Giải bài toán căn cơ hơn cho vải thiều
Vụ vải thiều khép lại, sản lượng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) năm nay khoảng 145 nghìn tấn (toàn tỉnh 215 nghìn tấn) cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song vải thiều vẫn tiêu thụ thuận lợi. Giá bán bình quân khoảng 22.500 đồng/kg, thấp hơn năm trước nhưng do sản lượng tăng nên thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ tương đương năm trước, khoảng 7 nghìn tỷ đồng, riêng Lục Ngạn hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Nhìn vào biểu đồ thị trường năm nay cho thấy, xuất khẩu mở rộng đến nhiều nước hơn, tiêu thụ qua các kênh bán lẻ hiện đại nhiều hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hơn, điều đó khẳng định thương hiệu vải thiều đã được nâng lên.
Yếu tố làm nên thương hiệu trước tiên là chất lượng sản phẩm. Hiện nay toàn tỉnh có 15,5/28 nghìn ha vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, Lục Ngạn có 12/16 nghìn ha; tiêu chuẩn GlobalGAP 340 ha, riêng Lục Ngạn gần 300 ha. Việc tiếp tục nâng diện tích vải thiều sản xuất theo hai tiêu chuẩn trên chính là giải bài toán để chất lượng vải thiều đồng đều.
Với Lục Ngạn, theo đồng chí Nguyễn Việt Oanh, trong giai đoạn 2021 -2025 phấn đấu 100% diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tăng diện tích GlobalGAP. Thời gian qua, Lục Ngạn đã quan tâm xây dựng những mô hình chuẩn hóa để vừa bảo đảm tiêu thụ nông sản vừa giúp nông dân từng bước thay đổi quá trình canh tác, giữ vững hình ảnh thương hiệu. Tiêu biểu là mô hình sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi của các doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã.
Nhận diện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc dễ dàng là yếu tố quan trọng thứ hai để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bởi vì thị trường luôn đòi hỏi nông sản sạch, an toàn và có trách nhiệm với xã hội. Năm nay, Lục Ngạn quan tâm hơn hỗ trợ về mẫu mã bao bì, tem truy xuất... Nhờ đó giá trị gia tăng khâu dịch vụ cao hơn so với năm trước, sản phẩm được ưu tiên đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Đây là cũng là yêu cầu cho việc phân phối thị trường nhằm tăng giá bán ở phân khúc thị trường cao cấp.
Vải thiều chủ yếu bán tươi, sấy khô và một số ít chế biến. Giải được bài toán chế biến sâu sẽ giảm được áp lực về thời gian tiêu thụ, mở thêm thị trường mới, tăng sức cạnh tranh và nâng cao thương hiệu. Được biết đã có doanh nghiệp lớn đến Lục Ngạn khảo sát đầu tư chế biến sâu vải thiều.
Đồng chí Nguyễn Việt Oanh cho biết, Lục Ngạn đã có lộ trình, kế hoạch để giải những bài toán trên, có việc đã chuyển biến rõ nét, có việc có tín hiệu khả quan. Không chỉ với vải thiều, trên chặng đường xây dựng Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước, để nông nghiệp bước sang trang mới, tỉnh và huyện đặc biệt chú trọng việc đầu tư cho chuỗi giá trị cung ứng nông sản (logistics), đó là giải pháp căn cơ và đồng bộ để phát triển nông nghiệp bền vững.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)