Tình thân
BẮC GIANG - Bác Hai vẫn chẹp miệng, giọng đầy nuối tiếc, nó cao ráo, xinh trai lại nhanh nhẹn, thông minh thì thôi rồi. Bác vừa xuýt xoa tự hào, vừa buồn thê thiết khi nói về những hình ảnh đẹp đẽ chỉ còn trong ký ức. Khen nức nở em trai xong, bác lại quay ra hết lời khen ngợi cô người yêu của em trai.
Dù người yêu bị tai nạn, trí óc lú lẫn, tính cách trở nên khác thường thì cô gái vẫn cương quyết tiến hành lễ cưới đã định, có lẽ vì tình cảm gắn bó, thắm thiết của hai người trước đó. Nhưng người phụ nữ xinh đẹp, chịu chấp nhận ở với một người bình thường đã khó, huống hồ phải ở với người điên. Sau cưới ba tháng, dù đã rất cố gắng mà chắc cô ấy chả chịu nổi những hành động mất kiểm soát của chồng nên đã bỏ nhà đi biệt tăm biệt tích. Bác Hai đọc xong lá thư cô để lại, không than trách nửa lời. Thực thì bác chỉ thấy thương em dâu, xót em trai quặn lòng.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Nhờ chiếc áo của bóng đêm che giấu giúp, bác Hai nhiều lần đấm ngực mình thùm thụp tự hỏi, tại sao người bị tai nạn hôm đó lại là nó? Tại sao đúng lúc em trai đuổi theo chiếc bóng của người chị phía bên kia đường thì chiếc xe oan nghiệt đã lao tới. Tiếng phanh vang lên xé tai. Cả đời bác Hai sẽ không quên được hình ảnh lúc đó của em trai. Mọi người đều nói không phải lỗi của bác Hai mà bác cứ dằn vặt mình. Vụ tai nạn khiến gương mặt điển trai của nó trở nên ngờ nghệch chả khác gì đứa trẻ. Rồi nó cứ thèm rượu, lần tìm rượu bất cứ ở đâu, khi nào có thể. Dù điên điên khùng khùng thì nó vẫn hiền lành khi tỉnh táo, chỉ tại rượu mới khiến nó thực sự mất trí. Rượu mới chính là thủ phạm gây tội lỗi với vợ nó. Sau mỗi lần tỉnh rượu mà thấy mặt vợ tím bầm, em trai xót xa, lắp bắp hỏi bác Hai, tại sao vợ mình lại bị như vậy, tại sao nó hỏi mãi vợ cũng chỉ khóc giàn giụa nước mắt, lắc đầu rồi im lặng.
Ai nói người điên không biết buồn? Người điên lại biết yêu ư? Thật vô lý quá chừng. Không ai trong xóm tin. Không ai trong làng tin. Chỉ có cánh đồng chiều vi vút gió nghe được lòng người điên đang khô đắng như đất ruộng bị cạn nước lâu ngày, nứt toác. Vợ bỏ đi, vắng người ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, em trai bác Hai như cái cây khô nước. Chiều chiều rũ bóng quắt queo bên vườn, ngó ra đồng xa, mắt buồn thê thiết. Có hôm bác Hai tìm mãi mới thấy em trai mình, vì nó tự vùi mình trong đống lá chuối khô. Vừa bới lá ra vừa quạu mặt, càu nhàu, miệng bác Hai ra rả mắng. Đến lớp lá cuối cùng vén lên, phát hiện ánh mắt đờ đẫn của em trai nhìn bác Hai, miệng méo xệch, rồi khóc tu tu thành tiếng khiến bác đang đà mắng mà phải im bặt, vì thương quá.
Ngồi tỉ mẩn khâu áo trước hiên nhà, bác Hai thở dài thườn thượt: “Để lâu thế này không được, phải cưới vợ mới cho cậu ấy thôi”. Suy tính, ngẫm nghĩ mãi, bác ngắm ở làng bên có cô Thắm, lỡ dở lần đầu, nghe đâu bị chồng chê, nhà chồng bỉ bai rằng người đâu mà cả ngày dật dờ như cái xác không hồn trong nhà khiến không khí gia đình bỗng dưng trở nên ảm đạm. Hàng xóm từng xì xào, lời ra tiếng vào, chả bao giờ thấy cô Thắm cười, miệng ngậm chặt như người câm. Lấy người chứ đâu lấy cỗ máy.
Đã con nhà nghèo, lại không nhan sắc, thêm phần lỡ dở nữa thì chắc khó mà có sự lựa chọn. Biết đâu nó lại ưng em mình. Không nói gì, biết nhẫn nhịn có khi chịu được cái bất thường của em trai. Dẫu sao nhà cửa, ruộng vườn em trai có rồi, cô Thắm ưng thì về với nhau, nương tựa vào nhau, kiểu gì chả sống được. Bác Hai tự tính toán trong đầu, rồi chuẩn bị tươm tất các thứ, đích thân sang nhà cô Thắm đánh tiếng. Chả ngờ, suy tính của bác Hai đúng. Đám cưới nhanh chóng diễn ra, nhẹ bẫng. Năm tháng cũng giúp con người ta quên cái gì cần quên, có cái gì cần có. Ơn trời, vợ chồng em trai được mụn con, có con thì bỗng nhiên, em trai vui vẻ hẳn, dễ bảo hơn trước.
***
- Mẹ Thắm đi đâu rồi con? Giỗ bố giỗ mẹ mà cứ mất hút là sao?
Nghe tiếng bác Hai ngoài cửa, Hạ từ trong nhà vội chạy ra.
- Mẹ con chắc đi chợ bán nốt ít rau củ. Để con khóa cửa rồi sang hộ bác Hai cỗ bàn nha.
- Chân tay mày như thế, làm được cái gì, thôi thôi ở nhà chuẩn bị đồ cho đầy đủ để mai lên trường. Gần đến lúc ăn cơm bác gọi. Mẹ Thắm mày chậm chạp thì không ai bằng, lúc nào mẹ về thì bảo sang bác ngay, nghe chưa.
Tiếng “Vâng” chưa kịp phát ra từ Hạ thì dáng vẻ tất tả của bác Hai đã mất hút sau cánh cổng.
Bác Hai vẫn vậy, lúc nào cũng tất bật. Bác hay mắng bố, mắng mẹ, bắt bẻ phải thế này thế kia theo ý bác nhưng lại chu đáo, chăm chút cho mọi người từng chút một. Bao năm trời, kinh tế nhà Hạ gần như do bác Hai bao bọc, bố thì điên, mẹ thì chậm chạp. Việc trồng trọt chả thu lượm được bao nhiêu. Riêng với Hạ thì khỏi phải nói, bác cưng nựng vô cùng. Chưa bao giờ bác mắng cháu gái nửa lời. Bác là người duy nhất mua đồ chơi cho Hạ. Mỗi lần sắm cho cháu gái chiếc áo mới xong phải ngắm nghía thật kỹ xem nó mặc có hợp không. Và bác cũng là người duy nhất bảo ban Hạ phải học hành tới nơi tới chốn. Nhiều thầy cô giáo đã nhầm tưởng, bác Hai là mẹ đẻ của Hạ vì sự sâu sát, quan tâm nhất mực. Lúc biết Hạ bị viêm khớp dạng thấp, bác Hai cứ ôm Hạ xót xa, “Bé tí xíu đã phải chịu đau, sao ông trời cứ hành hạ bé con của tôi thế, sinh ra đã thiệt thòi, giờ lại phải quàng bệnh tật vào mình”. Vì thế nên nhà có việc thì Hạ vẫn được ưu ái.
Hạ luôn tự ti vì có người bố bị điên nên khi đi học tự co mình, tránh né bạn bè. Dù vậy, bọn bạn không ngừng nhăm nhe, trêu chọc. Năm học lớp 6, cái Lan đứng giữa lớp cố tình nhấn nhá bằng giọng chua chát, khinh thường khi nói về ông bố điên của Hạ: Người điên thì đương nhiên trông nhếch nhác, suốt ngày chỉ biết lang thang đầu làng cuối xóm. Ai chả sợ hãi, xua đuổi ông ấy. Quần áo thì tả tơi, bẩn thỉu. Nhìn thôi đã phát hãi, chứ đừng nói để ông ấy sấn lại gần. Người ở cùng nhà chắc dùng chung đồ thì cũng không khác là mấy. Hạ về nhà ôm gối rưng rức, mẹ gặng hỏi, Hạ chẳng nói lý do. Bác Hai sang nhà, kiên nhẫn ngồi cả buổi bên Hạ.
Trong bầu không khí im phăng phắc, bác bắt đầu thỏ thẻ kể về ngày xưa, hồi bác và bố Hạ còn bé. Bác nhắc nhiều đến sự đổi thay do biến cố của cuộc đời mang lại theo năm tháng, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi mà ngày càng gắn kết, bền chặt hơn, đó là tình thân, tình yêu của mọi người trong gia đình dành cho nhau. Hạ òa khóc giải thích với bác, Hạ yêu mẹ, cũng yêu cả bố, nhưng tại sao bố lại bị điên, tại sao Hạ phải là con của ông bố điên. Bác Hai đã hết lời giải thích, dỗ dành trước đó mà Hạ vẫn hỏi vậy thì bác chịu.
Bác làm sao trả lời được. Cháu khóc. Bác khóc. Xưa nay, bác chưa từng khóc trước mặt Hạ như vậy. Nhìn từng giọt nước mắt như được ép ra từ đôi mắt chất chứa bao nỗi niềm, lăn dài trên đôi má sạm đen loang lổ, những nếp chân chim xô vào nhau khiến gương mặt bác Hai trở nên nhăn nhúm, khổ sở. Chợt nhận ra sự ích kỷ của bản thân, Hạ như này, bác Hai càng day dứt, khổ tâm. Vội vàng lau nước mắt, từ đó Hạ không bao giờ khóc vì cái lý là con của ông bố điên nữa. Hạ đỡ đần mẹ việc nhà. Hạ gần gũi, ân cần với bố hơn trước.
Giỗ ông, vắng vẻ như mọi năm, bởi nhà vốn dĩ neo người. Năm nào vào ngày này, mẹ Hạ đều dậy sớm sang bác Hai chuẩn bị gạo nếp, đồ xôi. Xong xuôi món này thì như kiểu xong nghĩa vụ, người lại lẩn đi đâu. Bác trai đã mất vì bệnh tật nhiều năm nay. Các anh chị nhà bác thì bận túi bụi với công việc ở xưởng gia đình, thường thì cả kể giỗ chạp mọi người cũng không ngưng việc được, nên gần như bác Hai cứ tất bật nấu nướng một mình, cúng xong lại mất công đi gọi người về ăn. Bác cằn nhằn suốt việc đó, rồi vẫn hoàn thành tươm tất mọi thứ. Chỉ cần đến giờ ăn, nhìn con cháu ngồi vào mâm quay quần đầy đủ, không thiếu mặt đứa nào là bác lại cười tươi rói.
Bác Hai đùm bọc lớn, bọc nhỏ thức ăn để Hạ mang lên trường. Lúc nào cũng lo cháu gái đi học đói. Cái kiểu thì thầm, kêu cháu gái đi vào nhà trong là Hạ biết ngay, bác lại dấm dúi, giấu các anh chị nhà bác cho Hạ tiền, dù nếu biết, chả anh chị nào phàn nàn gì. Bác nhắc đi nhắc lại là phải biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân, học hành cho nên người, nhà bố mẹ đã khó khăn như thế, phải gắng học ra trường cho tử tế. Bác Hai càng lo lắng, sốt sắng như thế, Hạ càng muốn ngoài giờ học có thể đi làm thêm để bác và bố mẹ không phải lo kinh phí ăn học cho Hạ. Nhưng chân tay đau suốt, đứng lâu không được, làm việc nặng không xong, Hạ đành chịu.
***
Bao ngày mong đợi mòn mỏi rồi Hạ cũng học xong đại học. Căn bệnh viêm thấp khớp vẫn làm Hạ đau nhức. Cảm tưởng như khi những cành cây trơ trụi, khô khốc ngoài vườn đến thời điểm giao mùa bị gãy gập thì các khớp ngón tay của Hạ cũng rụng rời. Nhiều lúc đau muốn chết đi. Một năm đến mấy đợt bệnh tật tra tấn thế, liệu đến một ngày nào đó, các đốt ngón chân, ngón tay của Hạ có biến dạng, trở nên xấu xí, khó coi không nhỉ. Đã đau lại còn xấu nữa thì kinh khủng lắm. Đến lúc đấy, Nam có nắm tay Hạ xuýt xoa không. Nam đã dứt khoát nhận trước mặt mẹ và bác Hai rằng, cô ấy bị bệnh tật như nào, con sẽ chịu trách nhiệm hết, sẽ chăm sóc cho cô ấy cả đời. Chả biết sau này thế nào, mà bước đầu tiên là Nam đã giúp Hạ vào được văn phòng công ty gần nhà làm việc.
Hôm hai đứa ra mắt hai họ, bác Hai mừng mừng tủi tủi, dắt Nam ra một góc, nói chuyện gì đó rất lâu. Sau đó, bác bảo với Hạ, giờ bác có thể thở nhẹ nhõm, an tâm mọi chuyện rồi. Bố Hạ có mẹ ở bên chăm sóc, còn Hạ có Nam, bác tin tưởng Nam sẽ trở thành người chồng tốt, người con rể hiểu chuyện và hiếu thảo. Bác biết, Hạ thiệt thòi thế nào khi bố không được bình thường, mẹ chậm chạp hơn người ta. Nhưng để mỉm cười đón nhận hạnh phúc về mình, bác mong Hạ hãy sống thật vui vẻ, hài lòng với những gì mình có. Không phải đứa nhanh nhảu, biết ăn nói nên dù nghèn nghẹn lòng trước lời dặn dò của bác Hai, Hạ chỉ gật đầu “vâng” mà không bày tỏ bao nhiêu điều muốn nói.
Ngày Hạ lên xe hoa, gia đình thống nhất để bố Hạ ở nhà, bác Hai sẽ đại diện nhà gái, đưa cháu gái về chồng. Hòa vào đám đông bên nhà chồng, Hạ cố với nhìn cho đến khi dáng bác Hai khuất nẻo cuối ngõ, nước mắt rơm rớm. Bác như người mẹ thứ hai, như ân nhân, như bà tiên… làm đời Hạ bừng nắng. Thực sự, Hạ chỉ muốn nói với bác một câu, cho đến lúc này, Hạ lại thấy mình vô cùng may mắn khi được bố mẹ sinh ra, được làm con bố mẹ, làm cháu gái của bác. Giờ trái tim Hạ thấm thía được tình thân trong gia đình. Hạ mong bác không còn day dứt trong lòng ký ức đau buồn. Nam đã đến bên lúc nào, đưa tay lau nhẹ giọt nước mắt vương trên má vợ và thì thầm đủ để Hạ nghe thấy: “Rồi anh sẽ đưa em về thăm bố mẹ, thăm bác thường xuyên mà!”.
Ý kiến bạn đọc (0)