Vải thiều Việt Nam đến với người tiêu dùng Vương quốc Anh
Để đáp ứng các tiêu chuẩn của Vương quốc Anh, một thị trường khó tính, có các yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, Công ty TT Meridian, có trụ sở tại London và chuyên về xuất nhập khẩu giữa Anh, EU và Việt Nam, đã phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp Hữu cơ FUSA ở Việt Nam lựa chọn các trái vải thiều được trồng tại các nhà vườn đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP ở Lục Ngạn, Bắc Giang.
Để bảo quản sản phẩm trong quá trình vận chuyển và phù hợp với thói quen của người tiêu dùng Anh, các trái vải được đóng gói bằng hộp nhựa trong suốt, mỗi hộp có trọng lượng 1kg và được gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ của Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Ngoài ra, để bảo đảm độ tươi ngon của trái vải khi đến tay người tiêu dùng, lô hàng đã được vận chuyển bằng đường hàng không, theo chế độ có kiểm soát nhiệt độ trong suốt hành trình Nội Bài, qua Singapore và đến sân bay Heathrow của Anh.
Các công ty tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu cũng phải chuẩn bị trước hồ sơ một cách đầy đủ nhằm rút ngắn thời gian thông quan và nhanh chóng đưa sản phẩm đến các chuỗi các siêu thị Việt Nam lớn và lâu đời ở Anh như Bảo Long, Hà Nội, Huy Minh, Longdan…
Nói về việc nhập khẩu thành công trái vải thiều vào Vương quốc Anh, ông Thái Trần, Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian, cho biết: “Vương quốc Anh có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản, đặc biệt là hàng từ các nước đang phát triển. Do đó, các công ty tham gia vào lô hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước lô hàng này, cả FUSA và TT Meridian đều đã có kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng nông sản vào thị trường các nước EU như Cộng hòa Séc, Pháp, Hà Lan… Đây là cơ sở để chúng tôi mạnh dạn thực hiện lô hàng này.”
Ông Thái Trần đánh giá thêm rằng với việc Vương quốc Anh đã ra khỏi EU (Brexit) và việc Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do với Anh, cơ hội để hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập vào thị trường khó tính này là đã tăng lên đáng kể.
Brexit đang khiến giá thực phẩm nhập từ châu Âu vào Anh tăng lên do chi phí vận tải, thủ tục hải quan, kiểm dịch, kiểm hoá… Việc lưu thông hàng hoá giữa Anh và EU không còn tự do như trước do Anh đã rời khỏi liên minh hải quan EU, trong khi hai bên vẫn chưa thống nhất được nhiều điểm trong thương mại hàng nông sản và thực phẩm. Trong khi đó, UKVFTA bắt đầu có hiệu lực giúp cho thuế suất hàng nông sản nhập từ Việt Nam vào Anh giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, ông Thái Trần cũng lưu ý rằng Vương quốc Anh có yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu cũng như các chứng nhận quốc tế về quản lý chất lượng, an toàn lao động và nhân quyền. Do đó, các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam cần phải luôn lưu ý đến các yêu cầu này để có thể thâm nhập và duy trì được sự hiện diện tại thị trường Anh.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)