Yên Thế: Chấn chỉnh vi phạm, đưa hoạt động bến thủy vào nền nếp
Cầu cảng tập kết than của gia đình ông Trần Văn Quý, tổ dân phố Xuân Lan, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) đã dừng hoạt động và thuộc diện buộc phá dỡ. |
Có mặt tại thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) ngày 16/9, chúng tôi nhận thấy toàn bộ các bến, bãi ở đây đều không hoạt động, việc vận chuyển hàng hóa, bốc xếp, xuống hàng... tạm dừng theo đúng yêu cầu.
Được biết, sông Thương chảy qua huyện Yên Thế có chiều dài khoảng 7 km nhưng các bến thủy nội địa chỉ tập trung ở khu vực thị trấn Bố Hạ do có lợi thế mực nước sâu, có thể cho tàu thuyền có tải trọng đến 1 nghìn tấn hoạt động, giao - nhận hàng, neo đậu...
Khu vực cửa dây chuyền vận chuyển than xuống tàu thuyền tại cầu cảng của gia đình ông Trần Văn Quý. |
Hơn nữa, khu vực này là điểm trung chuyển hàng hóa lâm sản (gỗ dăm), vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá), khoáng sản (than)... cho không chỉ Bắc Giang mà còn tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên. Vì vậy hoạt động vận tải nhộn nhịp, đặc biệt là bằng đường sông với lợi thế cước phí rẻ, khối lượng lớn.
Thấy được lợi nhuận lớn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã thuê đất, đầu tư xây dựng bến bãi dọc sông Thương, tuy nhiên do hoạt động khi chưa được phép, trái phép nên gây ra nhiều vấn đề nhức nhối về công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bến thủy nội địa, dòng chảy của sông Thương, môi trường...
Hiện nay, toàn bộ các bến thủy nội địa trên địa bàn thị trấn Bố Hạ đã dừng hoạt động. |
Ông Thân Nhân Khuyến, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Thế cho biết, qua rà soát ở thị trấn Bố Hạ có 15 bến bãi, trong đó chỉ có 1 đơn vị có giấy phép là Công ty cổ phần cảng Thái Hưng nhưng hiện giấy phép đã hết hạn, còn lại 14 bến, bãi không có giấy phép.
Hầu hết các bến này đều chưa phù hợp với quy hoạch chung của thị trấn Bố Hạ và vùng phụ cận, chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất hoặc đang trong quá trình xin phép gia hạn chủ trương đầu tư.
Đáng chú ý là bãi chứa cát sỏi và 1 cầu cảng của ông Vũ Văn Bắc; 2 cầu cảng tập kết than để chuyển xuống tàu thuyền của ông Trần Văn Quý do không phù hợp với quy hoạch chung đã bị huyện yêu cầu phá dỡ. Ngoài ra còn một số cơ sở do quá gần khu vực lấy nguồn nước mặt của Trạm xử lý nước sạch thị trấn Bố Hạ, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng nước nên cũng nhận được yêu cầu dừng hoạt động.
Các bến bãi ven sông Thương thuộc thị trấn Bố Hạ đều vi phạm về sử dụng đất, xây dựng. |
Qua nắm bắt hồ sơ, phóng viên Báo Bắc Giang nhận thấy toàn bộ các bến bãi trên địa bàn thị trấn Bố Hạ xây dựng trên đất nông nghiệp của các hộ dân mà chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc đất công ích ngoài đê sông Thương chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. 15/15 bến bãi đều vi phạm các quy định về xây dựng, môi trường, hoạt động đường thủy nội địa; hầu hết là tự phát.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Hạ Phương, đơn vị có một bãi chứa cát sỏi và một cầu cảng tập kết than, thừa nhận doanh nghiệp tiến hành các hoạt động san lấp, xây dựng cầu cảng khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng. Ngay sau khi nhận được thông báo của UBND huyện Yên Thế và thị trấn Bố Hạ, Công ty đã chấp hành dừng mọi hoạt động.
Với nhiều lợi thế, hoạt động vận tải đường thủy ở khu vực thị trấn Bố Hạ rất cần các sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Yên Thế, thị trấn Bố Hạ hướng dẫn về quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. |
Qua sự việc này có thể thấy công tác quản lý hoạt động bến thủy nội địa của UBND huyện Yên Thế và UBND thị trấn Bố Hạ còn nhiều hạn chế, để các trường hợp vi phạm kéo dài. Thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý vi phạm trong chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, đê điều, tài nguyên, môi trường.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu chính đáng, thực tế về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đề nghị các sở, ngành của tỉnh và huyện Yên Thế, thị trấn Bố Hạ kịp thời hướng dẫn, tạo điều kiện giúp các chủ bến bãi hoàn thiện thủ tục, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc (0)