Bắc Giang nâng cao năng lực chống lũ cho các tuyến đê: Tu bổ kết hợp bảo vệ công trình
Tập trung thi công
Nhà thầu đang tập trung tu bổ, cải tạo đê tả Thương, đoạn qua xã Xuân Phú (Yên Dũng). |
Tuyến đê tả Thương, đoạn qua xã Xuân Phú, Hương Gián (Yên Dũng) có vai trò ngăn lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân trong vùng và là công trình giao thông quan trọng. Tuy nhiên, vào mùa mưa mặt đê lầy lội, trơn trượt, nắng lên lại bụi đỏ, nhiều ổ trâu, ổ gà khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, năm nay tuyến đê đã được cải tạo. Các hạng mục chính gồm: Đắp đất hoàn thiện mặt cắt đê từ K16+700-K20+450 (3.615m), mái đê trồng cỏ chống xói mòn; cứng hóa mặt đê với kết cấu lớp dưới cấp phối đá dăm 14cm, lớp mặt bê tông dày 25cm, mặt đê rộng 5m, hai bên đắp lề rộng mỗi bên 0,5m; xây dựng một số dốc lên đê. Tổng kinh phí đầu tư hơn 13 tỷ đồng.
Ngay khi được giao tuyến, có mặt bằng sạch, Công ty cổ phần Xây dựng công trình Trường Thịnh (Hà Nội)-đơn vị trúng thầu đã huy động nhân lực, tập trung thi công. Kỹ sư Nguyễn Thành Lâm, Đội trưởng đội thi công của nhà thầu cho biết: “Đặc thù khi đắp đê chỉ gặp một trận mưa lớn thì sau đó phải nghỉ nhiều ngày vì việc chở đất, lu lèn đất khó khăn. Vì thế, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi tăng ca, bố trí nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, trên công trình có 3 máy lu, 2 máy cẩu và 2 ô tô chở vật liệu.
Giai đoạn trồng cỏ đòi hỏi phải làm thủ công, đơn vị mới tiếp tục điều lao động từ công trình khác đến”. Theo đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, đến nay khối lượng thi công đạt khoảng 50% kế hoạch. Với tiến độ như hiện nay, công trình sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2020 theo hợp đồng cam kết.
Công trình được cải tạo, nâng cấp mang lại niềm vui cho bà con nơi đây. Bí thư Chi bộ thôn Xuân Thượng (xã Xuân Phú) Khổng Minh Đức chia sẻ, những tuyến đường, ngõ trong làng đều đã được Nhà nước, người dân chung tay đổ bê tông nhưng đê vẫn là đường đất. Mùa mưa lũ còn xuất hiện mạch đùn, mạch sủi ở một số vị trí, sát chân đê phía đồng có vũng sâu, trũng khiến người dân bất an. Vì vậy, khi nhà thầu triển khai dự án, người dân trong thôn ai nấy đều phấn khởi, mong công trình sớm hoàn thành để việc đi lại thuận tiện.
Chủ động phương án, xử lý sự cố kịp thời
Ngoài đoạn đê trên, hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đang thực hiện các công trình như: Tu bổ chống sạt lở đê điều hệ thống đê cấp III trên địa bàn huyện Tân Yên từ K6+000 đến K14+700; cải tạo, nâng cấp cống Chuông, đê hữu Thương. Cải tạo, nâng cấp cống Đại La và cống Yên Ninh, đê tả Cầu, huyện Hiệp Hòa.
Xử lý cấp bách đê hữu Thương, huyện Yên Dũng, Tân Yên các đoạn K0-K1+500; K2+300-K5+300; K10+000-K17+500; K27+160-K30+200 và tiểu dự án đầu tư tu bổ, nâng cấp đê điều năm 2020. Tổng kinh phí thực hiện các dự án hơn 300 tỷ đồng.
Theo ông Mạnh Quân Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh, các dự án đang được gấp rút thực hiện. Đơn vị tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh hoàn thiện thủ tục về phê duyệt phương án kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, phấn đấu đưa công trình về đích đúng hẹn.
Việc cải tạo, tu bổ các tuyến đê đã góp phần bảo đảm an toàn công trình, tăng khả năng chống lũ trong mùa mưa bão. Do đó, mấy năm gần đây, hệ thống đê điều của tỉnh vững vàng chống lũ.
Bắc Giang là địa phương có chiều dài đê lớn với hơn 400 km đê các loại. Trong đó, khoảng 130 km đê cấp 3, cấp 2 đã được cứng hóa; một phần nhỏ đê được kè lát mái. |
Được biết, Bắc Giang là địa phương có chiều dài đê lớn với hơn 400 km đê các loại. Trong đó, 90% tổng chiều dài đê cấp 3, cấp 2 (khoảng 130 km) được cứng hóa; một phần nhỏ đê được kè lát mái.
Ông Khổng Văn Nguyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin, để cải tạo toàn bộ các tuyến đê đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Vì nguồn ngân sách hạn hẹp nên chỉ một phần đê được kè lát mái.
Thường những đoạn được kè đã xảy ra sự cố, sạt lở sát chân đê. Do đó, Chi cục tham mưu với cấp trên dành vốn ưu tiên tu bổ các đoạn, khu vực xung yếu. Song hành với đó là chú trọng xây dựng các phương án hộ đê trọng điểm, nhất là khu vực hay xảy ra sự cố, điểm từng xuất hiện tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép. Ví như, trên tuyến đê tả Cầu (Hiệp Hòa) có các vị trí xung yếu gồm sạt mái đê K12+500-K13, xã Hợp Thịnh; kè Bầu, xã Xuân Cẩm và một số cống lớn.
Để bảo đảm an toàn, trên tuyến có hơn 2 nghìn m3 đá hộc dự phòng, tại kho vật tư chuẩn bị hơn 10 nghìn bao tải, rọ thép; bạt chống sóng, quang gánh, cuốc, xẻng, áo phao, nhà bạt. Đê tả Thương, đoạn qua huyện Tân Yên, TP Bắc Giang; hữu Thương (Lạng Giang) hay đê hữu Lục Nam, tả Lục Nam cũng được xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến và những khu vực trọng điểm để bảo đảm an toàn.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)