Bắc Giang: Đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin, chủ động phòng dịch hiệu quả
Xin ông cho biết kết quả chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?
Ông Từ Quốc Hiệu. |
Ông Từ Quốc Hiệu: Tính đến ngày 13/12, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêm được hơn 2,3 triệu liều vắc-xin. Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 99,4%, mũi 2 đạt 73%. Đặc biệt, người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền đã tiêm mũi 1 đạt 96,4%; mũi 2 đạt 95%. Đồng thời, hơn 10 nghìn người đã được tiêm mũi nhắc lại (6 tháng sau khi tiêm mũi 2).
Dù đã đạt được những kết quả tích cực tuy nhiên đến nay toàn tỉnh vẫn còn khoảng 7 nghìn đối tượng chưa tiêm mũi 1. Đó chủ yếu là các trường hợp đang điều trị, phải dùng thuốc, có chống chỉ định với vắc-xin phòng Covid-19, tiền sử phản vệ với vắc-xin từ mức độ 2 trở lên; một số trường hợp trì hoãn tạm thời như: Phụ nữ có thai dưới 13 tuần, người điều trị mắc Covid-19 chưa đủ 6 tháng... Ngoài ra là một số trường hợp người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền.
Vậy, việc tiêm vắc-xin mũi nhắc lại (mũi 3) cho các đối tượng đang được triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh?
Ông Từ Quốc Hiệu: Hiện các huyện, TP trên địa bàn đều đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại. Đối tượng tiêm là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 2 từ đủ 6 tháng trở lên. Trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, người có nguy cơ cao, sinh sống ở vùng đang có dịch, các khu vực đô thị, các vùng có mật độ dân số cao, khu công nghiệp.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. |
Người tiêm mũi 1, mũi 2 cùng loại vắc-xin thì tiêm mũi 3 cũng là vắc-xin cùng loại trước đó đã tiêm hoặc có thể tiêm vắc-xin Pfizer hay Moderna.
Nếu trước đó đã tiêm hai loại vắc-xin khác nhau thì mũi nhắc lại (mũi 3) tiêm bằng vắc-xin Pfizer hoặc Moderna. Riêng tiêm mũi 1 và mũi 2 là vắc-xin của hãng Sinopharm thì có thể tiếp tục tiêm mũi 3 là vắc-xin của Sinopharm hoặc Pfizer, Moderna, AstraZeneca.
Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 10 nghìn người là lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm mũi nhắc lại.
Vì sao khi tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 của người từ 18 tuổi trở lên đã đạt 99,4% như hiện nay mà tỉnh vẫn quyết tâm bao phủ vắc-xin cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, thưa ông?
Ông Từ Quốc Hiệu: Đối với người lớn tuổi (trên 60 tuổi) thì do ảnh hưởng của quá trình lão hóa khiến các cơ quan suy giảm chức năng, trong đó có hệ miễn dịch khiến khả năng chống chọi với bệnh tật suy giảm. Chính vì vậy nhóm đối tượng người lớn tuổi lại có đồng thời các bệnh lý nền thì nguy cơ tiến triển nặng khi mắc Covid-19 sẽ càng cao và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn so với người trẻ tuổi khoẻ mạnh.
Theo tổng hợp, từ ngày 26/10 đến ngày 13/12, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận gần 1,3 nghìn ca nhiễm Covid-19. Trong đó, có 37 trường hợp chuyển nặng, nguy kịch; 3 trường hợp phải thở máy; 2 trường hợp tử vong. Phân tích trong 37 ca bệnh nặng, nguy kịch có đến 81,1% người có bệnh nền, 78,4% người chưa tiêm vắc-xin. 2 trường hợp tử vong đều trên 50 tuổi, có 1 trường hợp đã tiêm 1 mũi vắc-xin và 1 trường hợp chưa tiêm vắc-xin và đều có nhiều bệnh lý nền như: Gout, tiểu đường, viêm khớp mãn tính...
Do đó người cao tuổi, có bệnh lý nền càng cần phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19, thậm chí ngành y tế còn khuyến cáo các trường hợp này cần tiêm mũi tăng cường (mũi 3 sau 28 ngày) để bảo đảm sức khỏe. Ngoài ra, vì hệ miễn dịch đã bị suy giảm nên thông thường người cao tuổi, có bệnh lý nền hầu như không có phản ứng nặng khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Nhân viên y tế kiểm tra vắc-xin trước khi tiêm phòng Covid-19 cho người cao tuổi. |
Vậy thời gian tới, ngành y tế có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, nhất là với những người cao tuổi, bệnh lý nền?
Ông Từ Quốc Hiệu: Để đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin, trước mắt các địa phương phải thường xuyên rà soát, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt người chưa tiêm. Cùng đó các ngành, đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân tham gia tiêm chủng khi đủ điều kiện.
Đối với nhóm nguyên nhân trì hoãn tạm thời thì khi phụ nữ có thai đủ từ 13 tuần trở lên, người điều trị Covid-19 được đủ 6 tháng, ngành y tế sẽ phối hợp với chính quyền địa phương bố trí tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
"Thực tế, nhiều người có biểu hiện chủ quan trong PCD Covid-19 với lý do đã tiêm vắc-xin nên ít có nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Tuy nhiên, khi người mắc Covid-19 vẫn cần phải thu dung, cách ly, điều trị. Do đó, nếu bệnh nhân mắc Covid-19 lớn sẽ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, kể cả với các bệnh thông thường khác. Vì vậy, dù đã tiêm vắc-xin, người dân vẫn cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, nhất là sử dụng khẩu trang, không tụ tập đông người và giữ khoảng cách", ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh. |
Riêng đối với nhóm người cao tuổi, bệnh lý nền, khó khăn trong việc di chuyển, qua rà soát của chính quyền địa phương, không chỉ tổ chức tiêm ở trạm y tế các phường, xã, thị trấn, ngành y tế sẽ tính toán bố trí các điểm tiêm tận nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để tạo thuận lợi cho người dân. Đối với những người không thể di chuyển, ngành sẽ tính toán bố trí phương tiện, nhân lực tiêm tại nhà.
Để bảo đảm an toàn tối đa trong tiêm chủng, hạn chế sốc phản vệ sau tiêm, theo ông, người được tiêm cần quan tâm thực hiện tốt nội dung nào?
Ông Từ Quốc Hiệu: Với mỗi người dân trước khi tiêm đều được nhân viên y tế khám sàng lọc kỹ càng để hạn chế tối đa các trường hợp sốc phản vệ. Các tổ cấp cứu lưu động sẽ được huy động từ các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, TP, phòng khám đa khoa, bệnh viện tư nhân trên địa bàn thường trực cấp cứu bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Ngoài việc thực hiện chuyên môn của ngành y tế, cần có sự tham gia, phối hợp, vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và người dân từ khâu chuẩn bị, điều tra đối tượng đến triển khai tiêm. Người tiêm cũng cần trung thực khi khai báo, không được giấu bệnh. Cùng đó, sau khi theo dõi 30 phút ở điểm tiêm, trở về nhà vẫn cần người nhà theo dõi, giám sát chủ động phản ứng sau tiêm trong 24 giờ đầu và 3 ngày tiếp theo để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sốc phản vệ sau tiêm, gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)