Triển khai kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2030
Ảnh minh họa. |
Mục tiêu chung nhằm xây dựng, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là trạm y tế xã); nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch, bệnh trong cộng đồng.
Cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cao đến người dân; thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại tất cả các trạm y tế trong lộ trình BHYT toàn dân; phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao chất lượng dân số.
Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2030, toàn tỉnh có 209 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã.
Để thực hiện được mục tiêu trên, kế hoạch đề ra các giải pháp gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã.
Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã; xây dựng chương trình hành động của cấp ủy để thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2030, coi nhiệm vụ xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế là một nhiệm vụ trọng tâm của địa phương đến năm 2030. Hằng năm, đưa chỉ tiêu xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã vào kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bố trí nguồn kinh phí cho trạm y tế.
Tổ chức tốt công tác tuyên truyền nội dung củng cố y tế cơ sở, phát động thành phong trào xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đến các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân. Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông về các nội dung trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã gắn với các nội dung xây dựng nông thôn mới tại các huyện.
Công tác tuyên truyền được tiến hành dưới nhiều hình thức như: Đưa tin trên truyền hình; phát tin trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; tuyên truyền trong các hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề, trong các cuộc họp, trong sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhân viên y tế tuyến xã; bổ sung nguồn nhân lực bảo đảm về chất lượng, số lượng theo Đề án vị trí, việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ có chuyên môn cao từ tuyến trên về hỗ trợ cơ sở y tế tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo Đề án 1816 của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực công tác y tế dự phòng, tạo bước chuyển biến rõ nét về năng lực dự báo, cảnh báo sớm, giám sát, phát hiện các bệnh truyền nhiễm, chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp; tăng cường quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn, tập trung vào các nhiệm vụ chính thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu: Theo dõi, tư vấn về sức khỏe; chăm sóc giảm nhẹ; phục hồi chức năng; y học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người lao động, bà mẹ và trẻ em.
Triển khai xây dựng mô hình thí điểm trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Duy trì 100% thôn/bản/tổ dân phố có nhân viên y tế và dân số hoạt động.
Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho trạm y tế. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp, nhà trường tham gia BHYT nhằm tiến tới BHYT toàn dân theo lộ trình của Chính phủ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về BHYT, xử lý vi phạm pháp luật về BHYT theo quy định.
Hoàn thiện hệ thống sổ sức khỏe điện tử của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh; phấn đấu từ năm 2025 trở đi, trên 95% dân số toàn tỉnh được quản lý sức khỏe điện tử và bảo đảm đưa vào ứng dụng thực tiễn trong công tác theo dõi, quản lý sức khỏe, kết nối liên thông khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)