Ấn tượng đẹp về hành trình "Mùa vải yêu thương"
Trải nghiệm ý nghĩa
Vừa kết thúc đợt thực tập tại TP Đà Nẵng, Trần Thị Vân Anh (SN 2001) quê thị trấn Nham Biền (Yên Dũng), sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhanh chóng xếp hành lý để bắt đầu hành trình “Mùa vải quê hương”. Hoạt động này do Hội Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội và Tỉnh đoàn Bắc Giang phối hợp tổ chức nhằm hỗ trợ nông dân Lục Ngạn thu hoạch vải thiều.
Tình nguyện viên Hội Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội hỗ trợ người dân thu hoạch vải thiều. |
Cùng với Vân Anh còn có 15 sinh viên tham gia tại xã Phượng Sơn. Với vai trò là Liên chi hội Trưởng Liên chi hội Nguyễn Trãi - Hà Đông, Vân Anh được giao phụ trách nhóm sinh viên trong những ngày tình nguyện tại xã. Để nắm địa bàn, thuận tiện hướng dẫn và đón các thành viên khác, Vân Anh đi xe máy từ Hà Nội về Lục Ngạn trước đó một ngày. Địa điểm lưu trú của nhóm là nhà ông Hoàng Văn Điệp, Trưởng thôn Mào Gà.
Vân Anh cho hay, trong đợt tình nguyện này, các hoạt động hỗ trợ hướng đến những gia đình chính sách. Để tránh cái nóng đỉnh điểm giữa mùa hè, cả nhóm thức dậy từ hơn 4 giờ sáng cùng cán bộ thôn di chuyển đến điểm bẻ vải.
Tình nguyện viên hỗ trợ người dân vận chuyển vải thiều đến điểm cân. |
Mọi công đoạn, từ bẻ vải, bó, chặt cuống, vận chuyển ra điểm tập kết đều được các sinh viên thực hiện khẩn trương. Khi hoàn thành việc thu hái, đồng hồ mới điểm 8 giờ sáng cũng là lúc những chiếc áo xanh tình nguyện ướt sũng mồ hôi.
Ông Nguyễn Quang Thẩm, thương binh ở thôn Cầu Đất nói: "Gia đình tôi có hai vợ chồng đều cao tuổi nên không thể làm được việc nặng. Cứ đến vụ thu hoạch là tôi không biết xoay xở thế nào, cũng không có kinh phí để thuê người làm. Khi được các cháu thanh niên tới giúp đỡ, tôi rất cảm động. Dù chưa từng lao động chân tay nặng nhọc nhưng các cháu đều nhiệt tình, cố gắng giúp đỡ gia đình".
Không chỉ tham gia khâu thu hái, các bạn trẻ còn hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông điều phối, phân làn phương tiện để khắc phục tình trạng ùn tắc trên đường.
Các sinh viên tham gia hỗ trợ phân làn, điều tiết giao thông tại chợ Kim, xã Phượng Sơn. |
Sinh viên Tống Thị Vũ Linh (SN 2002) ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) nhớ lại buổi đầu tiên tham gia phân làn giao thông tại khu vực điểm cân chợ Kim: “Lúc đó, tâm trạng tôi khá lo lắng vì chưa tham gia hoạt động này bao giờ. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của các anh chị trong lực lượng công an, tôi nhanh chóng bắt nhịp công việc, mọi lo lắng cũng dần tan biến”. Hằng ngày, cứ đến khoảng 10 giờ trưa, giao thông không còn tắc nghẽn là lúc các thanh niên tình nguyện cùng nhau đi chợ rồi trở về nơi tập kết, nấu ăn, nghỉ trưa. Chiều tối, khi trời tắt nắng hẳn, nhóm sẽ tiếp tục tới các hộ dân hỗ trợ thu hoạch vải thiều.
Nhân dịp này, các tình nguyện viên còn phối hợp với đoàn viên, thanh niên xã Phượng Sơn làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ xã, dọn vệ sinh một số đoạn đường, nhà văn hóa.
Những trái vải thiều Lục Ngạn ngọt ngào. |
Gắn kết, xây dựng lối sống đẹp
Chương trình “Mùa vải quê hương” của Hội Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội còn thu hút nhiều sinh viên đến từ các tỉnh, TP trên cả nước. Năm nay, cùng với gần 100 tình nguyện viên là người Bắc Giang còn có sinh viên đến từ các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng. Tham gia hoạt động tình nguyện ở vùng vải giúp các bạn trẻ có thêm kỹ năng hoạt động nhóm cùng những trải nghiệm bổ ích, xây dựng lý tưởng sống đẹp, góp sức vì cộng đồng.
Các tình nguyện viên chụp ảnh lưu niệm trước khi kết thúc hành trình "Mùa vải yêu thương" |
Năm nay, có gần 100 sinh viên các trường đại học tại Hà Nội tham gia hỗ trợ người dân Lục Ngạn thu hoạch vải thiều, điều tiết giao thông và cùng với thanh niên địa phương tổ chức các hoạt động tri ân người có công. Thời gian hỗ trợ từ ngày 25/6 đến trung tuần tháng Bảy. |
Biết đến hoạt động tình nguyện trên qua một người bạn, chàng sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Quốc Thanh Hòa (SN 2001), quê ở Đắk Lắk đã hăng hái viết đơn đăng ký tham gia chương trình. Hòa tham gia đợt đầu và thời gian tình nguyện kéo dài ba ngày. Với Hòa, đây là hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Được rèn luyện sức khỏe, kỹ năng hoạt động nhóm, gặp gỡ các bạn có cùng đam mê thiện nguyện, Hòa còn có thêm kiến thức về chuyên ngành nông nghiệp mà mình đang theo học khi được người dân chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc vải thiều. “Chuyến hành trình tình nguyện của mình kết thúc với những kỷ niệm thật đẹp. Đó là những ngày tôi được sinh hoạt cùng mọi người, nhớ màu đỏ rực của những vườn vải thiều chín mọng”, Hòa tâm sự.
Sắc áo xanh tình nguyện trong mùa vải đỏ. |
Chỉ còn ít ngày nữa nông dân thu hoạch xong vải thiều. Góp sức giúp bà con huyện Lục Ngạn thu hoạch, tiêu thụ vải thiều có 6 nhóm sinh viên tình nguyện. Hành trình kết thúc, họ tạm biệt thủ phủ vải thiều trong lưu luyến. Dù thời gian lưu lại ngắn ngủi nhưng hành trình “Mùa vải quê hương” đã để lại trong các bạn trẻ những ký ức tươi đẹp của quãng đời sinh viên.
Theo anh Nguyễn Tuấn Thành (SN 1999) ở xã Xuân Lương (Yên Thế), Chủ nhiệm Hội Sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội, "Mùa vải quê hương" là chương trình thường niên của Hội phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai. Qua đây thể hiện trách nhiệm, tình cảm của đội ngũ sinh viên Bắc Giang với quê hương. Sau nhiều năm triển khai, hoạt động này đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hàng nghìn lượt thanh niên trong và ngoài tỉnh tham gia, góp sức cho những mùa vải thắng lợi.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)