"Tủ sách pháp luật" vắng người đọc
Có như không
![]() |
Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Lương Phong (Hiệp Hòa) hướng dẫn người dân tìm đọc tại tủ sách pháp luật. |
Hay như tại xã Hương Sơn (Lạng Giang), chúng tôi thấy TSPL được đặt tại bộ phận tiếp công dân của Công an xã (căn phòng này khá xa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả), tủ sách phủ bụi, khóa im ỉm. Theo anh Nguyễn Phương Nam, công chức Tư pháp-Hộ tịch xã, ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại chật hẹp nên khoảng một năm nay, TSPL được chuyển đến vị trí khác. Tuy không thuận tiện nhưng địa phương đành chấp nhận vì nhận thấy công dân, cán bộ ít có nhu cầu tìm đọc.
Không ít lần về xã công tác, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh TSPL vắng vẻ; nhiều chồng sách được cấp phát vẫn nguyên đai, nguyên kiện ở góc phòng. Sách trong tủ thì thấy, không ít cuốn còn mới tinh, nhiều trang dính liền, chưa được dọc xén. Một số TSPL được tận dụng làm nơi để tài liệu, đồ dùng chung; không có sổ theo dõi lượt người đến mượn.
Ông Trần Hoàng An, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lục Ngạn cho hay, việc TSPL không có người đến tra cứu, đọc sách là do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông hiện đại, dịch vụ pháp lý.
Từ miền xuôi đến miền ngược, hầu như nhà nhà đều kết nối mạng Internet, người người có điện thoại thông minh, nếu có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, chỉ cần vài thao tác là có hàng trăm, hàng nghìn thông tin xuất hiện để tham khảo, nghiên cứu. Không chỉ riêng huyện Lục Ngạn mà ở các địa phương khác, TSPL dường như chỉ tồn tại cho có, chưa được các cấp, ngành quan tâm khai thác, sử dụng hiệu quả.
Đầu tư cho vùng khó khăn
Ở một số địa phương như xã Cao Xá (Tân Yên), TSPL được đặt tại thư viện của trường tiểu học, gần nhà văn hóa xã, người dân đến tập thể dục, sinh hoạt, giao lưu cũng có thể dễ dàng tìm đọc sách. Tuy nhiên, số xã làm được như Cao Xá rất ít. Được biết, tỉnh đang thực hiện theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL.
![]() Theo tinh thần chung của Bộ Tư pháp là vẫn duy trì TSPL. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế, các địa phương cần có phương án sử dụng, khai thác làm sao đạt mục đích, tránh lãng phí ngân sách nhà nước”. Bà Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp |
Theo đó sẽ tập trung đầu tư, đổi mới công tác quản lý, khai thác TSPL tại các xã đặc biệt khó khăn. Năm 2020, Sở Tư pháp đã cấp phát thêm gần 2.100 cuốn sách pháp luật, chủ yếu là sách giới thiệu, hướng dẫn thi hành các luật sửa đổi, bổ sung cho 48 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn 5 huyện gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa. Sở cũng cấp phát cho 161 xã còn lại gần 3 nghìn cuốn sách pháp luật các loại.
Song song với đó, Sở Tư pháp đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các địa phương, nhất là ở những xã đặc biệt khó khăn tiếp tục quan tâm, có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý để TSPL thực sự phát huy được hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Không ngừng đổi mới mạnh mẽ cách thức hoạt động như luân chuyển tủ sách đến nơi thuận tiện, tập trung đông người; tổ chức giới thiệu sách, nâng cao văn hóa đọc cho cán bộ, công chức, nhân dân. Hiện hệ thống loa truyền thanh cơ sở rất phát triển, các địa phương có thể tuyên truyền các đầu sách, nội dung trong sách pháp luật tới người dân thông qua kênh này.
Bà Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: “Theo tinh thần chung của Bộ Tư pháp là vẫn duy trì TSPL. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế, các địa phương cần có phương án sử dụng, khai thác làm sao đạt mục đích, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Khi TSPL điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp được đưa vào sử dụng, các cấp, ngành cần tích cực tuyên truyền để TSPL thực sự là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả”.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)