Khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng
BẮC GIANG - Với niềm đam mê đọc sách, nhiều cá nhân, gia đình trên địa bàn tỉnh đã xây dựng tủ sách với những loại sách hay, tổ chức địa điểm, không gian đọc miễn phí và các hoạt động khơi dậy tình yêu sách trong cộng đồng.
Bồi dưỡng văn hóa đọc từ tủ sách miễn phí
Nằm trong con ngõ tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ngô Quyền (thành phố Bắc Giang), tủ sách Cánh Cam với gần 1 nghìn đầu sách các loại phục vụ miễn phí đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều độc giả, nhất là các bạn trẻ. Từ khi biết có tủ sách miễn phí này, hai em Phạm Minh Chi và Nguyễn Khánh Quyên, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên thường đến đọc sách vào những lúc rảnh rỗi để nâng cao kiến thức phục vụ học tập, trau dồi kỹ năng sống. Em Chi chia sẻ: “Ở đây, chúng em tìm được nhiều cuốn sách hay; không gian đọc được bố trí hài hòa, yên tĩnh tạo cảm giác thoải mái cho người đọc”.
![]() |
Thanh thiếu niên đọc sách miễn phí tại tủ sách Cánh Cam. |
Tủ sách đi vào hoạt động đến nay được khoảng 5 tháng; mở cửa từ 7 giờ đến 22 giờ 30 phút. Mỗi ngày có khoảng 50-70 bạn trẻ đến đây đọc sách và đông hơn vào cuối tuần. Anh Ngô Nam Khánh, sinh năm 1998, người xây dựng tủ sách cho biết: “Tôi thích đọc sách từ nhỏ, được gia đình khuyến khích đọc và mua cho nhiều sách. Hiện tủ sách của tôi đã có hơn 1 nghìn cuốn. Tôi muốn chia sẻ những cuốn sách mình đã đọc tới mọi người”. Người đọc đến đây được hỗ trợ việc tìm đọc sách. Hằng tháng, tại đây tổ chức nói chuyện về sách.
Tại một số huyện, thị xã, thành phố, nhiều cá nhân cũng xây dựng tủ sách cho mình và phục vụ mọi người miễn phí. Không gian đọc được thiết kế giống quán cà phê hoặc khu vườn tạo sự thoải mái, thích thú cho người đọc.
Bà Đồng Thị Liễu, giáo viên nghỉ hưu xây dựng gác sách tại nhà riêng ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) với gần 2 nghìn cuốn đặt trên những kệ, giá mô phỏng chuồng chim bồ câu giữa sân vườn rợp bóng cây. Hằng ngày, bà Liễu mở cửa phục vụ bạn đọc miễn phí; giới thiệu sách hay, ý nghĩa và hướng dẫn thanh thiếu nhi tìm đọc. Với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, vào dịp hè, bà tổ chức chương trình đọc sách lồng ghép những hoạt động văn hóa truyền thống như: Nặn tò he, viết thư pháp, trò chơi dân gian để thu hút thanh, thiếu nhi tham gia, hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính.
Theo ông Vũ Trí Tĩnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cùng với hệ thống thư viện; những không gian đọc miễn phí ở các thôn, tổ dân phố góp phần khơi dậy và bồi dưỡng tình yêu sách, xây dựng thói quen đọc cho mọi người, nhất là thanh thiếu niên, học sinh. Với nhiều đầu sách hay, đa dạng, nội dung được chọn lọc, những địa điểm này đã giúp người đọc bồi đắp, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống.
Tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào học tập
Trong thời đại ngày nay, nhiều người bị cuốn hút bởi những thiết bị công nghệ thông minh với chương trình giải trí, tin tức trên mạng xã hội nên ít đọc sách. Vì thế, các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng nguồn lực thông tin, tri thức hiệu quả.
![]() |
Những hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức lồng ghép với việc đọc sách tại gác sách Đồng Thỵ (Tân Yên). |
Hiện nay, hệ thống thư viện của tỉnh phát triển rộng khắp với 1 thư viện cấp tỉnh, 10 thư viện cấp huyện, 55 thư viện cấp xã và gần 600 tủ sách làng, thôn, bản, khu phố ; 512 thư viện trường học và tủ sách thân thiện tại lớp học, lưu giữ hơn 3 triệu đầu sách và các báo, tạp chí bổ trợ kiến thức cho học sinh, giáo viên. Hằng năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành chức năng tổ chức các hoạt động sôi nổi, sáng tạo hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Với mục đích lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, Thư viện tỉnh đã phát động xây dựng “Tủ sách gia đình” trên địa bàn tỉnh. Từ niềm yêu thích đọc sách, nhiều gia đình đã sưu tầm, xây dựng tủ sách với nhiều thể loại, lĩnh vực. Tiêu biểu như tủ sách gia đình ông Nguyễn Văn Riễn ở thôn Sấu, xã Liên Chung (Tân Yên) có hơn một nghìn cuốn các loại.
Gia đình chị Đinh Thúy Hằng ở Cao Xá (Tân Yên) cũng có tủ sách hơn 600 cuốn do chị và con trai thường xuyên mua bổ sung từ nhiều nơi. Vợ chồng chị Đỗ Thị Huệ ở thôn Dĩnh Sơn, xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên) và 3 con đều ham đọc sách. Phòng ở của mỗi thành viên đều có một giá sách từ vài chục đến vài trăm quyển… Không chỉ gắn kết các thành viên, tủ sách gia đình đã góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng qua việc cho mượn, chia sẻ cuốn sách hay với mọi người xung quanh.
Năm nay, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ giữa tháng 4 đến hết tháng 5. Ngành chức năng và các địa phương phát động phong trào thi đua đọc sách, nhân rộng các “Câu lạc bộ Sách và Hành động”; vận động, khuyến khích thành lập thư viện gia đình, dòng họ, thôn, xã theo mô hình thư viện mở để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. |
Năm nay, các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ giữa tháng 4 đến hết tháng 5 gắn với các thông điệp: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”; “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”…
Theo ông Khổng Đức Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dịp này, ngành sẽ phát động phong trào thi đua đọc sách, hướng dẫn kỹ năng đọc; trao đổi sách hay; nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ Sách và Hành động”, vận động, khuyến khích thành lập thư viện gia đình, dòng họ, thôn, xã theo mô hình thư viện mở để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Được biết, trong những ngày tới, tại Quảng trường 3/2 (thành phố Bắc Giang), Thư viện tỉnh và các địa phương sẽ tổ chức các hoạt động hấp dẫn như: Thiết kế không gian đọc; cấp thẻ miễn phí; tặng sách; nói chuyện chuyên đề về sách; trưng bày, xếp sách nghệ thuật; quyên góp sách tặng trẻ em hoàn cảnh khó khăn... Qua đó nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị của sách đến mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần khơi dậy tình yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc.
Ý kiến bạn đọc (0)