Tổ ong trên cao
Lúc đầu là cả phòng, rồi cả khu ký túc xá loạn lên đi tìm Hội. Mùa này sông Hồng nước to, dép tổ ong của Hội bỏ lại trên bờ cát, thêm cái áo sơ mi nhàu nát Hội hay khoác ngoài áo thun như tài tử điện ảnh Hồng Kông… Nguy rồi.
Minh họa: HIỀN NHÂN. |
Thế mà người ta lại “vớt” được Hội ở trong một quán bia cỏ. Trong lúc, “anh hùng thất thế” nhao ra sông thì từ dưới bãi sông ngoi lên một kẻ không phải rùa vàng, giao long… Tên này béo trùng trục, là Hải béo!
Người ta bảo, ai gặp Hải béo thì muốn khóc cũng không được, muốn khổ cũng không xong, nhất là muốn chết thì càng… tuyệt vọng. Hắn sinh ra trên đời chỉ làm mỗi một việc là lôi bách tính vào quán nhậu. Tuy chỉ dăm bìa đậu, có khi đĩa ổi xanh nhưng nghe hắn nói, tai ai cũng thấy sướng, nhìn hắn nhai ai cũng bị kích thích đường ăn uống và nhất là nghe thơ tình của hắn thì...
Trời ơi, không biết trên thế gian này có biết bao nhà thơ tình, họ làm thơ hay đến cỡ nào chứ ở cái xứ Cổ Nhuế này, cả đất trời đều nằm trọn trong hồn thơ của Hải béo. Hắn có thể “xuất khẩu” đủ các loại thơ từ tán gái, bi phẫn đến thơ cổ vũ bóng đá nữ. Thơ cứ thế rót vào tai, bia cứ thế rót vào cốc và người nghe chìm nghỉm trong đại dương thi ca từ lúc nào.
***
Đúng hai mươi năm sau, Hải béo xuất hiện trước cửa nhà khiến Hội sững sờ. Ngân đi vắng, hàng xóm vắng tanh, Hội ú ớ như chỉ muốn kêu lên: “Ngần ấy năm tôi đã nghiệm ra, chẳng câu thơ nào của ông là đúng cả. Tôi đang phải xin nghỉ làm vì đau dạ dày và viêm cả màng túi nữa. Tôi còn hai cái báo cáo nữa và lát còn đi đón con…”. Thế nhưng trước nụ cười đầy ắp như phù sa của Hải, Hội không thể thốt ra được như thế.
Hội lại bị hắn “giam cầm” ở quán bia với lời đề nghị biên tập thơ cho hắn.
- Mà làm sao ông tìm thấy tôi ở cái ổ chuột này?
Tưởng một kẻ đi xe tiền tỷ sẽ vênh mặt lên nhưng trái lại, nhà thơ - bợm nhậu viển vông một thời bỗng thốt lên một câu đầy chất hiện thực mà không hề phê phán:
- Ông cứ bán quách cái lều thơ này cho tôi!
Chưa bao giờ, Hội nghĩ đến một người thèm mua cái lều “cỏ” thế này. Gọi là nhà, thực chất chỉ là một gian cấp bốn được cơi nới, vá víu trên mảnh đất người ta đổ rác, chưa hề có sổ sách gì. Nhưng Hải cứ tưng tửng thế, chả rõ thực hay đùa.
Trên vòm cây nhãn, tổ ong vẫn vo ve. Ngân về kể với Hội, anh bảo: “Chắc thằng Hải béo nó trả ơn tôi đấy”. Ơn gì thì Ngân chẳng hiểu, cô chỉ có một cảm giác rằng đằng sau những gì tưởng như cay đắng của cuộc đời này vẫn đầy mật ngọt của tình bạn… |
Hội cũng thấy thấm thía. Hai vợ chồng lương ba cọc ba đồng, nhà hai đứa con đã loi choi học cấp hai, nếu cứ cảnh nhà cửa bấp bênh mãi thế này cũng không ổn. Thực ra, Hội cũng đã từng liều vào hỏi vay anh chị, từng xin nghỉ việc một tuần để về Hà Nội kiếm mối nhưng tất cả những cánh cửa thoát nghèo đều đóng kín. Bỗng dưng có đứa đến hỏi mua nhà thì còn gì bằng.
Chiều về, Ngân nghe xong rồi hỏi chồng:
- Thế anh ta giờ làm công việc gì?
- Nó thì đủ nghề, từ bất động sản đến tổ chức sự kiện… cái gì của thiên hạ nó cũng nghĩ ra cách làm ăn được. Nhìn mặt nó anh nghi lắm.
- Em lại thấy anh Hải thân thiện, hiền lành, hồi xưa có đến phòng em đàn hát. Thế anh có tìm hiểu được anh ấy mua nhà mình vì lý do gì chưa?
Nghe đến chuyện cũ vợ nói, máu ghen trong Hội lại nổi lên. Ngày trước Hội đã từng đối xử không tệ với Hải. Có lần hắn sốt đến 40 độ, miệng co giật, Hội phải cõng hắn ra bệnh viện quận. Có dạo hắn bị đám thanh niên càn quấy trong làng đuổi đánh, chính Hội liều mình giấu hắn trong gầm giường. Thế mà hắn lại lén tặng Ngân cái váy, lại còn lấp liếm là để cảm ơn Hội. Suýt nữa hai thằng đấm nhau giữa sân ký túc xá.
***
Từ lúc cây cầu được hợp long, "cò" đất ở đâu tập trung về bu lấy khu này. Người ta “ăn” đất, “ngủ” đất, nằm mơ cũng ú ớ về đất. Người già than thở làm lụng ngay thẳng cả đời cũng không bằng dăm ba phút ngã giá, chốt tiền. Nếu thực sự dưới đất có thổ công thì chắc ngài cũng phải bị cắt khúc ra rất nhiều lần rồi.
Cơn sốt đất không có “vắc-xin” đặc trị ấy lan đến khu nhà Hội. Nghe nói ở đầu dãy, có con bé làm ngân hàng vừa mua chín trăm triệu tháng trước đã sang tay tỷ sáu. Nó hiên ngang đi ngang qua mặt bà chủ nhà cũ trong chiều lá me bay.
Ngân đứng ở cửa nhìn theo dáng nó bước lên xe mà than:
- Ước gì nhà mình cũng có số đỏ để được sốt như người ta. Không lên, không xuống, chẳng biết bao giờ bị hót đi như đống rác.
Hội quặc lại:
- Bốn cái mạng đang ngoi ngóp trên đống rác đấy…
Ngân ức mà không biết nói gì. Ngày trước, nhà cô bên kia sông, nơi mà đến mười một giờ đêm đèn vẫn sáng và nhạc vẫn rộn rã trong các hàng quán. Sang cái bán đảo bên này làm dâu, đời cô như đoá hoa vừa nở rơi xuống dòng nước. Những sắc màu, hào quang cũ cứ bợt bạt, mục rữa ra trước khi chìm vào hư không. Cô không phải dạng bon chen, tham vọng nhưng cũng muốn vun vén, tạo dựng cơ nghiệp. Chỉ khổ nỗi cô yêu Hội quá, yêu cái gã thầy giáo nửa mùa, nửa mùa còn lại đi làm truyền hình. Có lần, mẹ Ngân bảo:
- Mẹ thì chả bao giờ xem cái chương trình ti vi nhà anh Hội làm cả. Nhưng ở bên này, mẹ cứ nhìn thấy cái tháp truyền hình, mẹ lại có thêm một chút an ủi. Thôi con ạ, gia đình như cái tổ ong, mật ít, mật nhiều là do mình. Cứ thấy nó lủng lẳng, con bay ra con bay vào là hạnh phúc rồi.
Nghĩ đến thế, Ngân thấy lòng thanh thản phần nào. Bỗng như vẳng bên tai tiếng hai đứa con gái mè nheo đòi mua quà, như tiếng ông chồng khắc khổ luôn cau có với vợ mà nựng con thì thật khéo. Những âm thanh quen thuộc đó cứ lắng xuống như nước trong cái xô nhựa mà trong veo, mát rượi vào tim. Mà không phải, giờ này các con đâu đã về, ông chồng thì chắc đang “vật lộn” với đám bạn ngoài mấy quán bia cỏ.
Đó là tiếng ong thật. Ngân ngước nhìn lên, một cái tổ ong to lù lù đang treo trên cành cây nhãn già ngay lối cửa ra vào. Ôi nguy hiểm quá, đến cả cái chỗ đất chó ị này mà sự đen đủi vẫn không buông tha vợ chồng cô. Năm năm chạy chọt xin việc, hết chú này, bác nọ có lời vẫn quanh quẩn chỉ là cái hợp đồng bấp bênh trắng bợt. Ong với chả ve, mày đến làm cái “lầu” to thế để trêu ngươi à?
Chiều. Ngân vừa khóc vừa chạy đến bệnh viện vì được bà hàng xóm gọi điện nói con bé lớn thế nào lại bị ong đốt, sưng húp cả mặt lên. Gọi cho chồng thì thấy Hội không nghe máy, Ngân vừa lao vào thang máy bệnh viện thì va phải một tấm lưng to uỵch. Ngước nhìn lên là cái mặt to bự của Hải béo:
- Bà Ngân làm gì mà hốt hoảng thế, tôi không có sẵn 200k để bồi thường cho bà đâu nhé.
Nói rồi Hải cười. Nếu không vì vội, chắc Ngân bổ lại hắn rồi. Nhưng khi vừa lao vào phòng điều trị thấy mặt Hội, cô hiểu ra chắc hắn đưa anh vào. Hội chả tỏ vẻ gì lo lắng:
- May quá, có mấy con ong…
- Là sao?
- Người ta kết mua nhà mình là vì cái tổ ong đấy. Em đừng gọi thợ đến bắt nữa.
Ngân ôm lấy con. Con bé cao, chân dài lộc ngộc. Thấy mẹ, nó mừng ra mặt quên cả cơn sốt vì nọc ong:
- Bố bảo, may quá mẹ ạ. Con bị ong đốt nhưng nhà mình được về nhà mới.
Ngân gắt lên:
- Bố con mày hâm à? Đang cuối tháng chả có tiền, nghịch ngợm làm sao lại để nó đốt.
Tuần sau, cho đến lúc Hội dẫn Ngân và hai đứa con lên căn hộ chung cư còn thơm mùi sơn mới Ngân vẫn chưa tin được. Nhưng tại sao nhất thiết phải là mảnh đất có cái tổ ong mật lộc tài gì đó, đất thì rõ là không có sổ mà người ta vẫn quyết mua bằng cái giá trả được quá nửa căn chung cư này nhỉ. Hay là…
***
Tháng sau, có dịp đi qua khu nhà cũ, Ngân thấy chỗ đất ấy được san bằng và láng bê tông thành cái sân cho bọn trẻ con chứ chả thấy nhà cửa gì. Ngân dừng xe lại hỏi, một bà hàng xóm bảo:
- Đấy, nhờ cái chú Hải béo mà lũ trẻ con có chỗ chạy ra chạy vào. Người thì rõ lắm mồm nhưng tính thì lương thiện, gặp ai khó khăn đều giúp.
Trên vòm cây nhãn, tổ ong vẫn vo ve. Ngân về kể với Hội, anh bảo: “Chắc thằng Hải béo nó trả ơn tôi đấy”. Ơn gì thì Ngân chẳng hiểu, cô chỉ có một cảm giác rằng đằng sau những gì tưởng như cay đắng của cuộc đời này vẫn đầy mật ngọt của tình bạn…
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Ý kiến bạn đọc (0)