Venezuela - Điểm nóng khu vực Nam Mỹ
Đảo chính bất thành
Đã qua hơn 2 tuần kể từ khi cuộc đảo chính bất thành tại Venezuela là quãng thời gian vừa đủ để giới phân tích đưa ra những nhận định, đánh giá tương đối chính xác tình hình.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải) và thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. Ảnh: AFP. |
Thứ nhất, thời điểm lật đổ Tổng thống Nicolas Madura chưa đến. Tháng 1 vừa qua, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời. Dù ngay lập tức Bộ Quốc phòng Venezuela tuyên bố quân đội không thừa nhận nhưng Mỹ và gần 50 quốc gia “thù địch” của Venezuela đã công nhận ông này.
Đến ngày 30-4 khi sự kiện xảy ra, ông Guaido huy động được vài chục binh sĩ, một số xe bọc thép và không có sự ủng hộ của quân đội nên cuộc đảo chính thất bại (có một luồng ý kiến khác cho rằng cuộc đảo chính thiếu sự ủng hộ của Mỹ).
Thứ hai, mục tiêu lâu dài của phe đối lập là tạo ra “vết nứt trên con đập”. Để sau đó vết nứt trên con đập tiếp tục nứt rộng ra bằng những hành động biểu tình phản đối của phe đối lập nhằm mục tiêu làm sụp đổ con đập để điều kiện chín muồi sẽ có một đội quân đánh thuê người Mỹ La tinh xâm nhập vào Venezuela làm tan vỡ sự đoàn kết của các lực lượng quân đội và cảnh sát quốc gia.
Thứ ba, cuộc đảo chính bất thành nhưng đã tạo được “sự kiện” có sự phản bội trong giới tướng lĩnh quân đội. Đó là việc Trung tướng, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Venezuela (SEBIN)- ông Manuel Ricardo Cristopher Figuera đã tham dự vào sự kiện và thừa nhận đã giải thoát cho nhân vật đối lập Leopoldo Lopez bị quản thúc tại gia trốn thoát.
Sự việc đã tạo ra cảm giác trong quân đội Venezuela có sự phản bội và nguy hiểm hơn, những tin tức tình báo của quân đội Venezuela sẽ được sang tay cho tình báo Mỹ.
Cuộc đảo chính bất thành vừa qua cho thấy những tính toán sâu xa của Mỹ về Venezuela. Mỹ không dại gì can thiệp quân sự trực tiếp vào quốc gia này mà sẽ tìm cách làm “nứt vỡ con đập” một cách từ từ.
Tình hình chính trị - xã hội tại Venezuela chắc chắn sẽ còn rất khó khăn bởi mâu thuẫn trong nước và ngoài nước không dễ gì điều hòa. Chính vì vậy chính quyền của Tổng thống Maduro cần phải có những bước đi đúng đắn và kế hoạch cải cách nền kinh tế mạnh mẽ thực hiện các chính sách xã hội hợp lòng dân. Điều này không thể làm trong một sớm một chiều, nhưng đây là vấn đề cấp bách để chính phủ Venezuela lấy lại niềm tin của người dân. |
Nguyên nhân cuộc khủng hoảng
Vậy đâu là nguyên nhân cuộc khủng hoảng của Venezuela? Mọi người đều biết Venezuela từng là nước giàu có, năm 2011 thu nhập bình quân đầu người đạt 11.700 USD/người/năm, nhưng nay quốc gia này rơi vào tình cảnh bất ổn kéo dài với một số lý do chính.
Thứ nhất, do chính sách bao vây cấm vận ngày càng khắc nghiệt của Mỹ, đặc biệt là chính sách với ngành dầu mỏ của Venezuela cùng những cuộc chiến liên tục của các thế lực thù địch (ngay trong chính nội bộ đất nước) phá hoại nền kinh tế, khiến đời sống của người dân ngày càng khó khăn.
Thứ hai, từ chính nội bộ tại Venezuela. Năm 2006, Tổng thống Hugo Chavez thực hiện chương trình quốc hữu hóa các ngành công nghiệp tư nhân, trong đó có cả tổng công ty dầu khí quốc gia.
Nền kinh tế nước này nhanh chóng bước vào suy thoái và một điều rất quan trọng là những sai lầm trong quản lý kinh tế đất nước từ việc chính phủ quá coi trọng dầu mỏ, không có các biện pháp đa dạng hóa nền kinh tế và cả nạn tham nhũng tiếp tục đẩy nền kinh tế nước này vào vòng sa sút.
Một điều đúng đắn tại Venezuela chính là việc chính phủ nước này (năm 2012) ban hành luật cấm người dân sở hữu súng đạn, cấm buôn bán vũ khí do đó cuộc chính biến vừa qua đã không xảy ra cảnh bắn nhau hỗn loạn trên đường phố.
Điều gì sẽ xảy ra?
Có thể nói rằng sau những biến động vừa qua, đất nước Venezuela đang chìm trong bế tắc chính trị, từ Tổng thống Maduro đến lãnh đạo phe đối lập Guaido không thể đưa ra các “đòn quyết định” để hạ gục đối phương.
Kinh tế Venezuela từng rất phát triển khi sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú. (Nguồn: Internet) |
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao một tổng thống tự phong hoàn toàn vi hiến lại không bị bắt giữ trước khi xảy ra đảo chính bất thành. Điều này có thể “thông cảm” được với giới chức cầm quyền Venezuela, vì nếu bắt thủ lĩnh phe đối lập Guaido cũng đồng nghĩa với đụng chạm đến hai vấn đề lớn.
Một là áp lực từ ngoài nước. Mỹ cùng nhiều đồng minh đã công nhận Guaido là Tổng thống Venezuela. Nếu bắt Guaido chắc chắn Tổng thống Maduro sẽ chịu nhiều áp lực không nhỏ. Hai là áp lực trong nước.
Nếu ông Maduro cho bắt tổng thống tự phong Guaido sẽ khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng bởi vị tổng thống tự xưng này dẫu sao cũng tập hợp được một bộ phận dân chúng ủng hộ và có thể dẫn tới tình huống khó dự đoán và không thể kiểm soát.
Nhiều nhà phân tích cho rằng đúng ra phải bắt giữ Guaido ngay sau sự kiện chính biến và đưa Lopez quay trở lại quản thúc tại gia. Vậy ông Maduro chờ đợi gì? Thực ra Tổng thống Maduro chờ tòa án và điều này đã đến. Ngày 7-5 sau một tuần chính biến, tòa án công lý tối cao Venezuela đã thông qua kiến nghị quốc hội lập hiến (ANC) của nước này tước bỏ quyền miễn trừ đối với 7 nghị sĩ tham gia đảo chính do thủ lĩnh phe đối lập Guaido phát động.
Nhóm nghị sĩ trên bị cáo buộc tội danh phản quốc, âm mưu xúi giục nổi loạn, tổ chức phạm tội, lợi dụng quyền lực, kích động thù hận và bất tuân luật pháp. Trong số các nghị sĩ bị tước quyền miễn trừ có cựu Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup và Luis Geman- người sáng lập đảng ý chí nhân dân của thủ lĩnh đối lập Guaido.
Như vậy tay chân của tổng thống tự phong sẽ bị thu hẹp dần, còn Tòa án Tối cao nước này đã ra lệnh bắt cố vấn chính trị Guaido là Leopoldo Lopez, người đang ẩn náu tại Đại sứ quán Tây Ban Nha sau khi trốn khỏi nhà do tướng lĩnh tình báo Figuera tạo điều kiện.
Từ những diễn biến trên dẫn đến tương quan lực lượng tại Venezuela hiện nay. Phía chính quyền hợp pháp của Tổng thống Maduro được Nga, Trung Quốc, Iran, Cuba và một số nước châu Mỹ ủng hộ, đặc biệt quân đội (đến thời điểm này vẫn ủng hộ tổng thống). Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tuyên bố, lực lượng vũ trang sẽ tiếp tục bảo vệ hiến pháp, các nhà lãnh đạo hợp pháp và khẳng định vẫn hoạt động bình thường.
Phía thủ lĩnh đối lập Guaido được Mỹ hậu thuẫn và các đồng minh như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Canada, Israel, Brazil và nhiều nước khác ủng hộ. Khi sự biến xảy ra, đặc phái viên của ông Guaido tại Mỹ nói chính quyền Mỹ đã không hỗ trợ phối hợp thực hiện các diễn biến trong ngày 30-4. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu tại Venezuela.
Như vậy tình hình chính trị- xã hội tại Venezuela chắc chắn sẽ còn rất khó khăn bởi mâu thuẫn trong nước và ngoài nước không dễ gì điều hòa được với nhau. Chính vì vậy chính quyền của Tổng thống Maduro cần phải có những bước đi đúng đắn và kế hoạch cải cách nền kinh tế mạnh mẽ, thực hiện các chính sách xã hội hợp lòng dân. Điều này không thể làm trong một sớm một chiều, nhưng đây là vấn đề cấp bách buộc chính phủ Venezuela phải làm để lấy lại niềm tin của người dân.
Ý kiến bạn đọc (0)