Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập: Không để chậm tiến độ vì mặt bằng
Tập trung thi công
Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập gồm: Cải tạo, sửa chữa 11 hồ chứa; tổng mức đầu tư hơn 224,6 tỷ đồng tương đương khoảng 9,99 triệu USD từ nguồn vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện giai đoạn 2016-2022.
Hồ Bầu Lầy, xã Trù Hựu vẫn còn đường và nhà quản lý chưa thi công. |
Dự án có 3 hồ không phải giải phóng mặt bằng (GPMB) gồm: Khe Đặng; Khe Chão (Sơn Động); Làng Thum (Lục Ngạn), các hồ còn lại thuộc huyện Lục Ngạn (Bầu Lầy, Đồng Man); Lục Nam (Khe Ráy, Khe Cát, Ba Bãi, Chùa Ông); Yên Thế (Chồng Chềnh, Chín Suối) phải GPMB. Ngay khi được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã tập trung nhân lực thi công.
Tại công trình sửa chữa hồ Khe Ráy, xã Nghĩa Phương (Lục Nam), cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Xây dựng Hải Long (đơn vị trúng thầu) cho biết, đến nay các hạng mục chính đã hoàn thành gồm: Gia cố mái thượng lưu, hạ lưu đập chính, cống lấy nước khối lượng thực hiện đạt khoảng 98%.
Hiện nay, đơn vị đang hoàn thiện nhà quản lý và đổ bê tông đường quản lý vận hành, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9. Hồ Làng Thum, xã Quý Sơn; hồ Khe Đặng, xã Vĩnh An sắp thi công xong, chuẩn bị bàn giao sử dụng. Hồ Bầu Lầy, xã Trù Hựu đang thi công mái hạ lưu đập chính; hạ lưu đập phụ số 4, tràn xả lũ.
Bên cạnh các công trình đạt tiến độ cao vẫn còn một số hạng mục của dự án chưa thể thi công như: Nhà quản lý, đập phụ số 3, đường quản lý của hồ Bầu Lầy. Hồ Đồng Man, xã Biển Động mới hoàn thành xử lý mối thân đập, cống lấy nước và đắp hoàn thiện đập đất; đang khoan phụt chống thấm đập đất, xây lát đá mái hạ lưu đập đạt 50%; còn lại tràn xả lũ, nhà quản lý, đường quản lý chưa thi công được. Ngoài ra, việc thi công xây dựng các hồ Chùa Ông, Ba Bãi, Khe Cát có nguy cơ không bảo đảm kế hoạch.
Tạo sự đồng thuận của người dân
Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do vướng về mặt bằng. Các địa phương liên quan chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện. Đặc biệt, huyện Lục Nam, Lục Ngạn chưa phê duyệt xong phương án GPMB để chi trả tiền cho người dân và bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho nhà thầu.
Nhà thầu tập trung thi công đường quản lý hồ Khe Ráy, xã Nghĩa Phương (Lục Nam). |
Riêng hồ Đồng Man, xã Biển Động còn công trình nhà quản lý chưa xây dựng là do hộ ông Hoàng Văn Pảo không đồng ý giao đất. Chủ đầu tư, lãnh đạo xã Biển Động và Ban quản lý thôn đã nhiều lần gặp gỡ, vận động nhưng gia đình chưa đồng ý. Diện tích cần thu hồi để làm nhà quản lý theo trích lục bản đồ khoảng 946 m2.
Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập gồm: Cải tạo, sửa chữa 11 hồ chứa; tổng mức đầu tư hơn 224,6 tỷ đồng, tương đương khoảng 9,99 triệu USD từ nguồn vốn ODA và vốn đối ứng của tỉnh; thời gian thực hiện giai đoạn 2016-2022 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. |
Ông Nguyễn Hữu Luyện, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Lục Nam lý giải, diện tích GPMB không lớn nhưng việc xác định nguồn gốc đất, quy chủ gặp nhiều khó khăn.
Quá trình trích lục bản đồ cho thấy, các thửa đất thu hồi hiện trạng sử dụng đang sai lệch so với bản đồ địa chính. Tại đập Ba Bãi, bản đồ đo bao gồm cả khu của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam mất nhiều thời gian xác định diện tích thu hồi cụ thể từng thửa đất.
Tại đập Khe Ráy, xã Nghĩa Phương, hộ dân thôn Mương Làng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn vào chân đập, ban đầu xác định là đất thủy lợi do UBND xã quản lý, do vậy khi lập hồ sơ đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch sử dụng đất thiếu khoảng 2.000 m2. Một số thửa đất rừng sản xuất, đa số người dân trồng cây vượt mật độ quy định nên phải nhiều lần xin ý kiến về việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ.
Còn nhà quản lý hồ Bầu Lầy, xã Trù Hựu cũng chưa được thi công vì gia đình ông Leo Văn Ba và đơn vị quản lý hồ đang có tranh chấp đất. Hiện đơn vị quản lý hồ đã có văn bản gửi UBND huyện Lục Ngạn và UBND xã Trù Hựu đề nghị xác minh diện tích đất trên. Mặt khác, thời tiết các tháng trong quý III có nhiều ngày mưa nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công các hồ. Dịch Covid-19 cũng tác động lớn đến huy động công nhân làm việc.
Theo ông Nguyễn Bình Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh (đại diện chủ đầu tư), thời gian thực hiện hợp đồng đối với các hồ tại huyện Lục Nam đến 5/10/2021, các hồ tại huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động đến giữa tháng 12/2021.
Do đó, thời gian thực hiện theo hợp đồng còn ít, nếu để chậm tiến độ sẽ không thể giải ngân vốn. Do đó, Ban đang gấp rút cùng các địa phương gỡ khó trong GPMB, phấn đấu bàn giao cho nhà thầu vào đầu tháng 10 và đôn đốc tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bố trí nguồn vốn đối ứng để có đủ kinh phí chi trả bồi thường GPMB khi có phương án được duyệt.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tập trung cao GPMB. Huyện vừa phê duyệt giá để lập phương án bồi thường GPMB khu vực hồ Bầu Lầy, hồ Đồng Man liên quan đến 30 hộ. Riêng 1 hộ tại thôn Đồng Man tiếp tục được vận động đồng thuận, phấn đấu GPMB cho dự án xong trong tháng 9.
Huyện Lục Nam chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp, thống kê, rà soát lại toàn bộ diện tích và cơ cấu đất thu hồi cụ thể ở từng xã để thực hiện dự án; lập hồ sơ đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp; phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành GPMB trong tháng 10/2021.
Bài, ảnh: Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)