức thấp (xấp xỉ 39% GDP), đầu tư công phát huy hiệu quả khi Chính phủ tập trung chỉ đạo hoàn thành các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, dự án cảng biển quan trọng. Hoàn thành số hoá dữ liệu công dân và đi vào ứng dụng, quản trị quốc gia từng bước chuyển sang phương thức mới - quản trị số, là tiền đề quan trọng để kinh tế đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Kết quả đạt được 5 tháng đã tạo động lực cho tăng trưởng những tháng cuối năm và mở ra không gian để thực thi chính sách tài khoá mở rộng, chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ hơn nữa. Điều này minh chứng cho quyết định của Quốc hội về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế là kịp thời, hiệu quả cũng như sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách nhanh nhạy của Chính phủ đã đem lại kết quả tích cực.
Nhiệm vụ những tháng cuối năm là rất nặng nề. Tôi đồng tình cao với các giải pháp nêu trong các báo cáo của Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội. Tôi xin được đề xuất với Quốc hội, Chính phủ 3 biện pháp cụ thể sau:
Trước hết, cần có cơ chế để các dự án đầu tư đi vào hoạt động một cách nhanh nhất có thể. Thời gian lúc này không chỉ quý hơn vàng mà nếu chậm, sẽ mất đi mãi mãi cơ hội phát triển của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu này trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua phản ánh là dù đã có nhiều chuyển biến (nhất là khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 280, 365), nhưng các địa phương vẫn thiết tha mong muốn đối với 4 nhóm thủ tục hành chính: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng; đánh giá tác động môi trường; cấp phép, thẩm tra thiết kế dự toán công trình và thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy cần có cơ chế tháo gỡ sớm. Đó là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời sửa ngay các quy định không phù hợp và trung ương chuyển từ tiền kiểm sang tăng cường hậu kiểm (như nhiều đại biểu đã phát biểu trước). Cơ chế này không phải bỏ thêm tiền nhưng khi áp dụng mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ được tăng tốc phát triển: Từ đầu tư công cho đến các dự án thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI; áp lực thiếu việc làm sẽ được giải toả. Khi đó, không chỉ tăng trưởng kinh tế mà an sinh xã hội sẽ được bảo đảm.
Về vấn đề này nhiều đại biểu đã nói, nói nhiều kỳ nhưng chuyển biến chưa nhiều như Chính phủ mong muốn nên tôi cũng đề nghị Quốc hội nên tiến hành một cuộc khảo sát các quy định về phân cấp, uỷ quyền, về thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư để có thể chủ động đồng hành với Chính phủ sửa đổi cho đồng bộ, hiệu quả.
Hai là, do nhu cầu hàng hoá thế giới thu hẹp, nên hầu hết các thị trường nhập khẩu, kể cả đã ký FTA với nước ta, đều đang áp dụng các hàng rào kỹ thuật về xuất xứ, giá trị sản xuất tối thiểu, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn lực đầu vào tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.
Vì vậy, Chính phủ cần đưa nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất bảo đảm các yêu cầu này là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, vì nếu chậm trễ hàng hoá sản xuất ở nước ta sẽ giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí bị cấm xuất khẩu. Trong số này, có ba nội dung cần kíp đó là: Phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương và tháo gỡ sớm các vướng mắc liên quan đến xuất xứ hàng hoá; đẩy nhanh tiến độ, quy mô cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững và cho thí điểm triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp, ban hành hướng dẫn liên ngành công thương - xây dựng đối với việc lắp đặt điện mặt trời áp mái không phát lưới cho sản xuất (gần đây, lĩnh vực sản xuất chíp - ngành mà Việt Nam đang có cơ hội phát triển vào nhóm dẫn đầu thì nhiều nhà đầu tư khi khảo sát đều yêu cầu là được sử dụng năng lượng tái tạo).
Ba là, đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa tạo công ăn việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an cư cho người lao động. Tuy nhiên, từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang cho thấy, Đề án hiện đang gặp một thách thức rất trớ trêu đó là căn hộ làm ra, công nhân muốn mua nhưng lại không đủ điều kiện do không đáp ứng điều kiện không có nhà ở, đất ở nào khác (như Dự án Nhà ở xã hội thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ, giá bán 12,3 triệu đồng/m2, đang hoàn thiện để đi vào sử dụng nhưng đã hơn 1 năm từ khi công bố nhận hồ sơ đến nay mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà).
Với tình hình như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện. Vì vậy, tôi đề xuất, cần mở rộng ngay điều kiện đối tượng mua, thuê với ưu tiên xếp sau 10 đối tượng hiện đã quy định tại Luật Nhà ở, là các công nhân có thu nhập thấp và chủ doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho công nhân của mình ở đều có thể là khách hàng.
Ý kiến bạn đọc (0)