Ai về Yên Thế hôm nay
Du khách dự Lễ hội Yên Thế ngày 16-3-2017. Ảnh: Trần Anh. |
Huyện Yên Thế có mạng lưới giao thông thuận lợi với Quốc lộ 17 chạy qua, cùng nhiều tuyến đường thông suốt nối các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn và nhiều huyện lân cận. Phát huy truyền thống quê hương Đề Thám anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Thế đã không ngừng phấn đấu, tạo nên điểm sáng trong phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa và du lịch.
Vùng đất thượng võ, giàu truyền thống cách mạng
Trên mảnh đất Yên Thế Anh hùng còn ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa oanh liệt nhất, bền bỉ nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo - đó là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế chống lại thực dân Pháp kéo dài gần 30 năm (1884-1913), dưới sự lãnh đạo của người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Khởi nghĩa Yên Thế năm xưa làm chậm quá trình xâm lược và bình định của thực dân Pháp, đến hôm nay và mai sau vẫn là minh chứng thép về lòng yêu nước, ý chí, sức mạnh to lớn của nhân dân.
Giá trị lịch sử to lớn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế được lưu lại thành một quần thể di tích, được chính quyền và người dân nơi đây trân trọng, gìn giữ và tôn tạo. Hệ thống đồn Phồn Xương, đền Thề, đồn Hố Chuối, đồn Hom, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai là 9 điểm trong tổng số 23 điểm di tích khởi nghĩa Yên Thế đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1984), Bộ Văn hoá- Thông tin (này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định cho phép địa phương tổ chức Lễ hội Yên Thế hàng năm vào ngày 15, 16, 17- 3 dương lịch. Cùng với Lễ hội Xương Giang (mùng 5-6 tháng Giêng), Hội Yên Thế là một trong hai lễ hội lịch sử lớn nhất của tỉnh Bắc Giang, thu hút hàng vạn người dân, du khách tham dự. Năm 1997, Yên Thế vinh dự là một trong những huyện đầu tiên của cả nước được đón nhận danh hiệu ''Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân'' thời kỳ chống Pháp.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế
Thực hiện công cuộc đổi mới, trong khi nhiều địa phương trên cả nước gặp không ít khó khăn, lúng túng thì Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Thế đã xác định kinh tế nông- lâm nghiệp là hướng đi chủ yếu trong phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, từ hướng đi này đã đưa huyện miền núi đặc biệt khó khăn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 8,5%/năm.
Giới thiệu đặc sản rượu Xuân Lương, Yên Thế. Ảnh: Trần Anh. |
Là địa phương có địa hình đa dạng, nhiều sông suối, Yên Thế có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế nông- lâm nghiệp. Với 48% tổng diện tích đất lâm nghiệp, Yên Thế có thế mạnh rất lớn trong việc phát triển nghề trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gà đồi. Từ nhiều năm nay, Yên Thế trở thành huyện có quy mô tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc, duy trì từ 4 đến 4,2 triệu con, giá trị sản xuất đạt trên 1000 tỷ đồng/năm. Sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường nông sản hàng hóa của cả nước. Tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt trên 65%, từng bước trở thành ngành sản xuất chính với 1.400 trang trại, gia trại cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/trang trại, gia trại/năm, tạo việc làm ổn định và thu nhập khá cho hàng nghìn lao động địa phương.
Bên cạnh chăn nuôi, kinh tế lâm nghiệp cũng có nhiều khởi sắc. Yên Thế là huyện thực hiện tốt nhất chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và độ che phủ của rừng cao hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh và cả nước. Diện tích rừng trồng mới tập trung toàn huyện 5.218 ha và gần 1,6 triệu cây phân tán, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 40%. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác ước đạt 55 triệu đồng/năm, mỗi năm cho tổng thu nhập từ rừng của toàn huyện khoảng 143 tỷ đồng. Cùng với kinh tế lâm nghiệp, Yên Thế tiếp tục khai thác thế mạnh vườn đồi. Trên những tầng đất dày màu mỡ, từng đồi cam chín mọng vàng ươm, những vườn bưởi Diễn sai trĩu quả xen lẫn những nương chè mơn mởn, uốn lượn quanh những vạt rừng xanh biếc… tạo nên bức tranh sống động của một vùng quê đang trên đà đổi mới.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Cứ đến tiết thanh minh hàng năm, hàng vạn lượt người từ khắp nơi lại hân hoan trẩy hội Yên Thế, dâng nén hương thơm tại đền Thề tưởng nhớ người anh hùng Hoàng Hoa Thám cùng hàng nghìn nghĩa sĩ. Đến với Lễ hội Yên Thế, du khách được tham quan khu di tích, vừa được tham gia nhiều hoạt động văn hoá trong lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc như: Thi chọi dê, võ - vật cổ truyền, cờ vua, cờ người, bắn nỏ, biểu diễn võ sáo, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, nấu cơm gánh … Bên cạnh đó, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi người đẹp mặc trang phục dân tộc đẹp và nhiều hoạt động văn hoá- thể thao khác cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng cho mỗi mùa lễ hội.
Trò chơi bịt mắt bắt lợn rừng ở các lễ hội xuân Yên Thế. Ảnh: Trần Anh. |
Với tổng số 120 di tích, trong đó có 9 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, 7 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh, cùng với địa hình đa dạng, nhiều sông, suối, Yên Thế đã và đang mở ra cơ hội cho nhiều tour, tuyến “Du lịch về nguồn”, gắn liền phát triển du lịch tâm linh và du lịch sinh thái.
Ý kiến bạn đọc (0)