Để tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả
![]() |
Tủ sách pháp luật ở bộ phận một cửa phường Thọ Xương (TP Bắc Giang). |
Thưa vắng người đọc
Trên địa bàn TP Bắc Giang có 16 TSPL được đặt tại bộ phận một cửa của UBND các phường, xã. Trung bình, mỗi tủ có từ 400 đến 500 đầu sách nhưng có khoảng 30% tài liệu, văn bản đã hết hiệu lực thi hành. Mỗi công chức tư pháp - hộ tịch được phân công quản lý một tủ sách theo quy định của nhà nước về tài sản công. Tuy vậy, cán bộ tại đây kiêm nhiệm nhiều việc nên ít có thời gian giới thiệu, tư vấn cho người đọc.
Tại bộ phận một cửa UBND phường Thọ Xương mỗi ngày có hàng chục người đến giải quyết các thủ tục hành chính nhưng ít ai quan tâm tới TSPL đặt gần đó. Bà Nguyễn Thị Minh Hần, tổ dân phố số 1, phường Thọ Xương cho hay: “Tôi ít đọc sách ở TSPL vì tra cứu trên các thiết bị có kết nối mạng Internet thuận tiện hơn, ngồi đọc sách ở bộ phận một cửa không có không gian riêng, rất bất tiện”. Thời gian qua, TP đã thí điểm luân chuyển sách pháp luật tới một số điểm bưu điện văn hóa xã, phường nhưng các tủ sách vẫn “khóa đóng, then cài”. Theo giao dịch viên tại điểm bưu điện văn hóa xã Song Mai, sau khi luân chuyển, tủ sách ở đây có khoảng 400 đầu sách, trong đó có khoảng 50 đầu sách pháp luật nhưng rất ít người lui tới tìm hiểu, tra cứu.
Hiện 230 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có TSPL. Mỗi năm, tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng từ nguồn ngân sách để cập nhật thêm từ 25 đến 30 đầu sách pháp luật cho một tủ sách. |
Xã Quý Sơn (Lục Ngạn) bố trí một TSPL tại thư viện của UBND xã với hơn 500 đầu sách, nhiều sách pháp luật mới có hiệu lực. Được tuyên truyền, giới thiệu về TSPL nhưng địa bàn dân cư thưa thớt, bà con bận việc đồng áng, chăm sóc cây ăn quả nên không mấy ai quan tâm đến việc đọc. Bên cạnh đó, địa phương có tới gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số nên khả năng hiểu các thông tin trong sách pháp luật, nhất là những người có tuổi càng khó khăn. Mỗi năm chỉ có khoảng 10 lượt người sử dụng TSPL, chủ yếu là cán bộ xã. Do ít người đến tìm hiểu, TSPL được khóa lại, các đầu sách không mấy khi được kiểm tra, sắp xếp, chọn lọc.
Hiện trạng ở hai địa phương trên cũng diễn ra ở nhiều nơi khác. Đầu năm 2017, Sở Tư pháp kiểm tra tại một số địa phương nhận thấy, các TSPL hoàn toàn vắng bóng cán bộ, người dân đến tìm hiểu. Nhiều tủ sách được tận dụng làm nơi để tài liệu, đồ dùng.
Bổ sung tài liệu mới, chọn địa điểm phù hợp
Dù tại đa số địa phương, TSPL không được sử dụng hiệu quả nhưng vẫn có một số xã, phường, thị trấn với cách làm riêng đã mang lại kết quả khả quan. Điển hình như tại xã Cao Xá (Tân Yên), thời gian qua, xã chuyển TSPL từ bộ phận một cửa đến hội trường của địa phương. Mỗi buổi sáng và chiều tối, người dân trong xã tập trung chơi thể thao ở sân trước cửa hội trường. Tủ sách đặt ở nơi trung tâm, tập trung đông người, không gian thoáng mát, có chỗ ngồi thuận tiện nên dần thu hút được sự quan tâm của mọi người. Lúc giải lao hoặc khi có nhu cầu, bà con thường tìm đọc một số loại sách có liên quan. Ngoài sách pháp luật, tủ sách còn được bổ sung thêm các ấn phẩm về khoa học, sức khỏe, giáo dục, văn hóa… với tổng số hơn 600 đầu sách.
Việc chuyển vị trí đặt TSPL từ bộ phận một cửa sang nhà văn hóa cũng được thực hiện ở một số xã, phường, thị trấn thuộc TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng, Việt Yên... Bên cạnh đó, do ít người quan tâm đến TSPL nên gần đây, nhiều địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu những đầu sách mới qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đồng thời, vận động người dân, cán bộ, công chức nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu, sách báo ở TSPL. Ở huyện Yên Thế, định kỳ 3 hoặc 6 tháng, các xã, phường, thị trấn rà soát, phân loại sách còn, hết hiệu lực, cập nhật kịp thời các văn bản, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Địa phương lập danh sách những tài liệu có nhu cầu để đề nghị bổ sung.
Mới đây, Sở Tư pháp tổ chức tọa đàm bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả của TSPL. Các đại biểu thảo luận tích cực, đưa ra nhiều biện pháp. Trong đó, việc luân chuyển tủ sách đến những nơi thuận tiện, tập trung đông người như nhà văn hóa, nhà trường... vẫn được đánh giá cao. Cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, tập huấn chuyên môn để đội ngũ này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bà Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở để đông đảo bà con nhân dân biết đến TSPL. Khi người dân có nhu cầu đọc tại chỗ hoặc mượn về, cán bộ phụ trách có trách nhiệm quản lý, theo dõi đầy đủ. Sở khuyến khích các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, theo dõi, nhắc nhở bà con bảo quản sách cẩn thận, tránh hư hỏng, mất mát. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền để xem xét cơ chế hỗ trợ kinh phí trong xây dựng, quản lý TSPL, mua sắm trang thiết bị cần thiết.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)