Vải đầu mùa xuất hiện, giá rất cao vẫn cháy hàng
Vải sớm được rao bán trên mạng xã hội. |
Từ đầu tuần, một số cửa hàng hoa quả, siêu thị, chợ truyền thống ở Hà Nội lác đác bán vải - loại quả vốn được người tiêu dùng ưa thích trong dịp đầu hè.
Với mức giá từ 50.000 - 100.000 đồng/kg, vải trở thành một trong những loại trái cây nội địa có giá đắt đỏ nhất trên thị trường hiện nay. Đáng nói, vải đầu mùa ngọt thanh pha chút chua chứ không ngọt đậm như chính vụ thu hoạch, tuy vậy loại ngon, quả to vẫn liên tục “cháy hàng”. Đây đều là loại vải lai, u hồng, u trứng trồng ở một số tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Đắk Lắk…, thường chín sớm hơn so với vải chính vụ 30-40 ngày, do mới vào mùa tương đối hiếm nên giá biến động từng ngày. Những ngày tới, vải chín nhiều giá có thể sẽ rẻ hơn.
Hiện trên thị trường chưa có vải chín sớm của Tân Yên và Lục Ngạn (Bắc Giang)-địa phương có diện tích trồng vải rất lớn. Vài tuần nữa, vải sớm ở hai địa phương này mới được thu hoạch.
Tại một siêu thị thực phẩm trên phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) vải đang có giá 95.000 đồng/kg. Theo nhân viên bán hàng, đây là loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao so với vải đang bán trên thị trường.
Trên "chợ mạng", vải chín sớm cũng đang được rao bán nhộn nhịp với giá mềm hơn chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Đăng bán và nhận giao các đơn hàng trên Facbook cá nhân của mình, chị Hoàng Thanh - chủ nhà vườn ở Đắk Lắk cho biết, vải u hồng năm nay khá hút khách. Đầu mùa vải có giá 60.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.
“Sau khi đăng bán trên các hội nhóm, Facebook cá nhân, khách mua vải đầu mùa của gia đình tôi ở khắp nơi như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội liên tục đặt đơn, không kịp giao, mỗi đơn từ 20-40kg”, chị Thanh nói.
Nói về giá vải đầu mùa tăng cao, chủ nhà vườn này cho biết là do chi phí vận chuyển và bảo quản tăng 40%. Ngoài ra, do vải mới đầu vụ nên số lượng cung ứng ra thị trường còn hạn chế.
TS (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)