Tìm về dấu tích chùa tháp Tây Yên Tử
Chân tảng đá hoa sen thời Trần ở chùa Mã Yên. |
Chùa Sơn Tháp, tên Nôm là Hòn Tháp nằm dưới chân núi Hòn Tháp cạnh vực Rêu. Chùa xưa hiện còn nền móng, dấu tích khá đậm nét, nổi bật là các bậc kè đá, hệ thống chân tảng cột đường kính trung bình 35cm, chóp tháp đá cổ, đá xây bệ tháp, thân tháp. Đặc biệt, đá thân tháp còn bài vị khắc chữ Hán “Huyền cơ thiện thọ Pháp Vân hòa thượng vị” cho biết đó là nơi yên nghỉ của Thiền sư Pháp Vân từng trụ trì ngôi chùa này. Khu phế tích còn nền móng được phân ba cấp, kè đá nâu, phần nền chùa ở cấp thứ ba, trên nền còn một số tảng đá nhám màu nâu nhạt, phía sau là khu vườn tháp. Hiện toà tháp đã bị hư hỏng bởi thời gian, phần thân và chóp tháp đã được di dời về khu nền chùa.
Các di vật được tìm thấy ở vườn chùa đều là gạch, ngói vỡ và mảnh gốm sứ thời Trần cho thấy đây vốn là đại danh lam cổ tự dưới thời Trần, được mở mang xây dựng từ đầu thế kỷ XIV, nơi ghi dấu đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông rời hoàng cung lên núi tu tâm dưỡng tính hoằng dương Phật pháp để cứu nhân độ thế. Điều này cũng phù hợp với nội dung chép trong sách Đạo giáo Nguyên Lưu, phần Trần Triều danh đức ghi “Vua Trần đi về phía Đông, đến chùa Sơn Tháp và lưu ở đó” rồi lên Yên Tử tu hành. Chùa xưa không còn, gần đây, nhân dân địa phương dựng lại một am nhỏ trên nền đất cũ để du khách thập phương bái Phật.
Qua chùa Sơn Tháp tới thác Vực Rêu - một danh thắng trong sơn phận dải Huyền Đinh. Thác Vực Rêu tự ngàn đời xối xả đã đào khoét lòng suối thành một vực nước sâu tới dăm sáu thước, rộng cả chục mét vuông. Nước dưới vực thác quanh năm chảy rì rầm. Vực Rêu đẹp bởi sự hùng vĩ của tạo hóa, được xem như một bồn tắm thiên tạo kỳ thú của núi rừng Huyền Đinh. Men theo thác nước khoảng 3,4 km là tới khu lòng Thuyền và đỉnh Mã Yên. Hiện muốn lên đỉnh Mã Yên, từ chùa Sơn Tháp còn có thể theo đường mòn qua núi khoảng 4km. Nếu đi theo thác Vực Rêu phải trèo qua vô số ghềnh đá tạo cảm giác phiêu lưu, thú vị.
Theo dân gian, vì dáng núi mở ra giống một con thuyền lớn, đỉnh Mã Yên giống hình yên ngựa mà thành tên gọi Mã Yên. Nơi đây còn phế tích chùa cổ khá đậm nét là chùa Mã Yên. Khu vực này còn được nhân dân địa phương gọi là Hố Chùa. Tương truyền ngôi chùa do Thiền sư Pháp Loa xây dựng, gồm nhiều hạng mục kiến trúc có quy mô lớn. Thực địa cho thấy nền móng phế tích nằm trải rộng hàng trăm mét vuông và được chia làm nhiều cấp bậc, các dấu tích cấp bậc nền móng được kè đá nâu. Thành giếng chùa được kè đá hình tròn.
Tại khu chùa chính, có lẽ là nền tòa Tam bảo còn lưu giữ nhiều khối đá hình chữ nhật ở bậu cửa hoặc thành bậc thềm hiên, kích thước trung bình dài 70cm, rộng 40cm, dày 15cm được gia công, đẽo mài các góc cạnh cẩn thận. Có những phiến đá còn gần nguyên vẹn với phần đầu được đẽo mài thanh nhỏ đủ vừa để ghép vào những lỗ mộng của công trình kiến trúc. Một cối đá vỡ nhưng còn hình thù rõ ràng, bờ tường kè đá phía trước còn lẫn cả những viên ngói cánh sen thời Trần. Đặc biệt phía bên phải khu chính điện tòa Tam bảo còn lưu giữ được cả chân tảng đá hoa sen thời Trần. Đó là những di vật của công trình kiến trúc cổ xưa.
Chùa Sơn Tháp, chùa Mã Yên thuộc sườn Tây Yên Tử là những đại danh lam dưới thời Trần, ghi dấu lịch sử phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Cảnh cũ chùa xưa tuy không còn nhưng những hiện vật, di vật, phế tích nền móng cũ đã nói lên sự bề thế của các công trình kiến trúc cổ, đánh dấu thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)