Tạo môi trường cho thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Sáng 20/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV.STARTUP) lần thứ VII năm 2025.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thanh niên mạnh thì dân tộc mới mạnh, phải tạo môi trường cho thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; với quan điểm "mỗi phong trào phải gắn lợi ích của cá nhân, với lợi ích tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc; hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; lợi ích trong nước, lợi ích ngoài nước".
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7. |
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức trong nước và quốc tế; đặc biệt có đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên các cơ sở đào tạo, các nhà quản lý giáo dục trong cả nước.
SV.STARTUP năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20/4, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
SV.STARTUP năm 2025 được tổ chức với nhiều hoạt động gồm: các hội thảo về “Giải pháp đột phá thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học”, “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số”, “Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn, nghề nghiệp, việc làm”.
Tại Ngày hội cũng diễn ra: Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong lĩnh vực công nghệ; Hội nghị tổng kết “Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Triển lãm trưng bày các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Đặc biệt là vòng Chung kết và trao giải cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII”.
Trong đó, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII năm 2025” đã nhận được 775 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục phổ thông. Sau vòng bán kết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn 125 dự án xuất sắc tham dự vòng chung kết Cuộc thi.
Các ý tưởng khởi nghiệp năm nay có chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội. Các dự án của khối sinh viên mang tính ứng dụng công nghệ mới như IoT, Big Data và công nghệ AI. Nhiều dự án đã được học sinh, sinh viên triển khai và bước đầu thành công, chuyển sang giai đoạn có lãi, có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Về “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” (Đề án 1665), sau 7 năm triển khai đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục; các kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Tính từ năm 2020 – 2024, sinh viên cả nước có gần 39 ngàn dự án khởi nghiệp; học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có gần 9 ngàn dự án khởi nghiệp. Từ năm 2020 đến nay có gần 300 doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở giáo dục đại học ươm tạo. Cả nước có hơn 2 ngàn cán bộ giảng viên và gần 10 ngàn học sinh, sinh viên được các nhà trường tuyên dương, khen thưởng vì có thành tích cho các hoạt động khởi nghiệp.
Sau khi các đại biểu đánh giá, cũng như chia sẻ những câu chuyện thành công trong phong trào khởi nghiệp và vai trò của Đề án 1665; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phát biểu tại sự kiện trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động chia sẻ, chúng ta đang sống trong những ngày tháng tư lịch sử tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, nơi diễn ra thời khắc quyết định cách đây 50 năm - khi cánh cửa Dinh Độc lập bị xe tăng húc đổ, lá cờ cách mạng tung bay trên thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn; dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại; là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta – đất nước ngàn năm văn hiến, dân tộc yêu chuộng hòa bình và nhân nghĩa, nhân văn.
Thủ tướng khẳng định, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng khẳng định một chân lý kiên cường và bất khuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
“Để giành và giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, để đất nước có được hòa bình, thống nhất, phát triển ổn định như hôm nay là máu xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống, trong đó có hàng triệu thanh niên Việt Nam; chúng ta trân quý ý nghĩa của sự độc lập, tự do; hiểu được giá trị của hòa bình; biết ơn sự hi sinh anh dũng của các thế hệ đi trước, các anh hùng, liệt sĩ của dân tộc để tự soi chiếu và nhìn nhận về trách nhiệm của bản thân với dân tộc, đất nước, gia đình, xã hội và với chính bản thân mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Từ những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc đến từng giai đoạn của quá trình vận động, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đều chứng kiến những sứ mệnh lịch sử đặc biệt và sự đóng góp quan trọng của thanh niên.
Điểm lại những nhân vật trong truyền thuyết đến các anh hùng dân tộc tử thuở dựng nước, qua các thời kỳ lịch sử đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thanh niên Việt Nam luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân, hăng hái xông pha đi tiên phong trên mọi lĩnh vực.
Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều phong trào của thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhất là trong các cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Thanh niên phải là rường cột của nước nhà”.
Thủ tướng cho biết, qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của thanh niên. Thủ tướng nhấn mạnh, bằng tất cả sự tri ân đến các thế hệ cha anh đã hi sinh vì nền độc lập của dân tộc; bằng sự trân quý giá trị của hòa bình và tự do; bằng trách nhiệm đáp lại niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và các thế hệ đi trước; thanh niên ngày nay cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước hào hùng, bản lĩnh tiên phong, xung kích, dấn thân, xông pha trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực để gìn giữ, bảo vệ và phát triển đất nước!
Chỉ rõ các mục tiêu phát triển đất nước được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đề ra; đồng thời phân tích bối cảnh tình hình, trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ nêu một số nhiệm vụ trọng tâm mà toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân phải tập trung thực hiện để đất nước không chỉ “bắt kịp, tiến cùng mà còn phải vượt lên”, trong đó có việc phải đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp phải có hệ sinh thái, và với tinh thần “thần tốc, tạo bạo, không có giới hạn trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ phải tạo ra phong trào, tạo ra xu thế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp bằng nhiều hình thức và cơ chế chính sách khác nhau để đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mang lại lợi ích cho chính bản thân học sinh, sinh viên, cho gia đình và xã hội; từ thành quả của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tạo niềm tin, khí thế, động lực, nâng bước cho học sinh, sinh viên phát triển, góp phần phát triển đất nước.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa; tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn mới bảo đảm thiết thực, chất lượng.
Thủ tướng kêu gọi, mỗi bạn trẻ hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp; đồng thời còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước. Tất cả cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái, một không gian khởi nghiệp, một hệ giá trị kết nối cộng đồng - cùng nhau thể hiện khát vọng vươn lên, nghĩ sâu làm lớn, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”.
Ý kiến bạn đọc (0)