Xã Vô Tranh (Lục Nam): Đổi thay từ nguồn vốn 135
Những công trình mới
Ngồi trong nhà văn hóa mới được xây dựng khang trang, ông Đào Văn Đối, thôn Bãi Gạo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vô Tranh nhớ lại: “Cách đây chưa lâu, mọi sinh hoạt cộng đồng trong thôn gặp khó khăn do nhà văn hóa xuống cấp. Nhiều cuộc họp, sự kiện của thôn phải hoãn do trời mưa, nhà văn hóa bị dột”. Tuy nhiên mọi sự đã thay đổi khi năm 2019 xã nhận được nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135. Trực tiếp thụ hưởng nguồn vốn này, thôn Bãi Gạo đã ưu tiên xây dựng nhà văn hóa với kinh phí 500 triệu đồng. Sau hơn hai tháng khởi công, cuối năm 2019, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo nơi sinh hoạt, hội họp cho người dân trong thôn.
Nhà văn hóa thôn Bãi Gạo vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng. |
Chung niềm vui đó, mới đây thôn Ao Sen hoàn thành đổ bê tông tuyến đường chính. Là thôn xa trung tâm xã, việc đi lại của bà con vốn rất khó khăn do đường đất, ngày nắng thì bụi, hôm mưa lầy lội, rất khó đi. Vào mùa thu hoạch cây ăn quả, việc vận chuyển, tiêu thụ gặp khó khăn gấp bội, nhiều khi bị tư thương ép giá. Vẫn là các loại hoa quả do bà con làm ra, chất lượng như nhau nhưng giá bán tại thôn luôn thấp hơn nhiều so với khu vực trung tâm xã. Với phương châm “đường thông, mọi việc mới thông”, năm 2019, được tiếp nhận nguồn vốn từ Chương trình 135, thôn Ao Sen đã đầu tư cứng hóa tuyến đường bê tông với kinh phí gần 400 triệu đồng. Theo đó, việc đi lại của người dân trong thôn ra tỉnh lộ 293, đi huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và ra cảng Mỹ An (Lục Ngạn) rất thuận lợi.
Năm 2019, giá trị thâm canh đất nông nghiệp của Vô Tranh đạt 90 triệu đồng/ha, tăng hơn 10% so với năm trước; doanh thu từ cây có múi tiếp tục tăng trưởng đạt 3,5 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo của Vô Tranh còn hơn 16%, giảm hơn 10% so với năm 2018. |
Cách làm của xã Vô Tranh là để phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135, trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân, xã lựa chọn những công trình có tính cấp thiết để đầu tư xây dựng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát”. Nhờ đó, hầu hết công trình sau khi được xây dựng đều phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã Vô Tranh đã đầu tư xây dựng 5 công trình với kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Phát huy lợi thế
Theo ông Trần Văn Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh, mặc dù còn nhiều khó khăn song địa phương xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH. Không kể tỉnh lộ 293 đi qua địa bàn xã, từ lợi thế của những công trình cơ sở hạ tầng, nhiều chủ trương phát triển kinh tế, đa dạng hóa sinh kế, chăm lo đời sống văn hóa cho nhân dân được Đảng ủy, UBND xã triển khai thực hiện có hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân được quan tâm qua việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Năm 2019, giá trị thâm canh đất nông nghiệp của xã đạt 90 triệu đồng/ha, tăng hơn 10% so với năm trước; doanh thu từ cây có múi đạt 3,5 tỷ đồng. Với lợi thế diện tích đất lâm nghiệp lớn, công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng được quan tâm, năm qua toàn xã trồng mới 150 ha rừng kinh tế bằng giống mới cho hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu từ lâm nghiệp năm 2019 đạt hơn 16 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ khai thác rừng kinh tế và các cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Kinh tế khởi sắc, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước nâng lên. Năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 16%, giảm hơn 10% so với năm trước.
Được biết, năm 2020, trên cơ sở hơn 1 tỷ đồng được phân bổ, UBND xã triển khai lấy ý kiến nhân dân, ưu tiên xây dựng các hạng mục thiết yếu, cứng hóa đường giao thông nông thôn. Đây là yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách với các xã vùng thấp và khu vực trung tâm huyện Lục Nam.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc (0)