Yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, đề cập đến nội dung trên, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nhưng là sự phát triển mang tính đột phá.
Những đột phá là gì? Đó là, đưa mọi hoạt động lên môi trường số toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoàn toàn mới. Thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống. Chuyển đổi số càng dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên và công nghệ phát triển.
Chuyển đổi số làm cho những người nghèo nhất có thể tiếp cận với những dịch vụ tốt nhất nhưng với giá rất rẻ. Đồng thời mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thúc đẩy mọi người có thể kinh doanh và làm giàu.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 4/5/2019 về phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Trong đó, chỉ đạo phát triển CNTT là một yếu tố quan trọng bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công; xây dựng nguồn nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nhờ vậy, kết quả về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, phát triển giáo dục đào tạo.
Có thể nhận thấy, nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT mà thời gian qua kết quả giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh bình quân hằng năm trả sớm và đúng hạn đạt hơn 99%; tỷ lệ hài lòng của người dân khi giao dịch đạt hơn 99%.
Còn về lĩnh vực giáo dục, một trong những giải pháp đột phá, hiệu quả được ngành giáo dục Bắc Giang lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy.
Xác định chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết hiện nay, tỉnh đề ra giải pháp đó là, tổ chức phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Các cấp, các ngành tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của ngành mình, cấp mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Người đứng đầu các ngành, các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số; phải xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, coi đó là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng tỉnh Bắc Giang.
Xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số. Chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình về chuyển đổi số.
Ý kiến bạn đọc (0)