Anh Tình “dưa leo” đưa nông sản vươn xa
Khởi nghiệp từ hơn 3 sào ruộng "hồi môn"
Sau một năm, mới đây tôi có dịp gặp lại anh Hoàng Ngọc Tình. Cách nói chuyện chân chất, luôn lăn lộn cùng bà con nông dân mỗi dịp tiêu thụ nông sản là ấn tượng của tôi về anh. Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, Bắc Giang thành “tâm dịch” của cả nước, nhiều địa phương phải phong tỏa.
![]() |
Anh Hoàng Ngọc Tình kiểm tra chất lượng dưa leo trước khi bàn giao cho khách hàng. |
Thời điểm đó, nông dân trong tỉnh thu hoạch nhiều loại nông sản. Tại xã Đông Phú (Lục Nam), hàng chục ha dưa leo của người dân có nguy cơ quá lứa khi thôn Cây Đa có ca dương tính với virus SARS-CoV-2, phải thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Anh Tình đã trực tiếp đến từng điểm chốt thu mua dưa leo rồi tìm cách vận chuyển đi tiêu thụ.
Nhắc lại những ngày tháng không quên ấy, anh Tình tâm sự: “Qua điện thoại, tôi thống nhất với các hộ về việc thu mua. Theo đó, các hộ sẽ thu hoạch rồi ghi rõ số cân, tên hộ và tập kết đến các chốt kiểm soát lúc 7 giờ sáng. Khoảng 30 phút sau tôi cùng một số công nhân đến vận chuyển về phân loại, đưa đi tiêu thụ. Cứ như thế, toàn bộ dưa leo của người dân được bán hết”.
Sinh ra, lớn lên tại thôn Va, xã Đông Phú, từ nhỏ Hoàng Ngọc Tình nuôi ước mơ vào đại học song do hoàn cảnh gia đình (bố thường xuyên bị các vết thương chiến tranh hành hạ, nhà lại đông anh em) nên vừa học hết lớp 8, Tình xin nghỉ học, ở nhà phụ giúp bố mẹ chăm sóc mấy sào ruộng. Gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, anh hiểu với người nông dân, tấc đất là tấc vàng, nông sản là thành quả của sự lao động nên không ngừng mày mò, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Thế rồi bước ngoặt lớn đến khi năm 1993 anh xây dựng gia đình. Ra ở riêng, hai vợ chồng anh được hai bên nội ngoại "hồi môn" cho hơn 3 sào ruộng làm vốn. “Thuận vợ, thuận chồng”, hai vợ chồng quyết định cải tạo đất, chuyển đổi từ cây khoai lang sang trồng dưa leo. Vụ đầu thu hoạch, không có người mua nên anh phải chở xe đạp vượt hơn 10 km đường đất đưa về chợ Sàn, xã Phương Sơn (cùng huyện) bán.
Quãng đường vận chuyển xa, lượng tiêu thụ thấp nên tính ra lãi chẳng được là bao. “Nhận thấy việc bán lẻ không mang lại hiệu quả, sau nhiều lần đi chợ, tôi đã kết nối được với một thương nhân ở thị xã Từ Sơn, nay là TP Từ Sơn (Bắc Ninh). Theo đó, cùng với sản phẩm của gia đình, tôi gom dưa leo của người dân trong thôn, thương nhân đưa xe về tận nơi thu mua. Đây được coi là “chìa khóa” mở cơ hội làm giàu cho người nông dân”, anh Tình tâm sự.
Đầu ra ổn định, vợ chồng anh bắt đầu mượn, thuê ruộng của người dân trong thôn, xã mở rộng sản xuất. Có đất, anh tiếp tục đưa thêm nhiều loại cây trồng khác vào canh tác như: Khoai tây, khoai sọ, bầu, bí, cà chua... Anh cũng hỗ trợ giống, phân bón và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Giữ nét quê
Đầu giờ sáng một ngày tháng 6, thời điểm cuối vụ thu hoạch dưa leo, nhiều người dân từ các thôn trong xã Đông Phú và các xã lân cận như: Tam Dị, Đông Hưng (cùng huyện) vận chuyển những bao dưa cuối vụ đến gia đình anh Tình, cũng là trụ sở HTX Dưa leo quê Lục Nam để cân. Vừa dỡ xong 4 bao tải dưa leo từ xe lôi xuống, ông Nguyễn Văn Hữu (SN 1959) ở thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị phấn khởi:
- Vụ dưa này tuy gặp khó khăn do thời tiết, năng suất giảm song nhờ đầu ra ổn định, chúng tôi vẫn lãi cao. Với 5 sào dưa leo, vợ chồng tôi lãi hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
- Dưa cuối vụ chắc rẻ hơn bác nhỉ? Tôi hỏi.
- Từ đầu vụ, anh Tình đã cam kết mua của bà con và luôn giữ một giá dù có thời điểm giá trị trường thấp hơn giá thu mua - ông Hữu đáp.
![]() |
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Hoàng Ngọc Tình đến từng chốt để thu mua dưa leo cho người dân. |
Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh Hoàng Ngọc Tình xen vào, từ đầu vụ, HTX đã nhận cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, cam kết thu mua với giá ổn định, đồng thời ứng vốn cho các hộ mua vật tư nông nghiệp. Do đó, có thời điểm giá trên thị trường xuống còn 1 nghìn đồng/kg, anh vẫn thu mua giá 3 nghìn đồng/kg.
Nói rồi anh Tình kể, sau nhiều năm sản xuất, tiêu thụ nông sản, năm 2020, anh cùng một số người dân đứng ra thành lập HTX Dưa leo quê Lục Nam do anh làm Giám đốc. Từ ngày có HTX, các hợp đồng tiêu thụ nông sản ngày càng nhiều. Hiện HTX có hợp đồng cung cấp dưa leo với sản lượng 20-30 tấn/ngày cho Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu G.O.C, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang); ký hợp đồng tiêu thụ tại TP Hà Nội cũng như các tỉnh miền Trung...
Mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 7 nghìn tấn nông sản, chủ yếu là dưa leo, khoai tây, khoai sọ, hành... cho người dân trong xã và các địa phương lân cận, trong đó có hơn 50% là dưa leo. “Chúng tôi lựa chọn tên gọi là HTX Dưa leo quê Lục Nam nhằm nhắc nhở mỗi thành viên về xuất phát điểm của mình, đồng thời quảng bá sản phẩm riêng của địa phương đến với khách hàng. Sản phẩm càng đi xa, quê hương chúng tôi càng được nhiều người biết đến", anh Tình cho biết.
Ước mơ đưa nông sản xuất ngoại
Câu chuyện của tôi với anh Hoàng Ngọc Tình thỉnh thoảng lại bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại đặt hàng. Sau mỗi lần nghe máy, anh cẩn thận ghi lại thông tin những đơn hàng có thể cung ứng được, đồng thời xin lỗi khi không thể có sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.
- Ngoài các đối tác đã ký kết hợp đồng bao tiêu, anh đã đưa được sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại chưa?
![]() Với 250 ha diện tích trồng màu, những năm qua nông dân trong xã đã duy trì hiệu quả các mô hình sản xuất, trong đó có dưa leo. Trước đây, các hộ dân đều phải chủ động tiêu thụ sản phẩm làm ra nên không ổn định. Từ khi HTX Dưa leo quê Lục Nam được thành lập, đứng ra tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tình trạng "được mùa rớt giá" đã không còn, đời sống người dân khấm khá hơn".
Ông Đào Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú |
Nghe câu hỏi của tôi, giọng anh Tình trầm hẳn xuống. Anh bộc bạch: Thực tế, dù số lượng hàng đối tác yêu cầu không giới hạn song đến nay các sản phẩm của HTX mới chỉ bán cho các doanh nghiệp chế biến cũng như tiêu thụ tại các chợ truyền thống.
Việc đưa vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại vẫn phải “mượn danh” các doanh nghiệp khác bởi HTX chưa có nhà màng, nhà lưới cũng như khu vực sơ chế, bảo quản sản phẩm.
Nói rồi anh kể, để từng bước đưa sản phẩm "dưa leo quê Lục Nam" vào hệ thống bán lẻ hiện đại, năm 2021, HTX Dưa leo quê Lục Nam đưa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Năm nay, HTX tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 35 ha đồng thời đầu tư kinh phí làm bao bì, nhãn mác để tham gia nâng sao cho sản phẩm này.
Đặc biệt, HTX đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 5 nghìn m2 nhà màng, nhà lưới cùng khu sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm rộng 2 nghìn m2. Chủ trương được chấp thuận, ngay trong năm nay, HTX sẽ bố trí khoảng 5 tỷ đồng để triển khai.
“Chất lượng sản phẩm dưa leo quê Lục Nam đã được khẳng định khi sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tuy nhiên tôi luôn trăn trở phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để có thể chính danh đi vào hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại, xa hơn là xuất khẩu. Đây được coi là hướng đi lâu dài, hiệu quả, không chỉ làm giàu mà còn góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn”, anh Tình chia sẻ.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)