Việt Nam - Thái Lan: Cuộc chiến vì quyền lực ở làng cầu Đông Nam Á
Dưới triều đại của HLV Park Hang-seo, Việt Nam gần như toàn thắng trước Thái Lan. Bởi, dù hai cuộc đối đầu gần nhất ở vòng loại thứ hai World Cup - khu vực châu Á cho kết quả hòa 0-0, có thể xem đó vẫn là thất bại đối với Thái Lan. Với tham vọng và khao khát vươn lên đẳng cấp hàng đầu châu lục đã đeo đuổi từ nhiều năm qua, họ đánh giá cao việc vào đến vòng loại thứ ba World Cup, hơn là đi sâu ở AFF Cup - sân chơi mà họ là "ông kẹ" với tám lần vào chung kết, trong đó có năm lần nâng Cup.
Quang Hải chuyền bóng trong trận Việt Nam hoà chủ nhà Thái Lan 0-0 ở lượt đi giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hôm 5/9/2019. |
Việc phải dùng đến đấu trường AFF Cup để "lấy lại danh dự" trước Việt Nam đã là một bước lùi rất lớn của bóng đá Thái Lan. Sau khi chia tay Kiatisuk vì các kết quả không như ý ở vòng loại thứ ba World Cup 2018, bóng đá Thái Lan liên tục bổ nhiệm các HLV có đẳng cấp cao, từng cầm quân ở World Cup đến từ Nam Tư và Nhật Bản. Họ tin rằng những vị đó đủ khả năng để đưa bóng đá Thái Lan vươn lên mà Kiatisuk đơn giản là không đủ tầm. Nhưng đã không có một cú vươn vai khổng lồ nào xảy ra, và sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo tại Việt Nam như một cú knock-out nặng nề với bóng đá Thái Lan. Từ chỗ đang chới với khi rơi khỏi đỉnh cao châu Á, họ còn bị nhấn chìm ở khu vực Đông Nam Á. Khi giấc mơ lớn chưa kịp hoàn thành, cái bóng của thầy trò HLV Park đã chắn trước mặt họ. Người Thái buộc phải tỉnh cơn mộng, và việc đầu tiên mà họ phải làm đó là giật Việt Nam trở lại.
Những diễn biến từ đầu AFF Cup 2020 cho thấy một sự thật: bao nhiêu năm qua, bóng đá Đông Nam Á vẫn không tiến bộ nhiều. Vẫn còn đó các tỷ số cách biệt, những thất bại rất đáng nghi ngờ và quá trình phân cực vẫn diễn ra, chứ không có bất kỳ sự thu hẹp khoảng cách nào. Điều này không hề tốt cho bóng đá Đông Nam Á, bởi số lượng trận đấu thật sự có chất lượng sẽ không nhiều. Đó là lý do mà các nhà tổ chức phải cố gắng tăng số trận đấu ở vòng knock-out, nơi được xem là lúc mà "AFF Cup chính thức bắt đầu". Tính cạnh tranh không cao của bóng đá khu vực chính là rào cản khiến Đông Nam Á không thể vươn tầm dù xét về quy mô dân số và niềm đam mê là không hề thua kém bất kỳ đâu.
Thế nên, nếu đứng ở phía Việt Nam, vẫn có một sự lo lắng nhất định khi đối đầu với Thái Lan, và đó cũng là điều dễ hiểu vì chúng ta đã trải qua một nỗi ám ảnh kéo dài. Nhưng thật ra, phía bên kia, Thái Lan cũng đang lâm vào trạng thái mà chính họ đã khiến cho CĐV hay chính cầu thủ Việt Nam phải nếm trải một thời gian dài. AFF Cup 2020 giống như một cột mốc mà người Thái muốn dừng đà tuột dốc của họ. Thắng được Việt Nam, họ sẽ có lại sự tự tin, bởi rất khó tưởng tượng đến nỗi thất vọng của CĐV Thái Lan nếu họ thua Việt Nam và bị loại. Cách họ hô hào, thể hiện sự hơn – thua trước Việt Nam của truyền thông và người hâm mộ Thái Lan có thể là động thái tự trấn an tinh thần. Có lẽ, chưa lúc nào mà bóng đá Thái Lan lại phải đứng cùng một cách xuất phát với Việt Nam ở mọi góc độ như thế này.
Dù chưa chơi được thứ bóng đá tốt nhất, chưa ở phong độ cao nhất, đội bóng của HLV Park vẫn giữ được sự uy nghiêm của một nhà vô địch. Chưa bàn đến tỷ lệ chiến thắng của hai bên, nhưng đánh bại Việt Nam lúc này không hề đơn giản với bất kỳ đội bóng nào ở Đông Nam Á, kể cả Thái Lan. Sự tự tin của Thái Lan cho đến lúc này cũng chỉ dựa vào những con số trong quá khứ trước khi HLV Park đến. Nhưng cũng có thể, chính sự tự tin đó sẽ khiến họ mắc sai lầm khi cố gắng tấn công để tìm một chiến thắng thuyết phục trước Việt Nam. Và đội bóng của Park chỉ chờ có thế.
Đấy chính là nút thắt quan trọng nhất của cuộc đối đầu Việt Nam – Thái Lan tại bán kết. Đội nào có khả năng kiểm soát lối chơi tốt hơn, làm chủ được tâm lý thi đấu, biết cách nhẫn nại sẽ có nhiều cơ hội để chiến thắng. Việt Nam có chút lo lắng khi chưa tìm được công thức tấn công phù hợp với con người hiện tại. Nhưng Thái Lan cũng sẽ gặp vấn đề khi có quá ít thông tin về năng lực phòng ngự của Việt Nam. Sau bốn trận ở bảng B, chưa đối thủ nào có thể gây sức ép một cách trực diện lên hàng thủ Việt Nam. Vì thế, nếu có "mổ băng" để tìm hiểu các điểm yếu, ban huấn luyện của Thái Lan cũng khó có được những số liệu chính xác.
Một khi không thể nắm chắc được cơ hội ghi bàn, HLV Mano Polking của Thái Lan có lẽ phải quay sang chọn phương án tiếp cận trận đấu an toàn hơn. Trận đấu vì thế giống như một màn vờn nhau của hai con mãnh thú giàu kinh nghiệm nơi rừng già. Ghim chặt ánh mắt của nhau, chờ đợi và chờ đợi cho đến khi nào đối thủ mắc sai lầm để tung ra cú tát quyết định bằng khoảnh khắc của những ngôi sao.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)