Bắc Giang đầu tư cho giáo dục mầm non vùng khó khăn
Tăng cường cơ sở vật chất
Được đánh giá là cấp học quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, những năm gần đây, mạng lưới trường, lớp học cho trẻ mầm non từng bước được sắp xếp, quy hoạch, đầu tư nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiều chính sách quan tâm, thu hút đội ngũ, đời sống cán bộ, giáo viên từng bước được cải thiện, tạo động lực cho thầy, cô giáo yên tâm gắn bó với nghề.
Giờ vui chơi của cô và trò Trường Mầm non Hộ Đáp (Lục Ngạn). |
Hiện nay, toàn tỉnh có 73 cơ sở giáo dục mầm non nằm trong các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù là vùng khó khăn nhưng tỷ lệ học sinh ra lớp ở độ tuổi mẫu giáo đạt hơn 99%, độ tuổi nhà trẻ đạt 20%. Số trẻ em không bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đạt 88,3%. Toàn tỉnh hiện có hơn 2 nghìn cán bộ, giáo viên mầm non đang giảng dạy tại các trường vùng khó khăn, trong đó có nhiều thầy, cô biết tiếng dân tộc thiểu số.
Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên vùng khó khăn luôn nỗ lực nuôi dạy trẻ bảo đảm phát triển thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ theo độ tuổi. Trong đó tập trung cao giảng dạy cho trẻ 5 tuổi có đủ năng lực và khả năng thông hiểu tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin khi bước vào lớp 1, đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hộ Đáp là xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp của nhà trường đạt 100% và 22% ở độ tuổi nhà trẻ. |
Hộ Đáp (Lục Ngạn) là xã đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 100% và 22% ở độ tuổi nhà trẻ.
Cô giáo Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hộ Đáp cho biết: Nhà trường hiện có hơn 300 học sinh ở 14 nhóm, lớp chủ yếu là người Nùng. Từ năm 2019, ngôi trường được mở rộng thêm hơn 1 ha, xây mới 3 tầng khang trang với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng tại khu trung tâm.
Ngoài ra, trường còn có 4 điểm lẻ ở các thôn Cái Cặn, Na Hem, Hợp Thành, Đồng Phai đều đã được tu sửa cho con em đi học thuận tiện. Nhờ được chăm sóc tốt, từ chỗ tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hơn 10% những năm trước đến nay giảm còn 2,3%.
Không chỉ ở Lục Ngạn mà nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Sơn Động cũng được quan tâm đầu tư, cải thiện chất lượng giáo dục. Điển hình như Trường Mầm non An Lạc được xây dựng trên diện tích 10 nghìn m2, tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng gồm 4 tòa nhà hai tầng, 12 phòng học, 4 phòng ngủ và 4 phòng chức năng.
Đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị được đầu tư mới, bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Sân chơi rộng gần 3 nghìn m2 gồm nhiều thiết bị vui chơi ngoài trời, vườn cổ tích đáp ứng nhu cầu học hỏi, vui chơi của trẻ.
Thu hẹp khoảng cách với miền xuôi
Theo đánh giá của ngành Giáo dục, chất lượng giáo dục mầm non vùng khó khăn đã cải thiện so với những năm trước nhưng số cháu ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp chưa cao. Đặc biệt, do nhiều thôn, bản xa trung tâm, thường xuyên bị chia cắt khi mưa lớn nên việc đến trường của học sinh khó khăn, toàn tỉnh còn 335 điểm lẻ trường mầm non, điều kiện học tập hạn chế. Nhiều điểm trường không có phòng ở cho giáo viên nên thầy cô gặp khó khăn trong việc di chuyển, sinh hoạt.
Một góc Trường Mầm non An Lập, xã Vĩnh An (Sơn Động). Ảnh: Xuân Thỏa. |
Cơ sở vật chất dù đã được quan tâm nhưng mới có 93,4% phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học tạm còn cao. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non thiếu diện tích, không thể mở rộng phải chuyển đến địa điểm mới nhưng chưa huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng như các trường mầm non: Tân Hoa, Tân Quang, Phong Minh, Tân Sơn (Lục Ngạn). Một số trường mầm non chật hẹp, xuống cấp như: Phúc Sơn (Sơn Động), Trù Hựu (Lục Ngạn).
Bởi vậy, việc đánh giá công nhận lại trường chuẩn quốc gia gặp khó khăn. Trong khi đến nay, toàn huyện Lục Ngạn chưa có trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2. Trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế mới có 10 trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2. Bên cạnh đó, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với nhu cầu, chủ yếu vẫn là đồ chơi do giáo viên tự làm. Nhiều bộ đồ chơi ngoài trời đã hỏng hóc, xuống cấp không được đầu tư sửa chữa.
Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân cải thiện đáng kể nhưng số trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn cao (21%). Nhiều em có chiều cao thấp hơn tiêu chuẩn đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do số cháu trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp thấp, trong khi các bà mẹ chưa nắm chắc kiến thức nuôi con, chăm sóc trẻ chưa đúng cách, chưa chú trọng đến khẩu phần ăn của các cháu. Bên cạnh đó, giáo dục mầm non vùng khó khăn còn hạn chế về công tác xã hội hóa.
Trong thời gian tới, các huyện thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Trường chưa bảo đảm diện tích sẽ có kế hoạch mở rộng hoặc chuyển địa điểm, đầu tư theo hướng trọng điểm để xây dựng trường hiện đại, chuẩn hóa.
Bà Trần Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Ngạn cho biết: “Toàn huyện đã đầu tư xây mới một số trường mầm non như: Nam Dương, Mỹ An, Sơn Hải... Tới đây sẽ khởi công xây dựng Trường Mầm non Giáp Sơn. Dự kiến kinh phí xây dựng hạ tầng, mua thiết bị dạy học giai đoạn 2019-2025 của huyện là hơn 418,1 tỷ đồng”. Huyện Lục Nam cũng dự kiến xây dựng các trường mầm non: Bình Sơn, Nghĩa Phương, Vô Tranh.
Cùng với ngân sách địa phương, các huyện tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp để ưu tiên xây mới, nâng cấp một số trường. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được thực hiện đồng bộ với đổi mới phương pháp dạy và học, qua từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thu hẹp khoảng cách với miền xuôi.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)