Trung tướng Lư Giang - Trọn cuộc đời theo cách mạng: Kỳ 1 - Chi đội trưởng Nam tiến đầu tiên
Một tấc giang sơn/ Một dòng máu đỏ… (Trái tim người lính - thơ Lư Giang)
Năm 2007, khi vừa chuyển công tác từ Truyền hình Quân đội nhân dân sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi đã rất may mắn khi được mời biên soạn và viết một số giai đoạn Hồi ký Trung tướng Lư Giang - Trái tim người lính trận. Trong hơn một năm tiếp cận các nguồn tư liệu, hình ảnh, nhân chứng, nhất là được trò chuyện với Đại tá, bác sĩ Hàn Thị Trang - Phu nhân của Trung tướng Lư Giang, đã cho tôi hình dung sâu sắc về một vị tướng xuất sắc, cả cuộc đời gắn bó với nghiệp binh, người chiến sĩ nhất mực trung thành với Đảng, Bác Hồ, quân đội và là một tấm gương mẫu mực đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định trong lời giới thiệu hồi ký Trung tướng Lư Giang - trái tim người lính trận:
“Đồng chí Trung tướng Lư Giang đã hoạt động cách mạng từ năm 1942, tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà Bắc Giang 1945.
Đồng chí vào quân đội là Đại đội trưởng của đội quân Nam tiến Bắc Bắc. Lần đầu tiên tôi gặp Lư Giang vào năm 1946, khi tôi đi kiểm tra tình hình các tỉnh miền Nam, gặp đồng chí đang chỉ huy đơn vị hành quân Nam tiến.
Đồng chí là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng có đức độ và tài năng, trưởng thành từ cơ sở, dạn dày trong chiến đấu, lập được nhiều chiến công, sống khiêm tốn, trung thực, gần gũi thương yêu cấp dưới, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, nêu một tấm gương sáng về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2008.
Tôi chưa một lần được gặp Trung tướng Lư Giang. Khi ông mất (năm 1994), tôi mới vừa nhập ngũ, còn chưa vào nghiệp văn bút, càng không bao giờ nghĩ sẽ có một ngày biên soạn và viết sách về ông. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ năm 1998, tôi may mắn được gặp gỡ, phỏng vấn một số lần, đã cho tôi không chỉ sự xúc động tột cùng mà còn là những bài học lớn luôn ghi khắc trong tim để tôi cầm bút viết về lịch sử như hôm nay. Với tôi, Đại tướng đã là một người thầy đầu tiên và mãi mãi.
Lư Giang (tên thật là Lê Bá Ước), sinh năm 1920 tại miền sơn cước làng Gàng, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Đây là vùng đồi núi thuộc sườn Tây Yên Tử, đất địa linh nhân kiệt Kinh Bắc. Dòng họ Lê tổ tiên của Lư Giang ở đất Vô Tranh là một danh gia vọng tộc lớn trong vùng. Cha ruột của ông là người ôm chí lớn từng đi khắp đó đây, khi trưởng thành trở về làng Gàng lập nghiệp với cơ ngơi khang trang, điền sản hàng trăm mẫu đất, bao dung nhiều kẻ khó, giúp đỡ người lỡ thời, người yêu nước từ khắp nơi tìm đến, là người có uy tín, danh vọng trong vùng. Lư Giang được nuôi ăn học cẩn thận, sớm nối chí cha nên đã tham gia hoạt động Việt Minh từ rất sớm. Năm 1942, Lư Giang đã vững vàng trong đội ngũ chiến sĩ cách mạng. Tiếp đó, ông tham gia giành chính quyền tại Bắc Giang năm 1945 với cương vị Đại đội trưởng Cứu quốc quân.
Thuở thanh niên, Lư Giang đã có thiên hướng theo nghiệp văn bút. Ông rất chăm đọc sách báo, theo dõi chặt chẽ tình hình thời thế trong nước, ngoài nước, nên việc tham gia Việt Minh là tất yếu. Trong gia đình Lư Giang, các tên tuổi Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học... và nhất là Nguyễn Ái Quốc luôn được mọi người nhắc đến. Năm 19 tuổi, Lư Giang với sự giới thiệu của đồng chí Hải Bằng và đồng chí Lan Cường đã được kết nạp vào Việt Minh tại xóm Trại, làng Gàng.
Khi đọc những bút tích, thơ văn của Lư Giang, tôi luôn kính phục sự giản dị nhưng sâu sắc của ông. Cả cuộc đời ông đều đã trao tặng cho nhân dân và Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Chỉ với câu thơ: Một tấc giang sơn/ Một dòng máu đỏ… đã cho thấy chí khí cao xa và tấc dạ Lư Giang.
Đối với Trung tướng Lư Giang, ông luôn có một sự hấp dẫn đặc biệt. Một con người nhỏ bé mà hết sức kiên cường, gan góc, một vị anh hùng trong trái tim tôi.
Ở buổi đầu cách mạng, người chiến sĩ Lư Giang luôn ở tuyến đầu. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, một dấu mấu lịch sử chói lọi phải trả bằng xương máu của biết bao thế hệ anh hùng liệt sĩ để có Ngày độc lập. Và ngay lập tức, người chiến sĩ phải bước vào cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, hiểm nguy.
Tháng 11/1945, Lư Giang được đề bạt làm Chi đội trưởng Chi đội Nam tiến đầu tiên, vào thẳng chiến trường khi ông vừa có con gái đầu lòng Lê Thị Hồng Chinh (sinh tháng 10/1945).
Gạt tình riêng vì nghĩa nước, Chi đội trưởng Lư Giang cùng Chính trị viên Lương Cò (người kết nạp Lư Giang vào Đảng); Chi đội phó Từ Vân đã tự tay viết những khẩu hiệu cho đoàn quân Nam tiến: “Nước Việt Nam là của Việt Nam”; “Ủng hộ miền Nam kháng chiến”... Anh em Chi đội Nam tiến nhiều người còn chưa biết chữ, có người chưa đủ tuổi tòng quân đã chữa tuổi tên nhất tề hát vang: Đoàn giải phóng quân một lần ra đi/ Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về/ Ra đi ra đi, bảo toàn sông núi/ Ra đi ra đi, thà chết chớ lui…
Không khí ấy giống như những tráng sĩ quyết đem sinh mạng của mình bảo vệ non sông, bảo vệ nền độc lập.
Khi đoàn quân Nam tiến do Chi đội trưởng Lư Giang dẫn đầu vượt núi băng rừng vào tới Quảng Ngãi, ngày 22/1/1946 đã vinh dự được đón đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Chủ tịch Quân ủy Hội đến thăm và căn dặn: “Các cậu có lực lượng hùng hậu nên sẽ có ảnh hưởng lớn và tác dụng lâu dài, kẻ địch sẽ thấy sức mạnh của cách mạng là chỉ trong một thời gian ngắn đã tổ chức được hàng chi đội, mà lại có kỷ luật nghiêm. Nhưng lần này vào mặt trận phải có nhận thức mới. Cần chú ý rằng: Ban đầu ta đánh có đội hình quy củ, trang bị mạnh, phát huy tính ngoan cường, chủ động linh hoạt. Song sau này, có khi không chiến đấu trong đội hình lớn, mà phải phân tán trong lòng địch, phân tán đến từng tiểu đội, từng tổ, từng người, phát huy kinh nghiệm thời kỳ bí mật, chiến đấu du kích linh hoạt, biết giương đông kích tây”...
Trong cuộc mít tinh đêm mùng 2/1/1946 tại thị xã Quảng Ngãi, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp nói chuyện, động viên và có những ý kiến chỉ đạo với Chi đội Nam tiến. Sau cuộc mít tinh, Chi đội trưởng Lư Giang cùng toàn Chi đội lên tàu vào thẳng mặt trận Nha Trang. Khi đó, mặt trận Nha Trang đã bắt đầu vang tiếng súng.
Chi đội Nam tiến được Bộ chỉ huy mặt trận Nha Trang đóng trong thành Khánh Hòa giao nhiệm vụ bảo vệ nhân dân và đoàn thể trong thành. Các đoàn đại biểu địa phương nghe tin bộ đội miền Bắc vào Nam chiến đấu kéo đến thăm hỏi, động viên, cầm tay từng chiến sĩ rất cảm động. Bà con cô bác kể lại, trong đợt Tổng tuyển cử toàn quốc ngày mùng 6/1/1946, mặc dù địch thả bom và bắn phá dữ dội, nhưng nhân dân ở đây vẫn đi bỏ phiếu đầy đủ. Tiếp đó, Chi đội Nam tiến tổ chức trận địa phòng ngự chạy dọc ven làng ngoại ô thành phố Nha Trang dưới những rặng dừa rậm rạp chân núi Xuân Sơn.
Những ngày tháng cùng nhân dân Nha Trang đánh địch và xây dựng đội ngũ là những tháng ngày gian khổ nhưng hết sức nghĩa tình của Chi đội Nam tiến. Sau này, khi trở lại chiến trường xưa, Trung tướng Lư Giang vẫn còn nhớ như in từng vạt dừa, gương mặt dân quân, các bà mẹ đã đùm đậu những người con miền Bắc.
Từ những ngày đầu, Chi đội Nam tiến luôn nhận được tinh thần động viên, chỉ đạo của Hồ Chủ tịch. Trong Hồi kí Trung tướng Lư Giang - Trái tim người lính trận đã viết rất kỹ về những lời căn dặn của Người qua bức điện: “Nghe tin các chú tình nguyện nhiều lần, nay đã được cấp trên đồng ý cho Nam tiến cùng bộ đội và đồng bào trong Nam đánh giặc Pháp, tôi hoan nghênh lòng yêu nước của các chú... Thanh niên được cống hiến cao nhất là ra tiền tuyến, đó là phần thưởng cao quý mà Tổ quốc dành cho các chú... Kẻ địch thực dân Pháp được bọn quân Anh giúp sức đều là quân hùng tướng mạnh, nhưng ta có chính nghĩa thì nhất định thắng. Các chú không được chủ quan khinh địch. Thắng không kiêu, bại không nản. Bộ đội và đồng bào trong Nam đang hắng hái dũng cảm diệt địch, các chú phải noi gương dũng cảm để xứng đáng là thanh niên Việt Nam...
Tôi bận việc tiếc là không đến thăm được, vậy đánh điện thay lời chúc các chú lên đường mạnh khỏe, lập được nhiều chiến công”.
Trong mỗi người chiến sĩ Nam tiến, ở nơi thẳm sâu nhất, trong tim đều có bóng hình Hồ Chủ tịch và những lời căn dặn của Người.
Ý kiến bạn đọc (0)