Vượt núi
Tưởng đến đứt hơi, tôi mới tới lán bỏ không ở chênh vênh núi. Rất lạ, không như tôi mường tượng, Bãi Cao là bãi đất ở trên đỉnh núi cao chót vót có tên là Cóc. Núi Cóc. Phải, cái tên gọi con vật xấu xí nhưng gan lì. Càng lạ, Bãi Cóc không một bụi cây mà toàn là cỏ mịn màu vàng nhạt, nhưng rải rác có nhiều tảng đá với những hình thù kỳ dị, có tảng đá trông gớm giếc không khác gì quái vật. Có mấy tảng đá ngả nghiêng như chực đổ. Có dăm bảy khối đá rỗng méo mó tạo nên những cổng chào. Lại có một tảng đá nhẵn nhụi đầu nhọn hoắt y như mũi tên dựng đứng. Khác trên đỉnh, quanh núi dày đặc cây toàn là keo, xuống phía dưới là cây ăn quả. Nghe gần xa tiếng chim ríu rít và róc rách nước chảy. Dưới chân núi là bản Sầy người Nùng với hơn hai chục nóc nhà. Tôi đã nghỉ chân ở một gia đình trước khi lên núi này.
Minh họa: TQ. |
Lán được dựng như kiểu nhà sàn cạnh một cây hoang dã, có thang lên xuống. Tường là phên nứa. Sàn là những tấm gỗ ghép lại. Ngay bậc cửa treo lủng lẳng một thanh sắt. Không hiểu lán này ở đây có dụng ý gì. Chủ nhân nó thì tôi đã được biết qua một người trong bản.
Qua hàng cây thưa thớt trước mặt, tôi nhìn thấp thoáng một người chậm chạp đi lên. Hẳn là cụ Vượt, chủ lán này? Cụ dần dần đi tới. Đó là cụ già gầy guộc, tóc bạc phơ, đeo túi thổ cẩm, áo chàm, quần xanh, đi giày vải.
Tôi xuống bậc thang đón cụ. Cụ dửng dưng nhìn tôi chỉ khẽ gật đầu khi tôi lễ phép chào rồi lẳng lặng lên bản. “Lên đây ngắm cảnh à”. Cụ hỏi khi lơ đãng nhìn máy ảnh tôi đặt trên ba lô. “Cảnh đẹp đấy, chụp nhiều vào”, Cụ mở túi vải lôi ra chai rượu và chai nước uống.
- Cụ là người ở đây ạ?
- Không. Dưới xuôi
- Dạ, tỉnh nào ạ?
- Thái Bình. Tôi ở huyện …
Đang nói, cụ dừng chỉ tay về phía dưới chỗ đầu bản đang có một đoàn bộ đội đeo ba lô khoác súng hành quân. Cụ khẽ thở dài, cúi gằm.
- Cụ cũng là lính chống Mỹ chứ?
- Phải - cụ rót ra hai chén rượu bảo tôi uống - rượu ngon đấy - Cụ nhấc chén lên rồi lại đặt xuống, trầm ngâm - Buồn lắm, đừng nhắc nữa.
Tôi bị kích thích bởi câu nói ấy. “Đừng nhắc nữa”. Chả lẽ đó là chuyện thời chống Mỹ? Hẳn là cụ có điều gì uẩn khúc đè nén trong lòng.
Im lặng một lúc, cụ khẽ khàng:
- Chuyện là thế này…
Vậy là thay vì lên Bãi Cao đi dạo ngắm nghía, tôi nghe cụ kể…
*
* *
Cách đây hơn năm chục năm, chàng trai Sang - chính là cụ Vượt bây giờ - đeo ba lô đá, lủng lẳng khẩu súng AK lúc quàng trước ngực, lúc vác trên vai, hành quân qua những con suối, men theo sườn núi trong những ngày huấn luyện tân binh ở một vùng cao như ở chỗ núi Cóc này.
Ngày tiễn con nhập ngũ, ông Sung ân cần:
- Đã đi là phải hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống gia đình và quê hương. Nhớ đấy.
Sang toét miệng cười, oang oang:
- Bố yên tâm, con đi một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực.
- Không có nói xanh cỏ mà chỉ có đỏ ngực.
Ông Sung là lính từ thời chống Pháp đã qua chiến dịch Biên giới và Điện Biên. Khi xuất ngũ ông là xã đội trưởng và mấy năm sau là Chủ tịch Ủy ban, hiện là Bí thư Đảng ủy xã. Bà Hòa đứng sau lưng chồng nước mắt đầm đìa khiến ông phát bực.
Sang đã ba năm ở chiến trường hết Tây Nguyên đến Quảng Đà, mấy lần tưởng là xanh cỏ. Những lá thư anh gửi về gia đình cứ thưa dần rồi biệt tăm. Điều mà Sang ám ảnh suốt mấy năm trời ở mặt trận là tận mắt nhìn đồng đội chết ngay cạnh mình. Đó là Đông- mười chín tuổi, mặt non choẹt, lém lỉnh nhất trung đội bị dính bom. Hôm ấy Sang và Đông cùng ở chiến hào trong trận phục kích địch. Sang đang ngồi thì có lệnh đi gặp đại đội trưởng. Anh đi một lúc thì máy bay địch thả bom. Khi anh quay lại đã thấy xác Đông trước mặt. Rồi Lễ mặt đầy sẹo, chân tay lẻo khoẻo, nhanh như sóc cùng ở chung căn hầm với Sang. Lại một trận pháo kích và loạt bom địch, Hầm bị xới, đất đổ ập. Lũ lính ngụy ùa đến. Lễ và Sang bị lôi lên và dẫn tới một nơi. Tên lính gí súng vào Lễ bảo khai ngay đơn vị đang mai phục. Lễ trừng mắt lắc đầu. Lập tức tên lính nổ súng. Lễ gục ngay cạnh Sang.
- Còn thằng này có nói không? - Tên lính chống súng hất hàm nhìn Sang.
- T … ô … i - Sang lắp bắp - T … ô … i…
Ngay sau đó, anh bị địch đưa về Sài Gòn.
Sau năm tháng giải phóng Sài Gòn, anh lủi thủi trở về quê khi đã mãn hạn cải tạo không giam giữ của Ủy ban Quân quản thành phố. Chộn rộn, háo hức, sung sướng đi cùng với buồn lo. Về tới đầu xóm, anh gặp đôi ba người quen.
- Sang vừa về đấy à?
- Cứ tưởng …
- Bộ đội gì mà béo trắng thế, chẳng bù cho Tường và Vinh.
- Thế mà có người báo…
Lạ. Những câu nói hờ hững, lấp lửng. Những ánh mắt dò hỏi, nghi ngờ. Tuyệt nhiên không có sự vồ vập, ân cần, niềm nở, hân hoan. Chẳng lẽ…
Mẹ anh hình như có người mách trước đã chạy bổ từ trong nhà khi anh vừa tới sân. “Giời ơi, con t…ô…i…”.
Bà òa ra khóc. Bố anh vẫn ngồi im trong nhà.
- Bố. Sang nghẹn giọng.
Ông Sung đưa đôi mắt lạnh lùng nhìn con, khẽ gật đầu rồi lẳng lặng vào nhà trong…
Cụ Vượt dừng kể, nhâm nhi chén rượu trên tay, nhìn ra phía cầu thang. Đôi mắt già nua như hướng về cõi xa xăm nào đấy. Gương mặt lúc này càng trông khắc khổ. Mới vào tuổi bảy sáu trông cụ như người đã ngoài tám mươi.
“Cho tới lúc chết tôi vẫn không thể quên đôi mắt hôm đó của người cha. Nhiều đêm đôi mắt ấy bồng bềnh, trôi nổi trước mặt tôi, cứ nhìn chằm chằm khiến tôi lạnh toát người. Hôm bố tôi mất, tôi đã quỳ lạy trước ảnh cha, khóc xin bố tha tội. Phải, tôi là thằng con đốn mạt, một đứa ô nhục, một thằng phản bội, nhơ nhuốc…” - Giọng cụ càng về cuối nghe phều phào như làn gió thoảng. Bao ngày tôi sống thui thủi ở nhà, chẳng dám ra khỏi xóm. Tôi cứ như có quả núi trong ngực. Quả núi vô hình ấy ám ảnh suốt ngày đêm. Tôi bỗng trở nên lầm lì, cô đơn càng thấy buồn chán. Anh không biết đâu và cũng chẳng thấu đâu. Người ta qua nhà chí nói cho tôi nghe rồi lại có người kể cho mẹ tôi. Nhục lắm anh ạ.
- Bố là Bí thư Đảng ủy, con lại là lính chiêu hồi.
- Ông Sung có còn làm Bí thư đâu.
- Thì lúc nó đi, ông ấy chả là Bí thư đó thôi.
- Các bà này, giờ gọi thằng Sang là bộ đội, là quân giải phóng hay gọi là lính ngụy.
- Làng mình là làng kháng chiến kiểu mẫu, có anh hùng quân đội, hai chiến sĩ thi đua toàn quân lại nảy ra cái thằng phản quốc, phản phúc.
- Ông Sung thì nay hết nói phét.
- Thằng Sang chắc là giàu lắm…
Cụ Vượt buồn bã nhìn tôi, uống cạn chén rượu, mặt đờ đẫn.
Đúng là Sang bị địch đưa vào Bộ Dân vận và chiêu hồi sau khi đã dùng nhiều cách kiểm tra. Anh chỉ loanh quanh làm việc vặt ở đó độ một tháng rồi chúng gần như không để ý vì đang cuống cuồng hỗn loạn từ chiến trường sau khi quân ta giải phóng Đà Nẵng, ồ ạt tiến về Sài Gòn.
Thực sự tôi chỉ có vậy nhưng người làng, người xã lại hiểu khác. Ấy là do Lĩnh cùng đơn vị với tôi trở về quê xưng xưng bịa chuyện rằng tôi ngồi trên máy bay trực thăng kêu gọi cán binh cộng sản về với chính nghĩa quốc gia, rằng tôi chỉ điểm chỗ đóng quân của Trung đoàn và đủ thứ chuyện mà tôi không thể biết được. Tiếc là Lĩnh đã đưa vợ con vào Nam sinh sống trước khi tôi về quê. Anh ta cũng vừa mất…
“Tôi rơi vào bế tắc dẫu càng về sau người làng cũng chẳng để tâm đến chuyện của tôi. Chỉ có tôi tự hành hạ mình. Nhưng một hôm…”. Phải, hôm ấy Sang có việc đến thị trấn. Anh gặp một chủ quán sửa chữa xe đạp là thương binh nặng cụt một chân, một cánh tay. Vợ anh thọt một chân, gầy như cá mắm. Anh phải nuôi hai con nhỏ. Cảnh sống là vậy nhưng anh rất xởi lởi, tếu táo trước sự ngạc nhiên của Sang.
- Ai cũng có nỗi khổ riêng sau chiến tranh nhưng phải biết vượt lên. Người ta hơn nhau ở chỗ nghị lực.
“Phải biết vượt lên”. Câu nói ấy bỗng chốc bừng tỉnh đầu óc u mê bấy lâu của Sang. Ừ, vượt, phải vượt. Tự dưng anh nghĩ tới tương lai…
Anh đến Ủy ban xã gặp ông bác họ là Ủy viên Thư ký…
- Bác cho cháu đổi tên, không phải là Sang nữa, mà là Vượt.
- Ô hay, tên đang đẹp lại lấy tên xấu xí. Sang là giàu sang phú quý, là sang trọng chứ Vượt có ý gì?
Sang giọng dứt khoát.
- Cháu muốn vượt lên nỗi đau của mình:
Ông Ủy viên nhìn đăm đăm vào đứa cháu bất hạnh.
- Thôi thì bác cũng theo ý cháu. Đúng ra xã không có quyền làm việc này mà phải qua huyện.
Tuy vậy trong các giấy tờ, ông Ủy viên vẫn cẩn thận ghi: Lê Văn Vượt (tên cũ là Sang). Vậy là Sang nhường lại cho em trai nhà cửa, đất đai lặng lẽ lên một huyện vùng cao của tỉnh. Đó là giữa năm 1980. Anh đã hỏi nhiều người chạy chợ ở huyện Thạch An và cuối cùng sau bao ngày mò mẫm tìm tòi đã quyết định đến xã Tú Sơn nơi xa nhất huyện lỵ, chỉ có suýt soát nghìn dân toàn là người Nùng, Dao ở rải rác chín bản. Ông Chủ tịch Ủy ban xã người Nùng ngạc nhiên thấy chàng trai người Kinh đến xin định cư ở nơi hẻo lánh này. Sau khi khó nhọc đọc các loại giấy tờ và hỏi đôi ba câu, ông thủng thẳng:
- Có ở thật không?
- Thật ạ.
- Lâu không?
- Tôi ở cho đến lúc chết.
- Ấy dà, cách đây mười mấy năm cũng có dăm bảy gia đình dưới xuôi lên đây nhưng chỉ ở vài năm rồi lại bỏ về. Xã này nghèo lắm. Sao anh không ở mấy xã phía trên gần huyện?.
- Tôi thích chỗ xa.
Sang nói thật. Anh muốn tránh nơi nhộn nhịp, đông vui để tới một chỗ vắng vẻ, heo hút để tĩnh tâm, không cho ai biết một thời lỗi lầm của mình. Anh muốn vượt quả núi đè nặng trong lòng. Tú Sơn nằm quanh mấy quả núi gần như trọc lốc vì bị dân tứ xứ đến chặt phá. Thời ấy dân ở đâu cũng nghèo. Rừng là nơi mưu sinh hàng ngày. Sang chọn bản Sầy cạnh chân núi Cóc và chẳng bao lâu anh đã tìm được người vợ ưng ý trong bản. Một cô gái Nùng đẹp người đẹp nết.
- Núi đây nhiều keo quá, nhiều hơn núi bên kia - Tôi nói.
- Ờ, trước là trọc lốc thôi, chỉ có một số bụi cây hoang dại. Tôi nghĩ phải mặc áo cho nó. Lúc ấy huyện phát động trồng keo, trợ cấp cả cây giống và ít tiền. Tôi nhận luôn, bảo mọi người trong bản làm theo, nhưng họ không nghe. Vậy là chỉ có mỗi vợ chồng tôi. Mỗi năm trồng một ít, sau năm năm đã nhiều. Bà con thấy vậy cũng dần dần làm theo. Cũng vì keo bán được có tiền sau mấy năm trồng. Cây dày thành rừng, tự dưng suối khô bao năm lại có nước chảy xuống ruộng cả mùa đông.
- Cụ giàu vì keo rồi.
- Cũng nhiều tiền đấy. Quá nửa quả núi bên này là keo của tôi. Không giàu đâu. Tôi chỉ dành ít tiền tiêu thôi còn ủng hộ xã xây trường tiểu học. Nhiều năm tôi gửi tiền về quê để xã tu bổ nghĩa trang liệt sĩ và xây lại trạm xá. Hai con gái tôi đều công tác trên huyện cũng đủ ăn đủ mặc. Vợ chồng tôi chả phải lo nghĩ gì.
- Cụ có hay về quê không?
- Thường thì năm nào tôi cũng về và nếu về thì bao giờ cũng đến nghĩa trang liệt sĩ để thắp nén nhang cúi đầu tạ tội.
Ông quay sang tôi, thủ thỉ:
- Anh biết không, tôi đã vượt qua quả núi bấy lâu trong người. Núi gì hả? Anh cũng biết rồi, còn hỏi làm gì.
Cụ uể oải đứng dậy, nhìn lên Bãi Cao. Tôi đến sau lưng cụ.
- Cụ dựng lán này vừa để nghỉ ngơi, vừa ngắm cảnh…
Cụ ngắt lời:
- Cũng là trông cây, trông nước chảy và cả trông chim nữa. Hơn năm nay ở đây đã có một số người ở đâu đến chặt trộm cây, săn bắt chim và cả tắc kè. Tôi cũng thả một ít tắc kè để lúc về quê tặng mấy anh thương binh trong xóm. Có điều gì xảy ra không tốt trong núi này, tôi sẽ gõ kẻng. Theo quy ước, một số bà con sẽ lên - Cụ vui vẻ vỗ vai tôi - Anh có ra xem suối ở giữa núi không? Nước trong và mát lắm. Có điều nhiều khi nước bị chặn lại do cành cây đổ và lắm lá rụng. Tôi đến ngó qua thế nào.
Tôi khoác ba lô lên. Cụ Vững loay hoay cho mấy chiếc chén và hai chai nhựa vào túi vải.
Cụ và tôi lững thững bước xuống cầu thang. Cũng vừa lúc đó có tốp người từ dưới chân núi hăm hở ngước lên. Có lẽ là đoàn du lịch.
Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc (0)