Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng công nhận ATK II - Hiệp Hòa là di tích quốc gia đặc biệt
Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương; Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành; nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia trao đổi ý kiến. |
Theo báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm, năm 1941, Trung ương Đảng có chủ trương xây dựng các căn cứ địa và ATK. Với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ Việt Bắc đi xuống đồng bằng nên ngay từ đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng xây dựng ATK II trên địa bàn các xã giáp ranh ba huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) và Phổ Yên, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên).
ATK II tại Hiệp Hòa được xác định là căn cứ đặc biệt quan trọng bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não, bảo vệ cán bộ chủ chốt của Đảng, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc kỳ được liên tục, thông suốt, kịp thời.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 16 xã ATK II, trong đó hệ thống di tích tập trung tại 4 xã: Hoàng Vân, Hoàng An, Hòa Sơn, Xuân Cẩm.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, ý kiến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nhận định, ATK II Hiệp Hòa có đầy đủ yếu tố để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời đề nghị cơ quan tham mưu xây dựng hồ sơ bổ sung thêm một số thông tin nhằm làm nổi bật yếu tố đặc biệt của di tích.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, hồ sơ cần bổ sung số liệu, hình ảnh để minh chứng rõ hơn các di tích không chỉ là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà còn là công trình văn hóa, kiến trúc có giá trị lâu đời, gắn với tín ngưỡng tôn giáo và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Các ý kiến đề nghị làm rõ trong hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ về tính chất kết nối giữa ATK Hiệp Hòa với các vùng cách mạng khác; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy di tích, phát triển du lịch cộng đồng.
Kế hoạch bảo tồn, phát triển di tích cần bổ sung hệ thống biển chỉ dẫn tại các di tích; sa bàn tổng thể ở Nhà trưng bày truyền thống ATK II để khách tham quan thấy được đầy đủ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của của ATK II đối với cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói riêng và trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc nói chung.
Trao đổi tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương và lãnh đạo huyện Hiệp Hòa cảm ơn ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ công nhận ATK II là di tích quốc gia đặc biệt.
Về kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trong thời gian tới, đồng chí Lê Ánh Dương thông tin, UBND tỉnh đã có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để trùng tu, tôn tạo các điểm di tích ATK. Cùng đó, tập trung tuyên truyền quảng bá, giới thiệu để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa đặc biệt của hệ thống di tích ATK II từ đó có ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy giá trị.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)