Vùng đất ấy, tôi yêu
Lục Ngạn là một trong bốn huyện miền núi của tỉnh Hà Bắc trước đây. Trong số 30 xã, thị trấn có 7 xã vùng đèo, muốn lên Sơn Hải, Hộ Đáp phải qua đèo Cạn. Lên Phong Vân, Phong Minh, Tân Sơn phải qua đèo Váng, còn từ Cấm Sơn qua Đồng Mỏ (Lạng Sơn) phải qua đèo Quao, còn lên Xa Lý phải vượt thêm đèo Na Nang.
Một góc thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn). |
Ngày tôi được phân công tuyên truyền về huyện Lục Ngạn, mỗi lần lên 7 xã vùng cao luôn là thử thách đối với đôi chân đạp xe bởi đường đất đỏ bụi, gồ ghề, nhiều đoạn phải dắt xe. Những năm tháng đó, vùng đất này còn muôn vàn khó khăn, đường xá mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi nhuộm đỏ hàng cây bên đường. Đường đến các xã vùng cao có nơi còn phải đi bộ. Thị trấn Chũ chỉ có một cây số đường nhựa. Cả thị trấn chỉ có mấy cửa hàng quốc doanh. Cửa hàng ăn chỉ có phở đậu thay thịt nhưng cũng chỉ bán theo giờ hành chính. Khách bộ hành qua đường, hết giờ đành nhịn đói.
Đúng là có vượt qua khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mới có kỷ niệm đáng nhớ. Ngày ấy, Lâm trường Lục Ngạn chuyên trồng rừng, vùng cao trồng thông, vùng thấp trồng bạch đàn. Từ Quý Sơn, Kiên Lao, Kiên Thành lên đến Kim Sơn, Biển Động, đồi bạch đàn nối tiếp tưởng bất tận. Bạch đàn lá nhỏ, gỗ cứng nhưng đồi trồng bạch đàn đất khô cằn trơ sỏi đỏ.
Các nhà khoa học hồi ấy đã khuyến cáo trồng bạch đàn liễu rất dễ hại đất, sáu, bảy năm mới được chu kỳ khai thác, đời sống người trồng rừng rất khó khăn. Tôi còn nhớ có một cuộc họp toàn huyện, Bí thư Huyện ủy Đỗ Phụng đứng trên bục phát biểu khuyến cáo người dân không tiếp tục trồng bạch đàn. Anh dùng hình ảnh cây bạch đàn đâm thẳng vào dạ dày người dân, làm người dân đói, phải thay đổi thôi.
Còn nhớ anh Đỗ Phụng - người Bí thư Huyện ủy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Hơn 40 năm đã qua, hình ảnh đồng chí Bí thư Huyện ủy dáng thấp đậm, giọng nói sang sảng trong các cuộc họp tôi không thể nào quên. Là người dân tộc Sán Dìu, quê ở xã Nghĩa Phương (Lục Nam) nhưng anh lên công tác ở Lục Ngạn từ hồi kháng chiến chống Pháp.
Trong lần đi thăm công trình thủy lợi Khuôn Nà, anh Đỗ Phụng bảo tôi cùng đi. Ngày đó cả huyện có độc nhất một xe ô tô đít vuông do Rumani sản xuất. Dù xe vào loại “vừa đi vừa đẩy” nhưng đi công trường được ngồi ô tô với Bí thư Huyện ủy là sướng rồi. Nhưng sướng chưa được bao lâu thì anh em lại phải xắn quần, bỏ dép xuống đẩy xe. Do máy yếu, ô tô không bò lên được, anh Đỗ Phụng kêu lái xe vào bản mượn hai con trâu mộng và bộ khoẳn, chão mắc vào đầu xe kéo như... kéo gỗ.
Rồi ngày ấy Lục Ngạn quyết tâm bỏ cây bạch đàn nhưng trồng cây gì thì còn lúng túng. Đúng lúc đó tình hình lương thực ở miền Bắc đang thiếu nghiêm trọng, Chính phủ kêu gọi toàn dân trồng màu, cây lương thực. Hưởng ứng lời kêu gọi, sẵn đất đồi vừa phá cây bạch đàn, Huyện ủy, UBND huyện phát động toàn dân trồng sắn.
Phong trào rầm rộ, tiếng vang lan ra cả ngoài tỉnh. Bác Hữu Thọ, Trưởng Ban Nông nghiệp và bác Trần Minh Tân, cây phóng sự của Báo Nhân Dân về Lục Ngạn tìm hiểu phong trào và cho ra đời tác phẩm: “Cả huyện Lục Ngạn say sắn” đăng trên Báo Nhân Dân. Những năm sau cây sắn cũng làm đất rửa trôi, bạc màu, phong trào trồng sắn xẹp xuống.
Ở Lục Ngạn, hết phong trào nhà nhà trồng sắn lại đến trồng đậu tương xuân khởi nguồn từ Hợp tác xã (HTX) Tân Giáo, xã Tân Mộc. Thời kỳ đó hầu hết đồng đất ở Lục Ngạn chỉ cấy được một vụ lúa mùa. Thu hoạch lúa xong, ruộng bỏ cỏ mọc, dân lên rừng chặt củi về đốt sưởi suốt vụ đông xuân.
Bà con dân tộc Hoa ở Tân Giáo vốn có kinh nghiệm trồng đậu tương vụ xuân ở ruộng. Phong trào từ Tân Giáo lan ra cả xã, mỗi vụ Tân Mộc có hàng chục tấn đậu tương bán cho Nhà nước. HTX Tân Mộc do anh Lý Lỏi Sáng làm Chủ nhiệm trở thành đơn vị tiên tiến, ngọn cờ đầu trong các huyện miền núi của tỉnh Hà Bắc.
Chủ nhiệm Lý Lỏi Sáng được đi dự hội nghị HTX điển hình miền núi phía Bắc. Tại hội nghị, không biết Lý Lỏi Sáng tham luận thế nào mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên tận bục diễn giả ôm hôn anh Sáng và nói: Bao giờ Tân Mộc sản xuất được 100 tấn đậu tương bán cho Nhà nước, Thủ tướng sẽ về thăm.
Dự hội nghị về, anh Lý Lỏi Sáng báo cáo kết quả với lãnh đạo huyện, thế là phong trào thi đua trồng đậu tương xuân lan ra toàn huyện Lục Ngạn và các huyện miền núi trong tỉnh. Vào mùa xuân năm 1982, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm Tân Mộc.
Ngày ấy Lục Ngạn còn có phong trào làm thủy lợi nhỏ ở xã Quý Sơn. Nói đến phong trào toàn dân làm thủy lợi, tôi không thể quên hình ảnh bác Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Quý Sơn, túi dết vải khoác vai suốt ngày bám công trường, động viên bà con chung tay đắp được 40 hồ đập lớn nhỏ, biến ruộng đồng Quý Sơn từ cấy một vụ sang hai vụ một năm. Quý Sơn trở thành vựa lúa của huyện.
Ai đã từng qua Lục Ngạn vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, bây giờ trở lại sẽ ngỡ ngàng trước sự thay đổi kỳ diệu của một huyện miền núi. Thị trấn Chũ bây giờ đường nhựa ngang dọc, phố xá sầm uất, người mua bán tấp nập. Mùa thu hoạch, từng đoàn xe vận chuyển vải thiều đi muôn nơi.
Từ vụ quả năm 2016, vải thiều Lục Ngạn đã bảo đảm đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước, bước đầu làm quen với thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản… Từ cây “xóa đói giảm nghèo”, vải thiều trở thành cây làm giàu cho đồng bào các dân tộc Lục Ngạn.
Để có diện tích vải thiều hàng vạn héc ta, Lục Ngạn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ những năm bảy mươi của thế kỷ XX, nhờ mấy cựu chiến binh quê hương Thanh Hà (Hải Dương) đem cây vải giống lên trồng, không ngờ hợp đất Lục Ngạn, vải phát triển tốt, quả ngọt, thơm.
Lãnh đạo huyện thấy thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp đã phát động phong trào trồng vải thiều. Tuy nhiên do phát triển theo phong trào, chọn giống tùy tiện, khí hậu tiểu vùng thay đổi nên vải thiều năm được, năm thất thu. Hơn nữa, sản xuất chưa gắn với thị trường nên dẫn đến tình trạng “được mùa rớt giá”, có hộ đã phải chặt bỏ vải thiều.
Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện đã liên hệ với Viện Cây ăn quả T.Ư và Trường Đại học Nông nghiệp về giúp cải tạo giống, áp dụng kỹ thuật VietGAP từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch vải thiều. Từ 20 ha làm điểm ở xã Hồng Giang đến nay huyện có hàng nghìn ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất vải thiều sạch, bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng với nâng cao giá trị quả vải, Lục Ngạn còn đa dạng hóa cây ăn quả. Theo ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang, hiện xã vẫn coi vải thiều là cây chủ lực với 570 ha, bên cạnh đó trồng 274 ha cam, bưởi; 20 ha nhãn, cây nọ bù trừ cây kia cho nguồn thu bảo đảm ổn định đời sống cho người làm vườn. Tôi về thăm xã Tân Mộc đúng vụ thu hoạch cam.
Mỗi héc ta cam ở đây mỗi vụ cho thu hoạch hàng tấn quả, thu về cả tỷ đồng. Kinh tế phát triển, nhiều hộ dân xây được biệt thự, mua sắm xe ô tô. Từ gian khó, Lục Ngạn đang nỗ lực vươn tới giàu sang. Mới đây tôi lại được các anh lãnh đạo huyện thông tin, thị trấn Chũ đã được tỉnh quy hoạch trở thành thị xã đầu tiên của bốn huyện miền núi.
Lục Ngạn đã và đang cất cánh từ màu xanh cây trái.
Hoàng Tiến
Ý kiến bạn đọc (0)