Tôn tạo, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt ATK II
Đầu tư nâng cấp di tích
Ngày 31/12/2020, 8 địa điểm thuộc ATK II được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều điểm trong khu di tích đã xuống cấp. Trước đó, tháng 10/2020, UBND tỉnh phê duyệt đề án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa ATK II tại các xã Hòa Sơn, Hoàng Vân, Xuân Cẩm. Dự án được giao cho UBND huyện Hiệp Hòa làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng.
Di tích lịch sử đình Chợ Vân (xã Hoàng An). |
Tìm hiểu tại đền Y Sơn (xã Hòa Sơn), những ngày này, các thành viên Ban quản lý đền và người dân trong thôn đang tất bật di chuyển các đồ thờ cúng đến nơi an toàn để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đền Y Sơn thờ Đức thánh Hùng Linh Công - người có công dẹp giặc Ân cứu nước, được nhân dân trong vùng thờ phụng từ lâu đời.
Khu di tích lịch sử văn hóa đền Y Sơn còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện cách mạng. Chính vì những lý do đặc biệt này, đền Y Sơn trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân địa phương và thu hút du khách thập phương.
Trước tình trạng hư hỏng tại một số khu vực, UBND huyện sẽ tu bổ lại toàn bộ các tòa điện chính, hành lang tả, hữu, nghi môn, am hóa vàng và xây dựng thêm nhà phụ, bếp, tường bao, nâng cấp đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh... Dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Tại đình Xuân Biều (xã Xuân Cẩm), máy cưa, máy xẻ gỗ hoạt động hết công suất. Những người thợ mộc cẩn trọng, tỉ mẩn, khéo léo gọt đẽo các trụ gỗ lim màu nâu thẫm. Từng khối gỗ quý này được dùng để làm trụ, xà, hoành, kè bẩy... của tòa đại đình 3 gian 2 chái với diện tích khoảng 300m2. Nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, UBND huyện còn nâng cấp, tu bổ nhiều hạng mục để mở rộng đường vào. Các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, dự kiến đến tháng 6 năm nay sẽ thực hiện xong các phần việc.
Theo ông Nguyễn Văn Long, thành viên tổ giám sát cộng đồng dự án tu bổ đình Xuân Biều, từ khi được xếp hạng đến nay, nhiều di tích thuộc ATK II được Nhà nước và nhân dân quan tâm tôn tạo, nâng cấp với kinh phí lớn, trong đó đình Xuân Biều được đầu tư 12 tỷ. Để bảo đảm chất lượng thi công, Ban quản lý đình cắt cử thành viên tham gia cùng đơn vị thi công, giám sát chặt chẽ từng
Ngoài hai địa danh trên, các điểm còn lại trong ATK II cũng được tu sửa, xây mới nhiều hạng mục, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, tạo thuận lợi cho du khách thập phương tới đây. Đơn cử như cải tạo nhà trưng bày truyền thống ATK II, nhà đón tiếp, khuôn viên đình Chợ Vân với kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng...
Đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách tham quan
Giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Hiệp Hòa đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành quan tâm nắm bắt thực trạng các di tích để cải tạo, sửa chữa những hạng mục xuống cấp. Trong đó tập trung đầu tư kinh phí cho 8 địa điểm thuộc Di tích quốc gia đặc biệt ATK II.
Song song với huy động nguồn lực quốc gia và xã hội hóa trong nhân dân để tôn tạo, tu bổ các di tích, huyện Hiệp Hòa chú trọng tuyên truyền quảng bá hình ảnh, ý nghĩa lịch sử của các địa điểm trong ATK II. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.
Tháng 10/2020, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa ATK II tại các xã: Hòa Sơn, Hoàng Vân, Xuân Cẩm. Dự án được giao cho UBND huyện Hiệp Hòa làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. |
Theo đó, địa phương phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm, hành trình về nguồn tại các địa danh lịch sử.
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Hiệp Hòa hình thành, phát triển hai không gian du lịch văn hóa, lịch sử. Đó là các điểm di tích ATK II và khu du lịch sinh thái lăng đá, hát quan họ, ca trù, chèo.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm và động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Để đạt được mục tiêu mỗi năm đón hơn 10 nghìn lượt du khách, huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo các xã, thị trấn nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của nhân dân trong phát triển du lịch.
Đồng chí Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian qua, huyện đã tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư từ trung ương, huy động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
Huyện tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm về xây dựng, phát triển du lịch. Địa phương sẽ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, ưu đãi làm động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đồng thời kết nối với các địa phương xây dựng tour, tuyến du lịch, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyện nghiệp, có kiến thức, chuyên môn .
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)