Bắc Giang: Hơn 37.400 cán bộ, đảng viên dự hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 11
BẮC GIANG - Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên dự ở hơn 21 nghìn điểm cầu từ Trung ương đến địa phương trong cả nước.
Hội nghị cũng được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và kênh VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam để đông đảo Nhân dân theo dõi.
![]() |
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính của tỉnh Bắc Giang. |
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo tại điểm cầu Trung ương. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu Bình Dương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Cùng dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng: Đỗ Bình Dương, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Đào Xuân Cần, nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí: Nguyễn Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ty, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh…
Tại tỉnh Bắc Giang có 231 điểm cầu, với hơn 37,4 nghìn cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở tham dự hội nghị quán triệt nghị quyết.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Trong đó, nêu rõ những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030.
Theo đó, dự thảo Báo cáo chính trị đã bổ sung kịp thời bối cảnh trong nước, quốc tế; tiếp tục làm mới đường lối về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh bằng các biện pháp, tư duy mới; phát triển kinh tế là trung tâm; kế tục đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; vấn đề văn hóa, an sinh xã hội, quan tâm tới vùng sâu, xa, chăm lo người nghèo, người yếu thế, người có công với cách mạng.
Về phát triển đất nước trong thời gian tới, đồng chí Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay vừa đan xen những khó khăn, thách thức với những thời cơ, thuận lợi mới, đòi hỏi nước ta phải thực hiện tốt quan điểm độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực, với mục tiêu ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội, ổn định môi trường để hợp tác, phát triển nhanh, bền vững; mọi người dân phải được hưởng lợi thành quả cách mạng, được ấm no, hạnh phúc…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Quang cảnh tại điểm cầu chính của tỉnh Bắc Giang. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, cùng với nội dung quán triệt trực tiếp tại hội nghị, các văn bản đã, đang và sẽ được gửi đến các bộ, ngành, địa phương sớm nhất để triển khai thực hiện (về cơ bản trong tháng 4/2025 sẽ ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn). Cùng với đó là dự thảo đầy đủ 4 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng cũng sẽ được gửi để các bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến và làm căn cứ xây dựng văn kiện của cấp mình. Về cơ bản chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ chức quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, sau hội nghị là bắt tay thực hiện được ngay.
Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị, sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, khoá XIII và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, xác định đây là một “cuộc cách mạng” về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.
Triển khai các công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan; thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa đại khái bất cứ công việc nào. Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, bảo đảm các công việc được thực hiện đúng tiến độ.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Các quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện theo đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã.
Đề nghị các địa phương phải hết sức chủ động và trách nhiệm trong việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, Tổng Bí thư lưu ý cần khắc phục 2 khuynh hướng: Sáp nhập các xã, phường quá rộng như một “cấp huyện thu nhỏ” dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được Nhân dân, dẫn đến biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã. Hoặc là, sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả. Đây là những vấn đề mà Ban Thường vụ các tỉnh phải bàn bạc, tính toán rất kỹ trên tinh thần tầm nhìn lâu dài, vì nước, vì dân.
Đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất là trách nhiệm của Ban Thường vụ cấp ủy theo phân cấp, phải có sự bàn bạc, thống nhất để bố trí “đúng người, đúng việc” theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất; nhân sự đại hội đảng bộ cấp tỉnh, cấp xã; nhân sự Đại hội XIV của Đảng; nhân sự bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn.
Về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải bảo đảm chặt chẽ, bài bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là những địa phương mới sáp nhập, hợp nhất; phải coi trọng và tập trung nhiều hơn nữa cho công tác chuẩn bị văn kiện (một số nơi đang có biểu hiện xem nhẹ vấn đề này, chủ yếu tập trung cho phương án nhân sự). Mặc dù chưa chính thức sáp nhập nhưng đã phải tư duy, suy nghĩ để đề ra đường lối phát triển của tỉnh mới thành lập, xã mới thành lập dựa trên cơ sở không gian, dư địa và nguồn lực mới. Đây là công việc rất quan trọng cần sự đầu tư trí tuệ, công sức và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương với nhau để thực hiện tốt công việc này.
Khẳng định công việc phía trước rất bộn bề và phải rất khẩn trương, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở có mặt tại Hội nghị quán triệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam.
Kết thúc hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt, khẩn trương cụ thể hóa, đưa các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn của Trung ương thành hành động cụ thể, đạt hiệu quả rõ nét và thực chất; chủ động, tích cực làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương lớn của Đảng. Trong đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu sắc ý nghĩa, quan điểm chỉ đạo, nội dung chủ yếu, mục tiêu, nhiệm vụ được Trung ương thảo luận và quyết nghị tại Hội nghị lần thứ 11 khóa XIII - “Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta”.
Ý kiến bạn đọc (0)