Bất cập tủ sách pháp luật cấp xã
Mỗi năm một tủ sách có 37 lượt bạn đọc
Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, Bắc Giang là một trong những tỉnh đã triển khai khá sớm và bài bản việc xây dựng, quản lý và khai thác các TSPL ở cấp xã. Tại 230 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã xây dựng được TSPL, đặt ở trụ sở UBND xã và được giao cho công chức hộ tịch - tư pháp xã kiêm nhiệm quản lý.
![]() |
Người dân đọc sách tại tủ sách pháp luật xã Song Mai (TP Bắc Giang). |
Hằng năm, Sở Tư pháp đã mua sách cấp bổ sung cho tủ sách với mức thấp nhất 2 triệu đồng/xã (tương đương khoảng 25-35 đầu sách). Một số xã còn được bổ sung sách từ sự đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, tại thời điểm năm 2017, mỗi TSPL cấp xã trong tỉnh có khoảng 400 - 600 đầu sách, bảo đảm đủ 4 thể loại theo quy định gồm: Văn bản quy phạm pháp luật; sách pháp luật phổ thông (hỏi đáp pháp luật, tờ gấp tuyên truyền pháp luật); sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở; các loại báo pháp luật. Việc trang bị máy vi tính, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng TSPL điện tử ở cấp xã, tiện lợi cho việc tra cứu văn bản cũng được quan tâm.
Sự quan tâm của Nhà nước là vậy nhưng thực tế hoạt động hiện nay của các TSPL cấp xã trong tỉnh Bắc Giang thật đáng buồn. Hầu hết các TSPL đều ở trong tình trạng phủ bụi, khóa kín, bên trong bày lộn xộn. Nhiều tủ đựng sách được trang bị từ ngày thành lập đến nay đã cũ hỏng, xộc xệch nhưng chưa được thay mới.
Không ít lần về công tác tại các xã, nhất là tại các huyện miền núi, chúng tôi đều bắt gặp những bó sách pháp luật nhận về vẫn nguyên đai, nguyên kiện xếp góc phòng.
Có lần, tại một xã ở huyện Lục Ngạn, tìm được người thì không tìm thấy chìa khóa. Anh cán bộ hộ tịch - tư pháp xã cười xin lỗi: “Lâu rồi, chẳng có người hỏi mượn sách. Việc xã đã bận, nhà lại đang mùa thu hoạch vải. Thành ra, em để chìa khóa chỗ nào chẳng nhớ!”.
Cũng có đôi lần, trong lúc đợi làm việc với cán bộ xã, tôi may mắn mượn được cuốn sách ở TSPL đứng đọc thì ái ngại bởi không ít cuốn còn mới tinh, có nhiều trang dính liền, chưa được dọc xén.
Theo kết quả khảo sát của Sở Tư pháp Bắc Giang, trong 3 năm (từ 2013-2016) toàn tỉnh có khoảng 11 nghìn lượt người đến khai thác TSPL cấp xã. Điều đó có nghĩa là… bình quân mỗi năm, mỗi xã có khoảng 37 lượt bạn đọc.
Đổi mới để phát huy hiệu quả
Để khắc phục bất cập trên, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã có sáng kiến luân chuyển sách từ TSPL cấp xã về nhà văn hóa các thôn, bản, tổ dân phố, thư viện trường học nhằm bảo đảm việc phục vụ tiện lợi hơn. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn không “cải thiện” được mấy tình hình. Số người đến khai thác TSPL vẫn vắng vẻ…
Hầu hết các TSPL đều ở trong tình trạng phủ bụi, khóa kín, bên trong bày lộn xộn. Nhiều tủ đựng sách được trang bị từ ngày thành lập đến nay đã cũ hỏng, xộc xệch nhưng chưa được thay mới. |
Quả thật đáng buồn trong khi tình hình hoạt động tội phạm, các vụ vi phạm pháp luật như xâm hại tình dục trẻ em, cướp tài sản, trộm cắp, hủy hoại tài sản, tệ nạn cờ bạc… trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều và ngày càng phức tạp (6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 294 vụ). Một trong những nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Không ít người ngại đọc, hờ hững với “người bạn” tư vấn pháp luật tin cậy là sách ở ngay cộng đồng. Được biết, tình trạng này không chỉ có ở Bắc Giang mà cũng là tình hình chung của nhiều địa phương khác trong cả nước.
Phải chăng, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 và các phương tiện thông tin đại chúng, TSPL đã đến lúc cần một sự thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế?
Ngày 13-3-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL (thay thế Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ban hành ngày 25-1-2010).
Theo quyết định, kể từ nay, mô hình TSPL chỉ có ở các xã đặc biệt khó khăn, các cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân.
Đối với TSPL đã có tại cấp xã và các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, nhu cầu cần thiết để xem xét quyết định hướng xử lý. Nếu tiếp tục duy trì thì bố trí kinh phí bảo đảm cho hoạt động đến hết năm 2020.
Nếu xét thấy không cần thiết duy trì thì chỉ đạo, hướng dẫn sáp nhập TSPL cấp xã thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của thư viện xã hoặc điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng.
Thiết nghĩ đây là một chủ trương đúng, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, dù ở mô hình nào, vẫn cần sự vào cuộc sát sao hơn của ngành tư pháp và chính quyền cấp huyện, xã.
Trước hết là cần khắc phục tính hình thức trong hoạt động, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới cơ chế vận hành và cách thức tổ chức phục vụ, thu hút người dân.
Tổ chức sâu rộng và thiết thực các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21-4), Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) hằng năm tới tận cấp xã và các thôn, tổ dân phố. Có như vậy mới góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân trên địa bàn.
Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)