Về Xương Giang
![]() |
Nghi lễ rước tượng tại lễ hội Xương Giang vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm. |
Năm Canh Tý (1420), một người làng Chàng Kinh, huyện Thủy Đường tên Lê Ngã, xưng là Thiên Thượng Hoàng đế, lấy niên hiệu Vĩnh Thiên, đặt trăm quan, đúc tiễn. Ngã đốt thành Xương Giang, cướp trại Bình Than.
Chủ cũ của Ngã là Thiên Tê, tự xưng là Hưng Vận Quốc Thượng hầu, đem quân đánh nhau với Ngã, bị Ngã giết chết. Quân Minh đem quân thủy bộ đến đánh, Ngã đang đêm bỏ trốn, không biết đi đâu.
Khi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) tiến đánh các thành phía bắc đã sai các tướng: Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lãnh, Lê Triệu lấy Thành Xương Giang. Sau này, quân Minh chiếm lại, tướng Minh là Kim Dận giữ thành này. Vua Lê sai Trần Nguyên Hãn đánh giặc và lấy được thành. Quân tướng Minh chết trận khá nhiều. Tổng binh nhà Minh là Vương Thông phải viết văn tế, tế các tướng sĩ tử trận.
Bởi là vị trí quan trọng, thành Xương Giang luôn ở tư thế giành giật, lúc thuộc quân ta, lúc thuộc quân Minh. Khi quân Minh thua trận, Thôi Tụ tưởng Thành Xương Giang chưa bị phá liền đem quân đến, tới nơi mới biết Xương Giang đã bị mất.
Sau này, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo có nói đến những trận quân Minh đã thua ở Xương Giang:
Lạng Sơn, Lạng Giang xác cứng chồng chất nghẽn đường,
Xương Giang, Bình Than máu tươi tràn lan đỏ nước.
Sau này Vua Lê Thánh Tông, người đã có công khiến vương triều nhà Lê cực thịnh, qua Xương Giang vào thời thái bình, xúc cảm viết mấy bài thơ về Xương Giang. Trong đó có bài Trú Xương Giang, nguyên văn như sau:
Bán sơn tàn chiếu ảnh sơ sơ,
Lưỡng ngạn yêu thâm vũ bất như
Ngật ngật đăng tiền thập niên độc,
Nhãn khuy vị biến thánh hiền thư.
Dịch thơ:
Nửa núi nắng tàn soi bóng nhạt,
Đôi bờ khói đậm át mưa thưa
Trước đèn chăm chỉ mười năm học,
Sách thánh hiền kia, đọc hết chưa?
(Ngô Văn Phú dịch)
Lần khác, có lẽ là một buổi chiều, nhà vua xúc động trước cảnh mênh mông trời đất Xương Giang. Trước vũ trụ bao la chứa đựng bao hàm ý sâu sắc, nhà thơ ước được hòa đồng cùng trời đất mênh mông:
Diểu diểu bàng quan an trú cước,
Triệu hà sơ thướng hiểu linh trầm
Khiên lai đương nhật vô cùng ý,
Tiêu khước bình sinh vị túc tâm.
Thủy quốc nhãn khan thiên lý nguyệt
Thu phong trường đoạn nhất thanh châm
Vật tình tiên trưởng kim như tích,
Vạn hộc nhàn sầu bích hải thâm
Dịch thơ
Dừng chân ngắm cảnh xanh vời vợi,
Ráng sớm vừa lên sao đã thưa
Suy nghĩ ban mai nhiều đấy chứ
Bình sinh ham muốn đã tan chưa?
Ngắm no mặt nước trăng ngàn dặm,
Dài nhỉ, gió thu, chày rộn khua
Xưa nay vẫn lẽ trời sinh hóa
Muôn hộc sầu riêng biển biếc thừa
(Xương Giang cảm hoài - Ngô Văn Phú dịch)
Ý kiến bạn đọc (0)