Tìm kiếm, lựa chọn công nghệ bảo quản vải thiều
Các đồng chí chủ trì buổi tọa đàm. |
Báo cáo đề dẫn, ông Nguyễn Thanh Bình thông tin, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung cho cây vải thiều.
Mặc dù vậy, do vải thiều có tính mùa vụ cao, sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn; chất lượng vải thiều không đồng đều giữa các địa phương và các vùng nên công tác bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Bình phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm. |
Buổi tọa đàm lần này nhằm tìm những giải pháp KH&CN, giới thiệu công nghệ sấy để khắc phục một số hạn chế, từ đó lựa chọn, chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm vải thiều phù hợp với điều kiện của tỉnh và nhu cầu của các DN, HTX.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, các đại biểu làm rõ thực trạng chế biến/bảo quản và giải pháp nhằm nâng cao giá trị quả vải thiều; đề xuất giải pháp tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu thông qua việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc quả vải thiều.
Hiện vải thiều tươi chủ yếu được bảo quản thông qua ướp lạnh; khâu chế biến vẫn dừng lại ở chế biến cùi và đóng lon bằng phương pháp thủ công nên giá trị không lớn, chi phí nhân công cao.
Để nâng cao giá trị quả vải thiều, một số ý kiến đề xuất cần tiếp tục mở rộng diện tích trồng áp dụng các tiêu chuẩn cao vào sản xuất/canh tác như: Tiêu chuẩn GlobalGAP; tiêu chuẩn hữu cơ của các nước phát triển (USDA, JASS,...); mở rộng cấp mã vùng sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)...
Các đại biểu tham luận. |
Về công nghệ bảo quản, có ý kiến nêu cần xác định đây là khâu có ý nghĩa rất quan trọng để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ; giải quyết được bài toán sản lượng, không bị áp lực khi thu hoạch rộ; đồng thời tránh rủi ro trong sản xuất, khắc phục hiện tượng được mùa rớt giá. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phát huy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Giới thiệu về công nghệ sấy lạnh đa năng trong chế biến, bảo quản thực phẩm, ông Đặng Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại quốc tế Orgen cho biết, đây là công nghệ hiện đại, chất lượng và an toàn tuyệt đối. Thông qua công nghệ tuần hoàn khí kín giúp tự động cân bằng và tuần hoàn trong quá trình sấy, tiết kiệm năng lượng. Hệ thống tách ẩm qua dàn ngưng tụ độc lập, hiệu suất cao, không phụ thuộc vào điều kiện môi trường và điều kiện sấy sẽ giúp giữ nguyên màu, nguyên mùi, nguyên vị của sản phẩm, có thể áp dụng với nhiều loại nông sản...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng, Viện nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Công Thương), dù sấy bằng công nghệ nào thì tiết kiệm năng lượng là yếu tố quan trọng, quyết định đến giá trị gia tăng. Do đó cơ quan chuyên môn, các địa phương cần nghiên cứu, lựa chọn mô hình phù hợp với nguồn lực cũng như lao động tại địa phương... Với chất lượng vải thiều của Bắc Giang như hiện nay, người dân nên sử dụng phương pháp sấy đối lưu cưỡng bức sử dụng lò đốt gián tiếp nhiên liệu sinh khối để tạo tác nhân sấy bởi vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa tận dụng nguồn lá, cành cây sau thu hoạch để tạo nhiệt...
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn nêu một số nội dung như: Thực trạng một số vấn đề cần giải quyết nhằm nâng cao giá trị quả vải thiều; nền tảng truy xuất nguồn gốc 4.0-VN Check vào việc quản lý chuỗi cung ứng nông nghiệp và thương mại điện tử; chuyển đổi số, hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nông nghiệp...
Đồng chí Phạm Thế Dũng phát biểu. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Thế Dũng nhấn mạnh, để tìm giải pháp hiệu quả trong công nghệ bảo quản vải thiều, các cơ quan, đơn vị và DN cần hỗ trợ hiệu quả hơn cho tỉnh Bắc Giang tìm kiếm, chuyển giao công nghệ và nhân rộng sấy quả vải thiều. Trước mắt, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ phối hợp với Sở KH&CN xây dựng các mô hình công nghệ sấy tiên tiến nhằm đa dạng công nghệ phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau để làm cơ sở triển khai nhân rộng mô hình thời gian tới.
Đồng chí mong muốn tỉnh Bắc Giang xem xét đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu một số giải pháp, công nghệ cụ thể giải quyết tồn tại nhằm nâng cao giá trị quả vải thiều. Cụ thể nghiên cứu, lai tạo giống vải trái vụ hoặc kéo dài thời gian thu hoạch của quả vải; nghiên cứu một số công nghệ, thiết bị sơ chế nhằm phục vụ cho các dây chuyền sản xuất cùi vải đóng lon, nước vải như: Công nghệ bóc vỏ quả; công nghệ/thiết bị bóc cùi vải... Tiếp tục nghiên cứu cải tiến công nghệ bảo quản quả vải tươi nhằm nâng cao công suất, tăng thời gian bảo quản đáp ứng việc xuất khẩu bằng đường biển.
Đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển, Sở KH&CN ký Chương trình phối hợp. |
Nhân dịp này, Cục Ứng dụng và Phát triển, Sở KH&CN ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN, giai đoạn 2022-2025.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)