Vốn xưa nơi đô thị trẻ
BẮC GIANG - Thú thật, cho đến gần đây, ấn tượng về vùng đất Việt Yên của tôi chủ yếu là qua những lần đến thăm chùa Bổ Đà - ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XI hay làng Thổ Hà với cổng làng cổ kính, mái đình hàng trăm tuổi ở xã Vân Hà. Phải đến khi cùng đồng nghiệp làm báo Đảng ở mọi miền đất nước về thăm thị xã đang độ tuổi thôi nôi này tôi mới biết vốn xưa nơi vùng đất này không chỉ có thế…
Nguyên do là từ một câu nói của Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Nguyễn Đại Lượng trong lần tiếp xúc với các đại biểu dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, TP phía Bắc do Báo Bắc Giang đăng cai tổ chức vào tháng 10/2024, khi giới thiệu về tình hình KT-XH của thị xã. Ông Lượng nói đại ý, bên cạnh phát triển kinh tế, Việt Yên sẽ quyết tâm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu, tránh đi theo "vết xe đổ" của một số địa phương có đà tăng trưởng nóng những năm gần đây.
Một buổi giáo dục truyền thống của thầy và trò Trường THPT Chuyên Bắc Giang tại đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung. |
Tâm đắc với quan điểm đó của thị xã Việt Yên, tôi tìm hiểu mới biết, vùng đất này có một kho báu truyền thống văn hóa vô cùng quý giá, có thể nói ít nơi sánh bằng. Trên một vùng đất diện tích hơn 171 km², dân số hơn 229 nghìn người, thị xã Việt Yên hôm nay có tới 340 di tích lịch sử cùng nhiều làng nghề truyền thống. Đó là ngôi chùa Bổ Đà ngàn năm tuổi với vườn tháp có một không hai, là Đền thờ 10 vị Tiến sĩ được ghi danh trên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám tại tổ dân phố Yên Ninh, phường Nếnh. Đó còn là những làn điệu quan họ của vùng Kinh Bắc xưa ven dòng sông Cầu huyền thoại, nơi 5 làng quan họ cổ được UNESCO ghi danh...
Việt Yên còn là nơi bảo tồn và phát huy được những giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là ca trù và dân ca quan họ. Hiện trên tấm bia đá có niên đại từ năm 1693 tại đình Thổ Hà, xã Vân Hà còn lưu giữ Di sản văn hóa ca trù. Cổng làng Thổ Hà cùng bức tường sành đặc trưng của làng gốm xưa, hai hình ảnh tưởng như khá khác biệt, nhưng đều nói lên truyền thống văn hóa của làng cổ, đều là những di tích kiến trúc quý giá thu hút sự chú ý của du khách thập phương. Với những trầm tích văn hóa, nghệ thuật vô cùng quý giá ấy, Việt Yên là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, trùng tu, tôn tạo các di tích, xây dựng tour, tuyến phù hợp, tạo tiền đề thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” phát triển cũng là một trong những định hướng của cấp ủy, chính quyền và người dân Việt Yên.
Trở lại câu chuyện ở buổi gặp gỡ tại thị xã Việt Yên hôm nào. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều anh em làm báo có mặt hôm đó đều vô cùng tâm đắc với quan điểm của đồng chí Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên, mà chúng tôi hiểu đó cũng là quan điểm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Việt Yên. Sự tâm đắc ấy xuất phát từ việc chứng kiến tốc độ phát triển có thể nói là thần tốc của đô thị trẻ ven sông Cầu nên thơ này. Sự phát triển ấy khiến những người yêu vùng đất này, mừng đấy mà lại băn khoăn đấy. Đơn giản là chúng ta đã chứng kiến không ít địa phương, với mong muốn tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, vô tình đã làm mất đi những bản sắc riêng có, điều khiến vùng đất ấy khác với những nơi khác.
Nghệ nhân Đàm Thị Bùi (ngoài cùng bên trái), tổ dân phố Nội Ninh, phường Ninh Sơn hướng dẫn các em nhỏ tập hát quan họ. Ảnh: THẾ ĐẠI. |
Sự chia sẻ của vị lãnh đạo thị xã đã giải tỏa nỗi niềm ấy. Và quan trọng hơn, điều đó được chứng thực trong đường đi nước bước của Việt Yên hôm nay. Đến Việt Yên những ngày này, có cảm giác rất rõ rệt như đang tới thăm một đại công trường. Thị xã hiện có 8 dự án trọng điểm đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng. Những ngày cuối năm 2024, Dự án quần thể văn hóa, thể thao thị xã đang trong giai đoạn nước rút về đích sớm. Các công trình Trung tâm Chính trị thị xã, tuyến đường từ Cổ Đèo đi đường vành đai Đông Bắc TP Bắc Giang, tuyến đường kết nối quốc lộ 17 với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang… được gấp rút thi công đã và đang tạo nên diện mạo hiện đại của một đô thị trẻ trên vùng đất trung du, ven con sông Cầu thơ mộng.
Sức trẻ của đô thị mới Việt Yên thể hiện đà phát triển mạnh mẽ với định hướng trở thành vùng trọng điểm về công nghiệp của tỉnh Bắc Giang và cả nước. Định hướng đó đang đi vào cuộc sống với các khu công nghiệp (KCN) Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu cùng nhiều cụm công nghiệp nhỏ và vừa như Tăng Tiến, Việt Tiến, Vân Hà, Hoàng Mai… thu hút các nhà đầu tư, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong tỉnh và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Sức trẻ ấy còn thể hiện ở thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với những vùng sản xuất lúa tập trung, vùng sản xuất rau, trồng hoa, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao...
Những nét mới hiện đại đang dần hiển hiện nhờ khai thác những thế mạnh, tiềm năng ở Việt Yên là vô cùng đáng tự hào với một đô thị trẻ. Nhưng xem ra, điều đó không chỉ có ở Việt Yên mà còn ở nhiều vùng đất, đô thị đang hình thành, phát triển trên cả nước. Điều riêng có của Việt Yên là nơi đây đang sở hữu và xây dựng định hướng khai thác những vốn xưa trên một tầm vóc mới. |
Những nét mới hiện đại đang dần hiển hiện nhờ khai thác những thế mạnh tiềm năng ở Việt Yên là vô cùng đáng tự hào với một đô thị trẻ. Nhưng xem ra, điều đó không chỉ có ở Việt Yên mà còn ở nhiều vùng đất, đô thị đang hình thành, phát triển trên cả nước. Điều riêng có của Việt Yên là nơi đây đang sở hữu và xây dựng định hướng khai thác những vốn xưa trên một tầm vóc mới. Tôi có ý nghĩ ấy khi một buổi sáng đầu đông thắp hương trước Tượng đài Tiến sĩ Thân Nhân Trung, người nói câu bất hủ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” trong khuôn viên đền thờ Cụ tại quê hương tổ dân phố Yên Ninh, phường Nếnh. Từ chỗ tôi đứng, không xa lắm là những chung cư cao tầng mới xây dựng, sẽ là chỗ an cư cho hàng ngàn lao động làm việc trong các KCN đã và đang mọc lên ở vùng đô thị trẻ này.
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng một cảm nhận trong lần về thăm Thổ Hà gần đây nhất. Nói chuyện cùng tôi trước cổng đình, một người dân chia sẻ: Trong bão Yagi vừa rồi, nước sông Cầu dâng, ngập lút đầu người. Và chị nói thêm, bao đời nay năm nào cũng lụt, nhưng làng Thổ Hà vẫn còn đó bên con sông Cầu với mái đình cổ cùng cây đa trăm tuổi, với những nghề thủ công làm nên danh tiếng đất Thổ Hà xưa và nay, người dân vẫn an cư, lạc nghiệp. Chợt ngộ ra rằng bài toán bảo tồn và phát triển không chỉ mới đặt ra hôm nay, mà từ bao đời. Với truyền thống ấy, vốn xưa trên đô thị trẻ này chắc chắn trường tồn và phát huy tác dụng trong công cuộc dựng xây cuộc sống hôm nay.
Ý kiến bạn đọc (0)